09/01/2015 09:25 GMT+7

​Ngọn lửa âm thầm của nhạc cổ

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - 20g ngày 10-1, chương trình âm nhạc Tiếng trúc tiếng tơ sẽ lần đầu tiên ra mắt khán giả VN tại Trung tâm Văn hóa Pháp.

Sân khấu nhỏ mà ấm cúng lưu giữ những làn điệu cổ - Ảnh: Việt Dũng
Sân khấu nhỏ mà ấm cúng lưu giữ những làn điệu cổ - Ảnh: Việt Dũng

Trước đó Tiếng trúc tiếng tơ đã có hai đêm diễn thành công tại Bảo tàng Guimet danh tiếng của Pháp hồi tháng 11-2014.

Buổi diễn được giới thiệu sẽ “dẫn dắt ta vào cuộc viễn du qua mười thế kỷ âm nhạc Việt”. Nhưng không nhiều khán giả biết nhiều cuộc “viễn du” theo dòng cổ nhạc đã âm thầm diễn ra lâu nay...

Bắt đầu lúc 20g, tiếng gió từ máy điều hòa được giảm tối đa. Không micro, không tăng âm, không có tiếng động gì ngoài tiếng đàn, tiếng phách, giọng hát... là tiêu chuẩn của những buổi diễn được duy trì suốt hai năm nay.

Phía dưới, ấm trà thoảng nhẹ hương sen đã được châm nước, trên bàn có một ít kẹo lạc, chè lam. Đôi khi đó là quà của khán giả mang đến.

Và dù nắng hay mưa, đông hay hè, khách chỉ lẻ tẻ vài người hay ngồi xếp bằng chật cả căn phòng (số 56 Tô Ngọc Vân,  Hà Nội) thì chương trình Theo dòng cổ nhạc vẫn đều đặn diễn vào tối thứ sáu của tuần cuối cùng trong tháng.

Nâng niu những “cổ vật âm thanh”

Những khán giả đặc biệt

Neo chừng đó con người trong niềm đau đáu với nhạc cổ lại chính là những khán giả đặc biệt.

Người đầu tiên mà NSND Xuân Hoạch, Thanh Hoài không thôi nhắc đến là Đàm Quang Minh. Đi về giữa Pháp và VN, Đàm Quang Minh lo lắng từ chương trình biểu diễn đến giới thiệu, quảng bá cho nhóm. Tất cả đều miễn phí và tự nguyện.

“Minh như là người nhen nhóm, kéo mọi người lại với nhau để thổi bùng lên ngọn lửa. Vợ chồng Trang và Thắng là chủ phòng thu cũng như sân khấu này.

Vì yêu quý nhạc dân tộc mà các em dành cho nhóm một chỗ để luyện tập, biểu diễn rồi thu băng đĩa” - NSND Thanh Hoài chia sẻ.

Không biết một nốt nhạc nào, nhưng Đàm Quang Minh mang trong mình dòng máu đam mê nhạc dân tộc. “Từ đời bố của Minh, ông đã đi nghe bà Quách Thị Hồ hát ca trù. Đi đâu ông cũng đưa Minh theo. Thế là từ bố truyền sang con dòng máu mê nhạc cổ. Minh hiểu ca trù, Hán Nôm rất giỏi” - NSND Xuân Hoạch cho biết.

Đàm Quang Minh - một người ngoại đạo nhưng mang dòng máu mê đắm nhạc cổ truyền đời - là người dẫn chương trình Theo dòng cổ nhạc.

Minh nói đơn giản: “Theo dòng cổ nhạc là trở về với những nốt nhạc của cha ông, ca trù, chèo, hát văn, xẩm... Chúng tôi mang đến một không gian truyền thống và gần gũi để quý vị hiểu và có tình yêu với nền nhạc cổ đang mai một dần vì không có người thưởng thức.

Hãy hình dung như mình đang ngắm một chiếc bát cổ thời Lê Trịnh. Những câu hát này cũng ra đời vào thời điểm đó, chỉ khác nó là cổ vật bằng âm thanh. Mong quý vị hãy thưởng thức như đang nâng niu một cổ vật trên tay mình”.

Rồi Đào liễu qua phần biểu diễn của nghệ sĩ chèo Thanh Hoài, NSND Xuân Hoạch diễn xẩm. Xẩm của nghệ sĩ Xuân Hoạch có thêm chiếc đàn mà cả khán giả lẫn nghệ sĩ chẳng biết gọi tên là gì.

“Dây bằng tơ như các cụ xưa làm đàn, thân làm bằng quả bầu, dáng kéo giống như đàn nhị. Tự làm rồi tự diễn cho vui, hay dở tùy tai nghe của quý vị đánh giá” - nghệ sĩ Xuân Hoạch giãi bày.

Người trẻ nhất trong nhóm là Phó Hà My (cháu của nghệ nhân Phó Thị Kim Đức) cũng đều đặn diễn hằng tháng ở sân khấu nhỏ này. Nhóm còn có NSƯT Thanh Bình, nghệ sĩ Thanh Hà, Vũ Ngọc, Công Hưng...

Hầu hết đều đã ở tuổi về hưu, đã đi cùng nhau một quãng đường rất dài trong các hoạt động trình diễn âm nhạc dân tộc.

Ngoài những làn điệu cổ, các nghệ sĩ cũng tìm kiếm và tự phối lại những bài mới để tập với nhau. Nghệ sĩ Xuân Hoạch làm khán giả cười ngả nghiêng với bài Cơm bụi ca (thơ Nguyễn Duy) mang đậm đặc trưng của xẩm lẫn không khí của một thời “cơm bụi” vỉa hè Hà Nội.

Thi thoảng nghệ sĩ cũng quên lời với những phần diễn ngẫu hứng. Có lúc, buổi diễn dừng lại lâu hơn bình thường để nghệ sĩ và khán giả trao đổi. Và chỉ cần một câu khích lệ, những nghệ sĩ sau gần hai giờ biểu diễn liên tục vẫn tiếp tục ôm đàn, ôm trống biểu diễn.

Một khán giả vẫn diễn

Ca trù, chèo, xẩm, hát văn kén người, nơi biểu diễn cũng chỉ là một phòng thu nhỏ nằm trên phố Tô Ngọc Vân vốn chẳng lấy gì làm tấp nập. Hai năm nay chẳng có ai bỏ nhóm, cũng chẳng ai muốn nghỉ dù nhà nhiều người mãi dưới khu văn công Mai Dịch.

“Đông thì cũng tốt nhưng phải kén chọn bởi có mấy người hiểu được cái cổ này đâu. Lúc đông khách nhất là 30 người. Nhưng lúc vắng, dù chỉ một người nghe nhưng họ hiểu thì chúng tôi cũng rất vui” - NSND Xuân Hoạch chia sẻ.

NSND Xuân Hoạch nói những người tri âm tri kỷ trong âm nhạc dân tộc tìm đến nhau mới cho ra đời nhóm này. Có ngày, cả nhóm ngồi lại mà chẳng có ai đến xem.

“Nhưng chúng tôi vẫn muốn tập với nhau để nhỡ có ai đến thì biểu diễn cho họ. Thôi thì dù mình không thể hay bằng các cụ đi trước, những người đã có danh nhưng giữ được xẩm, giữ được bản sắc của ca trù cũng coi như là đủ cho một đời người”- nghệ sĩ Xuân Hoạch tâm sự.

“Chiếu này sẽ duy trì đến lúc không còn ai đến đây nữa. Cho đến ngày đó chắc cũng không bỏ đâu và đây vẫn là nơi tốt để luyện tập, biểu diễn.

Cứ đến đây, cái không gian xưa cũ ùa về với mình, những điều tưởng quên rồi bỗng trở lại. Ngồi đây thấy hát hay hơn, chơi đàn hay hơn” - NSND Xuân Hoạch bày tỏ.

Còn nghệ sĩ đàn tranh Thanh Hà chia sẻ: “Đến đây biểu diễn mới cảm thấy còn nghề, thấy nghề vẫn sống”.

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên