19/11/2016 17:30 GMT+7

​Người giảng viên một đời làm bạn cùng nắng, gió

THẾ TRUNG
THẾ TRUNG

Những năm 70, 80 của thế kỷ trước, năng lượng sạch là điều gì đó còn quá mới mẻ với người Việt. Và tạo ra điện từ gió, từ mặt trời là điều “không tưởng” đối với ngành khoa học còn hết sức non trẻ ở Việt Nam.

Thế nhưng, giữa những năm tháng khó khăn ấy, cô Dương Thị Thanh Lương - một trong những người đặt nền tảng cho ngành năng lượng sạch của Việt Nam như “tự rọi đèn tìm đường mà đi”.

Nghiên cứu khi nghĩ về người dân

Cô Dương Thị Thanh Lương sinh năm 1951, là sinh viên ngành chế tạo máy trường ĐH Bách khoa Minscơ (Liên Xô cũ). Sau khi tốt nghiệp về nước, cô giảng dạy ở trường ĐH Cơ điện tận Thái Nguyên. Trẻ tuổi, nhiệt huyết lại vừa mới đi học nước ngoài về, cô vô tư nhận nhiệm vụ mà không nghi ngại hay e dè những khó khăn mà mình sẽ phải đối mặt. Sau này cô tâm sự, những năm tháng đó là những năm tháng đầy hoài niệm đẹp trong cuộc đời mình.

Cô vừa đứng lớp, vừa cùng các cộng sự mày mò, sáng chế ra thiết bị động cơ gió để phát điện nhưng không phải bởi cô “dự đoán” được vấn đề: nguồn tài nguyên hóa thạch cạn kiệt, biến đổi khí hậu mạnh mẽ, ô nhiễm không khí trầm trọng - lý do bao trùm cho mọi cuộc nghiên cứu năng lượng sạch hiện nay.

Với cô, khi ấy đơn giản chỉ là nếu thành công, bà con ở những vùng nông thôn nghèo, hải đảo xa xôi có điện để dùng (bà con vẫn dùng đèn dầu). Hàng chục năm trời với rất nhiều phương án, mồ hôi công sức và cả thất bại, cô và các cộng sự mới tạo ra được mẫu động cớ gió phát điện trục ngang đầu tiên PD170-6. Và động cơ này nó đã được triển khai hiệu quả ở nhiều nơi: làng năng lượng gió ở phường đảo Vĩnh Nguyên - Nha Trang, làng năng lượng gió ở khu Thiềng Liềng - Cán Gáo - một ấp đảo tuy chỉ cách TP.HCM 60km nhưng bị cô lập bởi sông nước kênh rạch…. Động cơ gió PD170-6 đủ phục vụ nhu cầu thắp sáng, nghe đài của các hộ dân tại đây.

Từ thành công ban đầu, cô và các cộng sự có thêm động lực để nghiên cứu, cải tiến, tạo ra động cơ gió trục đứng cánh mềm HL-250 - được ứng dụng trong các bể khuấy tảo ở Thuận Hải, thuyền thể thao chạy trên nước bằng cách đạp chân hay cũng có thể chạy bằng cánh của động cơ gió, xe đạp gió…

Trong những năm 90, các đề tài nghiên cứu, sản phẩm khoa học của cô và các cộng sự đã được ứng dụng trong sản xuất, du lịch, sinh hoạt tại nhiều nơi. Có thể nói, các đề tài nghiên cứu của cô không chỉ giúp mang ánh điện đến người dân nghèo, mà còn có ý nghĩa to lớn, mang đến những tiền đề mới cho ngành, tạo ra tiêu chuẩn cho ngành năng lượng sạch vốn chưa phổ biến và có chuẩn mực thật sự lúc bấy giờ.

Mang trong mình đam mê cháy bỏng về năng lượng từ nắng và gió và một khát vọng to lớn “Việt Nam sẽ tỏa sáng trên bản đồ năng lượng sạch thế giới”, người phụ nữ nhỏ bé này không chịu dừng bước, hài lòng với những gì mình đã làm được, cô cùng các cộng sự đã phát triển Trung tâm nghiên cứu thiết bị nhiệt và năng lượng mới trường Đại học Bách Khoa TP.HCM (RECTERE).

Hội thảo trao đổi kỹ thuật về năng lượng mới ở Đan Mạch năm 1997

Có thể nói RECTERE là đơn vị duy nhất trong cả nước được Bộ Khoa học và công nghệ giao chủ trì thực hiện nhiều đề tài cấp Nhà nước về năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Tại đây các nhà khoa học đã triển khai nghiên cứu, lắp đặt thử nghiệm các thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời và các thiết bị sử dụng năng lượng gió để phát điện và bơm nước quy mô lớn.

Hơn 40 năm trôi qua, nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường và mong muốn hiện thực hóa giấc mơ về năng lượng sạch, từ trung tâm nghiên cứu các đề tài trên bàn giấy RECTERE, cô Thanh Lương cùng các cộng sự thành lập Công ty Cổ phần đầu tư  và hpát triểnn ăng lượng mặt trời Bách Khoa - SolarBK.

Các nhà khoa học, kỹ sư tại đây lại tiếp tục từng ngày đem những nghiên cứu khoa học ứng dụng vào cuộc sống, để phục vụ cộng đồng và thực hiện giấc mơ “Việt Nam sẽ tỏa sáng trên bản đồ năng lượng sạch thế giới”.

Một động cơ gió được lắp tại Nhơn Trạch

 

Các kỹ sư tại SolarBK đã vượt nắng, vượt gió và sự khắc nghiệt của hải đảo, cùng góp công đưa ánh điện đến 48 điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, giúp quân và dân huyện đảo Song Tử Tây chủ động được nguồn nước ngọt, nối gần hơn khoảng cách giữa hải đảo với đất liền.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trong một lần tham quan trung tâm RECTERE năm 1996

  “Dầu có thể cạn, xăng có thể hết, nhưng mặt trời và sức gió thì bất tận” - Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã nói như vậy trong một lần tham quan Trung tâm nghiên cứu RECTERE - tiền thân của SolarBK. Đó cũng là con đường SolarBK theo đuổi, là ước vọng của cô Dương Thị Thanh Lương khi đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng ngành năng lượng sạch tại Việt Nam.

THẾ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên