22/12/2014 13:44 GMT+7

​Người liệt sĩ số 01

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH

TT - Tấm bằng Tổ quốc ghi công của anh được Thủ tướng Chính phủ trao năm 1961 với số hiệu HX 759b chứ không mang số 01, nhưng quân sử VN công nhận anh là liệt sĩ đầu tiên của quân đội.

Di tích lịch sử đồn Đồng Mu - nơi hi sinh của Hoàng Văn Nhủng, liệt sĩ đầu tiên của quân đội - đang được tôn tạo khang trang nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập QĐNDVN - Ảnh: Ngọc Quang

Anh là Hoàng Văn Nhủng, có mặt trong đội quân 34 người ở rừng Trần Hưng Đạo.

Trong ký ức người Đồng Mu

Chặng đường từ rừng Trần Hưng Đạo vào xã Xuân Trường (huyện Bảo Lạc, Cao Bằng) chỉ hơn 100 cây số, song để tới đó không dễ dàng chút nào dù bây giờ đã là thế kỷ 21.

Chỉ đi qua cung đường này một lần, chúng tôi đủ hình dung ra những gian nan của đội quân tướng Giáp trong trận đánh công đồn Đồng Mu 70 năm trước.

Thành lập ngày 22-12-1944, đúng hai ngày sau, đêm 24-12, những người lính ấy đã đánh trận đầu tiên lấy ngay đồn Phai Khắt, rồi thừa thắng xông lên, sau một ngày đêm hành quân thêm 25 cây số nữa để chiếm luôn đồn Nà Ngần.

Hai trận đánh đầu tiên ấy đã khiến thanh thế của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ) lớn mạnh hơn, lực lượng ngày càng được bổ sung, trong đó có đội du kích của chỉ huy Đàm Quang Trung sáp nhập vào đội VNTTGPQ. Hơn một tháng sau chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần, đầu tháng 2-1945 trận đánh thứ ba của đội quân đầu tiên chính là đồn Đồng Mu, một đồn binh khá hiểm yếu trấn giữ một vùng rộng lớn để khống chế phong trào cách mạng ở các huyện Thông Nông, Bảo Lạc...

Bảy mươi năm trôi qua, chúng tôi tìm lối lên lại đồn Đồng Mu xưa, nơi liệt sĩ Hoàng Văn Nhủng - người lính đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam hi sinh.

Cũng như những công trình ở rừng Trần Hưng Đạo đang nâng cấp để trở thành di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia, di tích đồn Đồng Mu cũng được tôn tạo thành khu tưởng niệm khang trang thay cho nhà bia cũ đã xuống cấp.

Từ trên đồi cao, chính tại vị trí đồn xưa, anh Tô Hữu Quanh, bí thư Đảng ủy xã Xuân Trường, bảo: “Từ đây các anh có thể thấy hết sự hiểm yếu của đồn Đồng Mu với toàn bộ vùng đất này, chính vị thế như vậy đã khiến trận đánh Đồng Mu đêm mồng 4 rạng ngày 5-2-1945 trở nên cam go.

Tư liệu về trận đánh thì chúng tôi có ghi chép lại trong lịch sử xã, nhưng trong bản vẫn còn nhiều người biết về trận đánh năm ấy, tôi sẽ đưa các anh đến gặp bởi những người già biết chuyện xưa nay cũng lần lượt ra đi”.

Từ di tích đồn Đồng Mu chúng tôi xuống bản Nà Đoỏng. Cụ Tô Đức Ninh, năm nay 87 tuổi, nghe chúng tôi hỏi chuyện về trận đánh Đồng Mu năm xưa đã vội nói một tràng tiếng Tày với vợ, bà cụ Lánh Thị Sấn.

Cụ Sấn là vợ cụ Ninh nhưng lớn hơn cụ Ninh đến tám tuổi, kỳ lạ là ở tuổi 95, trí nhớ của bà cụ Sấn lại vô cùng minh mẫn.

“Cái đồn hồi đó Tây nó xây to lắm, có một tên quan ba từ Bảo Lạc lên, ngoài quan ba chỉ huy có mấy thằng lính Tây nữa, tên hai thằng lính Tây là “Bop Lô” và “Đờ Ri”, ta còn nhớ rõ. Rồi lính khố đỏ cũng nhiều lắm, phải đến ba bốn chục người. Đồn Đồng Mu hồi đó ta còn nhớ, hàng phiên chợ nó bắt dân mang thịt heo và rau lên nộp cho nó mà, có cái lô cốt bằng đá, nhà cũng xây, đi vào đồn phải qua bót gác, hàng rào vây tre gai rất dày. Khi quân của tướng Giáp từ bên Nguyên Bình qua đánh đồn chỉ ít người dân biết được thôi, bí mật mà. Ta không biết quân ta đánh thế nào, nhưng đồng chí Xuân Trường hi sinh thì dân Đồng Mu ai cũng biết. Sau này lấy tên đồng chí Xuân Trường đặt cho xã ta, thay thế cái tên Đồng Mu ngày trước mà”.

Ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Bảo Lạc vẫn có nấm mộ ghi tên người liệt sĩ đầu tiên: Xuân Trường - Ảnh: Ngọc Quang

Để lại tên nơi mình ngã xuống...

Câu chuyện chắp nhặt về trận đánh đồn năm xưa đã được hai vợ chồng cụ Tô Đức Ninh và Lánh Thị Sấn ở bản Nà Đoỏng chắp nối hồi ức chập chùng qua 70 năm được tóm tắt như thế.

Còn sự hi sinh của Xuân Trường - người liệt sĩ đầu tiên của quân đội - biết tìm gặp ai? Phải một hồi lâu, anh Tô Hữu Quanh, bí thư xã, mới vỗ trán: “May quá, hồi tướng Đàm Quang Trung về đây có kể lại câu chuyện này, anh em có ghi lại và đưa vào địa chí xã, để tôi về tìm cho các anh”.

Lại thêm một bất ngờ nữa, khi vào một xã giáp biên heo hút như thế này không ngờ lại có những người dân của xã ý thức về “địa phương học” đến vậy. Tập địa chí xã Xuân Trường chỉ dày đúng 20 trang A4 nhưng vô cùng sinh động.Và đáng tin cậy hơn khi hai người thực hiện cuốn địa chí này là ông Tô Đức Năng, nguyên thiếu tá quân đội và ông Mông Văn Đinh, nguyên phó chủ tịch huyện Bảo Lạc.

Trận đánh đồn Đồng Mu và cái chết của tiểu đội trưởng Xuân Trường được ghi lại chi tiết trong những dòng “dân sử” của xã Xuân Trường: “Đêm 4-2-1945 quân ta tổ chức đánh bằng ba mũi, trong đó có một mũi do đồng chí Đàm Quang Trung chỉ huy bí mật luồn sâu áp sát, kết hợp với một số lính đồn đã được ta giác ngộ từ trước, thọc sâu ngay vào đồn. Trước sự tấn công bất ngờ, bọn lính đồn mở đường máu tháo chạy, một toán lính chui ra theo đường hào, gặp ngay mũi của Đàm Quang Trung, hung hăng chống cự, bị đánh bật trở lại. Xuân Trường lúc này là tiểu đội trưởng, lao lên phục kích ở chân tường của ngôi nhà địch vừa tháo lui ẩn nấp. Không ngờ từ trong nhà, nhóm lính này leo lên phía tường cao và phát hiện chỗ phục kích của Xuân Trường liền từ trên cao bắn xuống, đồng chí Xuân Trường hi sinh. Địch co cụm lại khu nhà xây chống cự quyết liệt.Trời sắp sáng, quân ta tạm rút. Quân địch trong đồn Đồng Mu cũng hoảng sợ bị tiêu diệt nên tập trung đạn dược, vũ khí không mang theo được tẩm dầu đốt rồi bỏ chạy. Ngay khi địch bỏ chạy khỏi đồn, Việt Minh hô hào lực lượng nhân dân xung quanh đồn lên dập lửa, thu hồi được một số vũ khí để trang bị thêm cho anh em trong đơn vị. Trận đánh đồn Đồng Mu đã tiêu diệt hai lính địch, thu nhiều súng đạn, bên đội VNTTGPQ người lính hi sinh duy nhất là Xuân Trường, tiểu đội trưởng”.

Sau trận đánh, anh em chôn cất liệt sĩ Xuân Trường tại cánh đồng ngay dưới chân đồn Đồng Mu, và mãi đến sau này khi xây dựng nghĩa trang huyện Bảo Lạc, phần mộ liệt sĩ Xuân Trường mới được cất bốc ra nghĩa trang huyện lỵ rồi sau đó thêm một lần nữa đưa về quê nhà của anh ở Sóc Hà (huyện Hà Quảng, Cao Bằng).

Hôm xong việc ở Xuân Trường, chúng tôi trở lại và tìm lên nghĩa trang liệt sĩ huyện Bảo Lạc. Ở đó vẫn có một ngôi mộ gió để tên người liệt sĩ số 01 của Quân đội nhân dân Việt Nam nằm giản dị như bao nấm mồ người lính khác ở trên ngọn đồi trông xuống toàn cảnh thị trấn Bảo Lạc.

Trong danh sách đội VNTTGPQ được khắc trên tấm bia ở khu di tích rừng Trần Hưng Đạo, tên của Hoàng Văn Nhủng - bí danh Xuân Trường - được xếp số 26 theo thứ tự. Sinh ở xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, chàng trai dân tộc Tày sớm tham gia cách mạng.

Giữa năm 1940, Hoàng Văn Nhủng được đưa sang học Trường quân sự Hoàng Phố (Liễu Châu) và đầu năm 1944 về nước, hoạt động ở vùng Hà Quảng, tháng 12-1944 anh được chọn vào đội VNTTGPQ và hi sinh trong trận đánh đồn Đồng Mu đêm 4 rạng ngày 5-2-1945.

Ngay sau khi Xuân Trường hi sinh, xã Đồng Mu được Việt Minh làm chủ và đổi tên thành xã Xuân Trường. Sau này Xuân Trường được tách thành ba xã Xuân Trường, Đồng Mu và Hồng An. Năm 1981, hai xã Xuân Trường, Đồng Mu lại hợp nhất và mang tên Xuân Trường cho đến ngày nay.

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên