03/09/2008 09:08 GMT+7

Người 39 năm tự tổ chức lễ giỗ Bác Hồ

Theo NGUYÊN VẸNPháp Luật TP.HCM
Theo NGUYÊN VẸNPháp Luật TP.HCM

Về thị trấn Càng Long (huyện Càng Long, Trà Vinh), hỏi nhà ông Hai Đằng - người tổ chức lễ giỗ cúng Bác Hồ thì ai cũng biết. Sáng 1-9-2008, trời mưa rả rích, song chòm xóm vẫn lục tục kéo đến nhà bác Hai Đằng phụ gói bánh tét, bánh ít... chuẩn bị cho ngày giỗ Bác 2-9.

Chị Ràng - con gái bác Hai Đằng bộc bạch: “Mỗi năm nhà có đến sáu đám giỗ nhưng giỗ Bác Hồ là lớn nhất. Sau giải phóng, tổ chức giỗ Bác cứ lớn dần do thông tin rộng rãi đã thu hút từ người dân đến cán bộ ấp, xã, tỉnh ai hay là tự đến dự, thắp nén nhang. Có năm có 7-8 bàn tiệc, như một cái đám cưới nhỏ vậy. Mấy năm rồi, năm nào cũng mần heo. Năm nay tôi chuẩn bị hăm mấy con vịt xiêm, dự định mua thêm thịt heo nữa...”.

NsZWKDc8.jpgPhóng to

Ông Hai Đằng với chiếc radio cũ đã hỏng mà ông luôn giữ bên mình. Ảnh: NGUYÊN VẸN

Chiếc radio và lễ giỗ

Ông Hai Đằng nhớ lại ngày ấy, trong lòng địch, vì quá mê tin tức nên ông đã cố công tìm mua cho được cái radio 7.200 đồng. Ông nhớ mình đã đi cuốc mướn hai công khoai, bán thêm trên một tạ heo và bầy gà để có tiền mua radio. Đêm đêm ông ôm cái radio vào lòng nghe đài Hà Nội, đài Giải Phóng. Một hôm, ông chết lặng khi nghe tin Bác Hồ mất. Dẫu chỉ biết Bác qua chiếc radio Standard của Nhật nhưng ông đã ngưỡng mộ vị lãnh tụ giản dị, gần gũi, luôn lo cho dân cho nước.

Đài thông báo Bác mất vào ngày 3-9. Sau những giọt nước mắt buồn bã, ông quyết định âm thầm tổ chức cúng tưởng nhớ đầy đủ từ bảy ngày đến 21 ngày, 49 ngày, 100 ngày sau ngày mất của Bác. Từ đó về sau, năm nào ông cũng tổ chức lễ giỗ Bác Hồ ngay trên nắp trảng sê trốn giặc nhà mình.

Thời đó tấm lòng là chính, có gì cúng nấy, khi con cá, khi con lươn... “Năm 1970, mới vừa đặt dĩa khoai lang cùng tấm ảnh Bác, bình bông lên nắp trảng sê rồi đưa tay lên cắm nén nhang vào lư hương, chưa kịp cúng vái thì một viên đạn từ bót Gò Cà bắn tới làm bị thương cánh tay phải” - bác Hai nhớ lại. Theo thời gian, giỗ được tổ chức đều đặn như thế nhưng làng xóm không ai biết bác Hai Đằng cúng giỗ ai vì mỗi khi hỏi tới chỉ nghe câu trả lời “Cúng ông nội tôi”.

Tình cảm, sao lại tính công?

Giờ đây, cứ mỗi lần nhắc đến Bác Hồ, ông Hai Đằng lại đưa tay lên lau nước mắt. Tuy dòng lệ đã cạn ở lão nông 86 tuổi đời song ông như khóc cho chính người thân của mình vậy. Ông vẫn còn minh mẫn nhớ lại chuyện tham gia làm hậu cần, dân quân, tiểu tổ nông hội đi vận động tiếp tế cho quân ta thời kháng Pháp. Rồi chuyện ông cùng một số người đưa vũ khí qua lộ, đi đăëp mô cản đường địch, phá đường, chở bộ đội bị thương qua tận Ba Tri (Bến Tre).

Con ông - bốn đứa trai lớn cũng nối gót con đường ba mình đã chọn nhưng một trong số đó đã hy sinh. Thời ấy, bom đạn giặc bắn phá dữ dội, mọi người đều đi hết, chỉ có ông vẫn bám trụ lại nơi đây để trữ lúa gạo và nuôi quân. Nhà trống hoác nhưng đấy lại là nơi dừng chân của quân ta. “Quanh vườn tôi luôn có 3-4 hầm bí mật” - ông nói.

Giờ đây có người bảo rằng sao ông không lo thủ tục để hưởng chính sách có công, ông dứt khoát: “Không! Tôi tổ chức cúng giỗ Bác Hồ - người lo cho dân cho nước là vui rồi, làm công cán lấy tiền chi nữa”. Trên tủ giữa nhà, chính quyền đã tặng cho ông Hai Đằng một tượng Bác Hồ nhưng ông vẫn chưa chịu, đòi con phải tìm cho ông một tấm ảnh Bác Hồ lớn treo thêm trong nhà. “Được vậy mà tôi thấy ba vui mừng hơn, khỏe hơn!” - chị Ràng bộc bạch. Giờ đây, dẫu cái radio đã hư mười mấy năm rồi nhưng ông vẫn luôn giữ nó bên mình như một kỷ vật thiêng liêng bởi nhờ nó mà ông hay tin Bác mất.

Ở Trà Vinh, người dân không chỉ lập nhà thờ Bác Hồ (xã Long Đức, thị xã Trà Vinh) mà còn tổ chức giỗ Bác ngay trong lòng địch. Dẫu trong mọi hoàn cảnh, người miền Nam vẫn luôn nhớ về Bác. Tất cả điều đó như tiếp thêm sức mạnh cho họ trong cuộc kháng chiến cho đến ngày hòa bình.

Theo NGUYÊN VẸNPháp Luật TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên