20/03/2023 11:04 GMT+7

Người dân thắng kiện quy hoạch treo

Vì đất nằm trong quyết định thu hồi để làm đường giao thông từ năm 1998 nên chính quyền TP Vũng Tàu không thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.

Dự án đường Thống Nhất (nối dài) đang được thi công sau khi chính quyền đã thực hiện xong việc đền bù - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Dự án đường Thống Nhất (nối dài) đang được thi công sau khi chính quyền đã thực hiện xong việc đền bù - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Quyền lợi bị ảnh hưởng, người dân khởi kiện, tòa án tuyên buộc chính quyền phải làm sổ đỏ cho người dân.

Giữa năm 2022, TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên buộc UBND TP Vũng Tàu nhận lại hồ sơ, làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Tôn Thiên Sung, bà Phạm Thị Hoa. Trước đó, cuối năm 2021, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tuyên xử như trên. Vụ kiện được coi là điển hình của chuyện người dân thắng kiện quy hoạch treo.

Hai cấp cùng thu hồi đất để làm đường

Tháng 3-2021, ông Tôn Thiên Sung, bà Phạm Thị Hoa nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà tại mảnh đất rộng hơn 420 m2 ở hẻm đường Trương Công Định, phường 3, TP Vũng Tàu.

Nhưng sau đó, UBND TP Vũng Tàu trả hồ sơ, không chấp nhận vì mảnh đất này nằm trong quyết định thu hồi đất từ năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ để làm dự án mở rộng, nâng cấp, nối dài đường Thống Nhất.

Trước đó tháng 4-1998, Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 318 thu hồi hơn 8,2ha đất thuộc các phường 1, 2, 3, TP Vũng Tàu và giao cho Ban quản lý xây dựng hạ tầng kỹ thuật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để cải tạo, nâng cấp, nối dài đường Thống Nhất. Tuy nhiên, chính quyền TP Vũng Tàu chưa ban hành quyết định thu hồi đất. Và dự án này không được triển khai.

Hơn 20 năm sau, tháng 10-2019, lần lượt HĐND và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành các nghị quyết và phê duyệt chủ trương đầu tư đường Thống Nhất nối dài. Theo đó, diện tích đất phải thu hồi để làm dự án này khoảng 7,3ha. Như vậy cùng một dự án nhưng có hai quyết định thu hồi đất, hai chủ trương khác nhau.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, sở dĩ có chuyện này là bởi năm 1998 việc thu hồi đất để làm đường Thống Nhất nối dài có gắn việc "đất đổi hạ tầng" - tức thu hồi nhiều đất để giao cho doanh nghiệp và doanh nghiệp bỏ tiền ra làm đường. Nhưng đến năm 2019, chủ trương này không còn được triển khai.

Nhưng trên thực tế, sau khi khảo sát, đo đạc để làm đường Thống Nhất nối dài thì diện tích đất phải thu hồi để làm con đường này chỉ còn gần 5,9ha. Như vậy diện tích đất thu hồi trên thực tế nhỏ hơn diện tích thu hồi của Thủ tướng Chính phủ và cả UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Một dự án, hai quyết định thu hồi đất

Với thực tế như trên đã khiến quyền lợi của nhiều người dân có đất thu hồi tại dự án đường Thống Nhất nối dài bị ảnh hưởng. Cụ thể là trường hợp của ông Tôn Thiên Sung, bà Phạm Thị Hoa như đã nói ở trên.

Ông Sung, bà Hoa bị thu hồi hơn 150m2 để làm đường Thống Nhất nối dài theo chủ trương, quyết định của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Mảnh đất còn lại hơn 420m2, ông bà xin làm sổ đỏ. Thế nhưng chính quyền TP Vũng Tàu trả lời rằng mảnh đất còn lại của họ vẫn nằm trong quyết định thu hồi đất của Thủ tướng Chính phủ nên không đủ điều kiện cấp giấy và trả lại hồ sơ xin cấp giấy. Ông Sung, bà Hoa đã khởi kiện UBND TP Vũng Tàu ra tòa.

Tháng 11-2021, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xét xử sơ thẩm tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Sung, bà Hoa, buộc UBND TP Vũng Tàu phải nhận lại hồ sơ, làm thủ tục cấp sổ đỏ cho nguyên đơn. Sau đó, UBND TP Vũng Tàu kháng cáo. Tại phiên phúc thẩm, TAND cấp cao tại TP.HCM đã tuyên y án sơ thẩm.

Theo nhận định của hai cấp tòa án, việc UBND TP Vũng Tàu từ chối làm sổ đỏ đối với ông Sung, bà Hoa là không có căn cứ. Bởi quyết định 318 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 24 năm (tính đến ngày tòa xét xử) nhưng chưa thực hiện, đồng thời Ban quản lý xây dựng hạ tầng kỹ thuật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giải thể. Trên thực tế, gia đình ông Sung, bà Hoa đã có một phần đất bị thu hồi để làm dự án, và phần đất còn lại sau khi thu hồi của ông bà lại không bị ảnh hưởng bởi dự án.

Cơ quan công tố tại tòa cũng khẳng định dù có hai quyết định thu hồi đất để làm đường Thống Nhất nối dài nhưng trên thực tế chỉ có một dự án và dự án này đã được TP Vũng Tàu triển khai theo chủ trương, quyết định của tỉnh mà không phải của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, diện tích đất còn lại của ông Sung, bà Hoa phải được cấp giấy chứng nhận theo quy định của Luật đất đai.

Để đảm bảo quyền lợi cho toàn bộ người dân hai bên đường Thống Nhất, mới đây UBND TP Vũng Tàu đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều chỉnh lại quyết định 318 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện UBND tỉnh đang rà soát để có những điều chỉnh hay hướng giải quyết phù hợp.

Như vậy có thể thấy vụ việc trên là điển hình của chuyện người dân thắng kiện quy hoạch treo.

Ngày 15-3, một lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Vũng Tàu cho biết diện tích đất của dân nằm trong quyết định của Thủ tướng còn rất nhiều. Để không hạn chế quyền của người dân, chính quyền TP Vũng Tàu kiến nghị phải thu hồi quyết định này để trả lại cho người dân phần đất không nằm trong dự án đường Thống Nhất hiện hữu.

Khi được hỏi vậy có thể dựa vào bản án của tòa trong vụ kiện của ông Sung, bà Hoa để giải quyết cho các trường hợp tương tự như họ hay không, vị lãnh đạo này cho biết "không dám làm, dám cấp vì nằm trong quyết định thu hồi". Chính vì việc không dám làm nên người dân mới kiện ra tòa.

Quy hoạch sử dụng đất: "Không nên theo ham muốn, lợi ích của một nhóm người"Quy hoạch sử dụng đất: 'Không nên theo ham muốn, lợi ích của một nhóm người'

Đó là ý kiến của PGS.TS Phạm Hữu Nghị - Viện Nghiên cứu pháp luật và xã hội - tại hội thảo góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) do Trường đại học Quốc tế Sài Gòn tổ chức sáng 11-3.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên