Thuyền trưởng Lưu Văn Lý (trái, mặc áo thun sọc) và Lê Thanh Thừa (phải, mặc áo đỏ) là hai ngư dân Việt Nam đang chịu cảnh ngồi tù ở Indonesia - Ảnh: LÊ NAM
Tarempa là một trong những đảo xa của Indonesia. Từ Jakarta, để đến được đảo này, chúng tôi đáp chuyến bay kéo dài 1 tiếng rưỡi đến Tanjung Pinang. Rồi từ đó, phải mất 9 giờ lênh đênh trên biển, con tàu khách sức chứa 200 người mới cập cảng Tarempa.
Mùa biển êm, cách ngày mới có một chuyến tàu khách cập đảo, còn mùa biển động thì phải tùy thuộc và thời tiết và hải trình có thể kéo dài tới 18-20 giờ.
Chỉ vài tháng trước, số ngư dân Việt Nam bị giam giữ ở đây lên tới hàng trăm người. Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã nỗ lực phối hợp với các cơ quan chức năng của Indonesia và đưa về nước gần hết số ngư dân này, nhiều nhất là dịp trước Tết Nguyên đán.
Hiện nay, tại đảo Tarempa chỉ còn lại 5 ngư dân đang bị giam giữ từ 10 tháng đến 2 năm.
Về các trường hợp này, Đại sứ quán Việt Nam đều đã có thông tin và đã phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước để xử lý cụ thể.
Ông Nguyễn Thanh Giang, phụ trách công tác lãnh sự, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia, cho biết: "Hiện nay tại Tarempa còn 5 ngư dân bị giam giữ, trong đó 2 người thuộc diện chờ trục xuất sau khi đã làm chứng cho phiên tòa kết án thuyền trưởng. Ba người khác cũng thuộc diện làm chứng nhưng bị giam giữ ở đây lâu là do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Nắm được tình hình đó, sứ quán đã nhiều lần thông báo với Sở Ngoại vụ và các cơ quan chức năng trong nước để sử dụng nguồn kinh phí xã hội hỗ trợ đưa họ về. Chúng tôi sẽ gặp trực tiếp các cơ quan của Indonesia và có phương hướng giải quyết sớm nhất cho những ngư dân này được về nước trong thời gian tới".
Tại trại tạm giam của Bộ Biển và nghề cá Tarempa, 3 ngư dân Ngô Văn Tân, Nguyễn Văn Thành và Nguyễn Văn Đức đang bị giam đều có hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không có khả năng đóng tạm ứng khoản kinh phí để hồi hương. Vì vậy, họ phải ở trại giam này đã 2 năm.
Trong căn phòng nhỏ, chỉ có vài vật dụng tối thiểu đủ để sinh hoạt qua ngày, nhiều vật dụng được đưa lên từ những con tàu bị bắt cùng với các ngư dân. Họ viết lên tường những con số quan trọng: Ngày bị bắt; số điện thoại liên lạc với gia đình và ngày về... vẫn bỏ trống.
Ngư dân Nguyễn Văn Đức, quê ở Hà Tĩnh, cho biết: "Tôi là người làm chứng, bị giam đã 2 năm nay. Ở đây cực quá, ăn uống sinh hoạt khổ thì đã đành nhưng còn khổ nhất là tình cảm, tôi không có liên lạc với gia đình, mẹ già, vợ con ở nhà sống chết ra sao cũng không biết. Người ta nói gì cũng không hiểu, rồi lúc đau bệnh... Sau này được về Việt Nam tôi về quê với vợ con thôi, không vào miền Nam đi biển nữa".
Hai ngư dân Ngô Văn Tân (Tiền Giang) và Nguyễn Văn Thành (Bình Thuận) cũng đều chung tâm trạng: "Nhà nghèo quá không có tiền lo, chỉ mong được về sớm với gia đình".
Ở đây còn có 27 chiếc tàu cá của ngư dân Việt Nam bị bắt đang chờ xử lý, trong đó có 6 chiếc bị bắt trong năm 2017.
Hiện nay, các thủ tục giấy tờ đã xong, số phận của những con tàu một thời dọc ngang trên biển, là phương tiện kiếm sống của hàng chục gia đình, giờ chỉ còn chờ quyết định của cơ quan chức năng là sẽ bị đốt, bị phá hủy hoặc bán đấu giá để nộp tiền vào ngân sách nhà nước Indonesia.
Thuyền trưởng Lưu Văn Lý (trái, mặc áo thun sọc) chuẩn bị lên xe về trại tạm giam ở Indonesia - Ảnh: LÊ NAM
Tại trại giam của hải quân Indonesia, thời điểm hiện tại chỉ còn 2 ngư dân Ngô Văn Hy (Bình Định) và Nguyễn Văn Đạt bị giữ là người làm chứng phục vụ các phiên tòa xét xử. Đã bị giam ở đây 10 tháng, mong mỏi duy nhất của các ngư dân này là được sớm trở về quê hương.
Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã giải thích cặn kẽ về quy trình xử lý đối với các ngư dân từ khi bị bắt đến lúc hoàn thành các thủ tục và được trao trả về nước. Nhưng do quá mong mỏi được trở về và còn thiếu hiểu biết về pháp luật nên ngư dân Ngô Văn Hy một mực đòi theo đoàn công tác về sứ quán để chờ ngày được đưa về Việt Nam...
Ông Dimas - phụ trách cơ quan Xuất nhập cảnh Tarempa, cho biết: "Khó khăn lớn nhất trong việc giải quyết vấn đề ngư dân Việt Nam bị bắt giữ ở đây là hầu hết họ thiếu giấy tờ tùy thân, nên khâu xác nhận nhân thân mất nhiều thời gian. Ngoài ra, Tarempa là đảo xa nên các điều kiện về giao thông, phương tiện liên lạc, thậm chí là tín hiệu điện thoại đều rất khó khăn. Nhưng thời gian qua, chúng tôi đã duy trì việc trao đổi thường xuyên với Đại sứ quán Việt Nam và có sự phối hợp tốt để giải quyết trao trả các ngư dân về nước".
Cơ quan Xuất nhập cảnh Tarempa không có điện thoại cố định, sóng điện thoại di động cũng rất kém và chập chờn. Mọi công văn giấy tờ, hồ sơ chuyển qua lại giữa Tarempa và Jakarta phải mất ít nhất là 1 tuần mới tới nơi. Vì vậy với những trường hợp không suôn sẻ, có khúc mắc về giấy tờ thủ tục có khi bị chậm vài tháng là chuyện khó tránh khỏi.
Tính từ đầu năm 2018 đến nay, đã có 18 tàu và 146 ngư dân Việt Nam bị Indonesia bắt giữ. Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã xử lý, cấp giấy thông hành và đưa về nước được 244 ngư dân. Hiện nay còn khoảng 160 ngư dân vẫn đang bị giam giữ tại các đảo của Indonesia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận