13/12/2013 00:59 GMT+7

Nhà máy gây ô nhiễm, dân bị di dời

DUY THANH - PHAN SÔNG NGÂN
DUY THANH - PHAN SÔNG NGÂN

TT - Phiên chất vấn kỳ họp thứ 7, HĐND Khánh Hòa khóa V ngày 12-12 “nóng” lên bởi chuyện Nhà máy tách cọng thuốc lá Khatoco ở Cụm công nghiệp Đắc Lộc (TP Nha Trang) gây ô nhiễm môi trường nhưng dân lại bị di dời.

AXZy1vbk.jpgPhóng to
Tường rào Nhà máy tách cọng thuốc lá Khatoco chỉ cách nhiều nhà dân chừng 1,2m. Theo ông Lê Minh Tân (thôn Đắc Lộc 2), đoạn tường gạch mới xây thêm vẫn không ngăn được ô nhiễm thuốc lá - Ảnh: Phan Sông Ngân

Cùng lúc ấy, ở thôn Đắc Lộc 2, xã Vĩnh Phương (TP Nha Trang), nhiều người dân trong vùng bị ô nhiễm của nhà máy tách cọng thuốc lá, dõi theo cuộc họp qua các phương tiện thông tin đại chúng đã nhắc lại gần như thuộc lòng lời xin lỗi của chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa tại cuộc đối thoại với dân vào ngày 19-7, cùng lời hứa yêu cầu nhà máy xử lý tình trạng ô nhiễm xong mới cho hoạt động.

Tỉnh nhận sai

Bà Lê Thị Hoàng Yến, phó trưởng Ban văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Khánh Hòa, chất vấn ông Nguyễn Chiến Thắng - chủ tịch UBND tỉnh: “UBND tỉnh đã chỉ đạo nhà máy khắc phục, tuy nhiên đến nay, tiếng ồn, mùi thuốc lá vẫn còn ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người dân. Đề nghị chủ tịch UBND tỉnh giải trình rõ các giải pháp sắp tới để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại thôn Đắc Lộc. Nhà máy còn có giải pháp nào nữa để khắc phục triệt để không? Nếu không còn giải pháp nào khác thì việc di dời người dân có phải là giải pháp tối ưu không? UBND tỉnh đã đánh giá hiệu quả tác động giữa hai giải pháp di dời dân và di dời nhà máy chưa?”.

Ông Nguyễn Chiến Thắng trả lời việc quy hoạch Cụm công nghiệp Đắc Lộc tại thôn Đắc Lộc là đúng, khoa học và hợp lý. “Nhưng cái sai của UBND tỉnh là song song với quy hoạch và xây dựng cụm công nghiệp này là không xây hành lang an toàn đảm bảo cụm công nghiệp phải xa khu dân cư. Thật ra trong quy hoạch Cụm công nghiệp Đắc Lộc có hành lang an toàn, lẽ ra khi xây dựng phải di dời dân khỏi khu vực đó để tiếp tục phát triển và tránh ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến người dân, nhưng cái đó tỉnh không làm là tỉnh sai” - ông Thắng phân trần.

Ông Thắng nói tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt và đến nay nhà máy đã khắc phục tình trạng gây ô nhiễm tương đối tốt, tiếng ồn và bụi đã được khắc phục 100%, nhưng mùi thì vẫn còn. “Tôi thấy còn mùi hôi nên vẫn còn lo và yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá và có cả các cơ quan trung ương cùng tham gia. Kết quả là lượng nicotine trong nhà máy từ 0,005-0,145mg/m3 không khí, còn chỗ dân ở thì 0,0002mg/m3 không khí, cách xa rất nhiều so với chuẩn quy định là 0,5mg/m3 không khí. Có thể khẳng định lượng nicotine như vậy là không ảnh hưởng đến sức khỏe” - ông Thắng trả lời.

“Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài thì cần sớm di dời dân khỏi khu vực này để bảo đảm sức khỏe cũng như sự tác động của khu công nghiệp đến khu dân cư. Không phải nhà máy thuốc lá, mà nhà máy khác đặt ở đây cũng gây ô nhiễm môi trường, do vậy dân phải đi thôi. Trong thực tiễn để phát triển đất nước thì người dân phải tái định cư. Nhà nước có trách nhiệm phải đền bù thỏa đáng cho dân, nơi tái định cư phải tốt hơn nơi ở cũ. Còn nếu ai suy nghĩ là tôi ở đây hàng trăm năm rồi, cụm công nghiệp và nhà máy đến sau nên giờ phải dẹp nhà máy, dẹp cụm công nghiệp thì cần nên suy nghĩ lại” - ông Thắng quyết liệt.

Trước đó, cuối tháng 11-2013, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo UBND TP Nha Trang khẩn trương hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng khu tái định cư và xây dựng phương án đền bù, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng, vận động nhân dân di dời, báo cáo UBND tỉnh trong tháng 1-2014.

Dân tiếp tục khiếu nại

Trưa 12-12, tại thôn Đắc Lộc 2, Nhà máy tách cọng thuốc lá Khatoco vẫn vọng tiếng ì ì, mùi thuốc lá nguyên liệu vẫn tràn ngập khắp vườn tược, nhà cửa của người dân ở hai bên đoạn đường Thổ Châu, chạy song song tường rào nhà máy... Ông Nguyễn Văn Đỏ, trưởng thôn Đắc Lộc 2, cho biết sau khi bị dân làm căng quá, nhà máy đã di dời bốn ống khói, gồm một ống xả mùi và ba ống xả khói bụi vốn đặt gần vách khu nhà dân, qua phía gần vách tường đối diện, cách chỗ cũ chừng 60-70m. Ông Đỏ nói: “Công nhận là sau khi khắc phục thì bụi và tiếng ồn đều có giảm nhưng mùi vẫn còn hôi”.

Ông Trương Văn Hớn, một người dân ở đây, cho hay: “Chính tôi là người nghiện thuốc lá mà còn chịu không nổi. Vì mùi thuốc lá của Khatoco cứ giống như bị cô lại, nồng nặc, hôi ngộp đến mức muốn ói mửa”. Bà Nguyễn Thị Bền, nhà số 6 Thổ Châu, cho biết chồng bà là ông Nguyễn Văn Buôn (61 tuổi) gần cả năm nay phải nhập viện tới bốn lần vì bị viêm phế quản và hen. “Cứ Nhà máy tách cọng thuốc lá Khatoco hoạt động ít ngày là ổng phải nhập viện, hiện đang phải nằm điều trị tại Viện Quân y 87” - bà Bền cho biết.

PV Tuổi Trẻ mang ý kiến của người dân thôn Đắc Lộc bày tỏ hoài nghi về các số liệu đo đạc, quan trắc môi trường ở đây đến hỏi thì bác sĩ Nguyễn Quang Tiến - phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Khánh Hòa - cho hay kết quả đo đạc khí độc nicotine trong nhà máy và khu dân cư Đắc Lộc do Viện Pasteur Nha Trang thực hiện. Ông Tiến nói dù kết quả đo nicotine ở khu dân cư chỉ 0,0002mg/m3 không khí, nhưng do Việt Nam chưa có quy chuẩn về lượng khí nicotine ngoài môi trường nên chưa đánh giá được mức độ nguy hại đến sức khỏe con người.

Nói về chuyện phải di dời dân, ông Đỏ cho biết: “Chỉ mới loan tin vậy thôi. Còn dân thì có kiến nghị di dời nhà máy là tốt nhất”. Hiện nay cả thôn Đắc Lộc 2 có tới 332 hộ với khoảng 1.300 dân, còn thôn Đắc Lộc 1 có 392 hộ với chừng 1.400 dân cư. Theo ông Đỏ, mùi thuốc lá gây ô nhiễm luôn cả hai thôn. Gió thổi tới đâu là hôi tới đó. Cả các cháu học sinh của Trường mầm non Vĩnh Phương II trong thôn và Trường tiểu học Vĩnh Phương cũng đều bị ô nhiễm, hít mùi thuốc lá Khatoco mỗi khi có gió thổi tới.

Thế nhưng, theo kế hoạch di dân của tỉnh, chỉ có 55 hộ ở trong vòng 50m dọc theo tường rào Nhà máy Khatoco là phải di dời. Nhiều người dân thắc mắc nếu giải tỏa, di dời như thế thì làm sao khắc phục hết ô nhiễm đối với dân. Còn trong đơn khiếu nại của người dân ở hai thôn gửi các cơ quan trung ương nêu “Không đồng ý di dân đi nơi khác”, bởi làng xóm của họ đã tồn tại trên 200 năm qua, vậy sao lại cho đặt nhà máy kinh doanh thuốc lá của Khatoco chỉ mới hai năm qua để gây ô nhiễm rồi bắt dân phải di dời?

Trao đổi về chuyện dời dân sau phiên chất vấn, bà Lê Thị Hoàng Yến cho hay: “Tôi rất băn khoăn với giải pháp di dời dân. Đây là vùng nông thôn, dân nghèo, ngôi nhà, mảnh vườn gắn bó với họ từ rất lâu đời. Nếu chúng ta đặt mình trong hoàn cảnh phải di dời thì chắc chắn cũng có những nỗi lo âu, bức xúc như bà con Đắc Lộc”. Theo bà Yến, quy luật sinh tồn khiến các cộng đồng dân cư luôn chọn những vùng đất tốt để ở, nay vì lý do phát triển họ bị buộc phải nhường đất và về các khu tái định cư. “Tôi thấy ngay tại Nha Trang, các khu tái định cư Hòn Xện, Đất Lành... đều không tốt hơn so với nơi ở của bà con trước đây. Quan điểm phát triển là đúng, nhưng nếu bao nhiêu đất tốt thì dành cho dự án này dự án kia mà đưa dân đến ở chỗ xấu, điều kiện sống không tốt hơn thì không thể coi là phát triển được. Là đại biểu HĐND tỉnh, tôi có trách nhiệm sẽ theo dõi kỹ vụ việc ở thôn Đắc Lộc và giám sát lời hứa của chủ tịch UBND tỉnh trong trường hợp di dời dân ở đây” - bà Yến bày tỏ.

DUY THANH - PHAN SÔNG NGÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên