15/06/2016 06:45 GMT+7

Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc họp về Biển Đông

DIỆU AN
DIỆU AN

TTO - Quan hệ ASEAN - Trung Quốc và Biển Đông là hai nội dung chính của Hội nghị đặc biệt bộ trưởng ngoại giao ASEAN - Trung Quốc, diễn ra tại Côn Minh, Vân Nam (Trung Quốc) ngày 14-6.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh (trái) gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bên lề hội nghị ngày 13-6 - Ảnh: TTXVN
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh (trái) gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bên lề hội nghị ngày 13-6 - Ảnh: TTXVN

 

Hội nghị do Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan đồng chủ trì dựa trên đề xuất của ASEAN khi các ngoại trưởng thảo luận về vấn đề Biển Đông tại Hội nghị hẹp các bộ trưởng ngoại giao ASEAN vào tháng 2-2016.

Đề nghị không quân sự hóa Biển Đông

Tại hội nghị, các ngoại trưởng ASEAN đã ra tuyên bố chung mạnh mẽ bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông. Tuy nhiên vài giờ sau đó, AFP dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết các ngoại trưởng đã rút lại tuyên bố chung để sửa lại nhưng không nói rõ lý do vì sao.

Trước đó, theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, tại hội nghị, khi nói về tình hình căng thẳng ở Biển Đông, ngoại trưởng các nước thành viên ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, coi đây là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước, trước hết là ASEAN và Trung Quốc.

Các ngoại trưởng ASEAN cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây và đang diễn ra ở Biển Đông, nhất là việc bồi đắp, tôn tạo và xây dựng quy mô lớn các bãi đá, quân sự hóa các đảo nhân tạo và các hành động khẳng định chủ quyền không dựa trên luật pháp quốc tế.

Để đối phó với tình hình phức tạp trên Biển Đông, các ngoại trưởng đề nghị ASEAN và Trung Quốc thể hiện quyết tâm chính trị và nỗ lực hơn nữa để bảo đảm hòa bình và an ninh ở Biển Đông, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, nhất là tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tự kiềm chế, không tiến hành các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình, nhất là không quân sự hóa.

Các ngoại trưởng cũng đề nghị ASEAN và Trung Quốc đẩy mạnh triển khai các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, nhất là thực hiện hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hình thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Phấn đấu đạt kim ngạch 1.000 tỉ USD

Về quan hệ ASEAN - Trung Quốc, ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc bày tỏ vui mừng với những tiến triển quan trọng trong hợp tác hai bên, nhất là kết quả triển khai Kế hoạch hành động giai đoạn 2011-2015 thực hiện Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc, trong đó có việc nâng cấp Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA). Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN với giá trị thương mại hai chiều năm 2015 đạt 470 tỉ USD. Hai bên đã nhất trí phấn đấu mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1.000 tỉ USD năm 2020.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam và ASEAN hết sức coi trọng quan hệ với Trung Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; hoan nghênh các kết quả hợp tác hai bên trong thời gian qua, đồng thời đề xuất định hướng đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối, môi trường và biến đổi khí hậu, nông nghiệp, an ninh lương thực và an ninh nguồn nước, nhất là ở tiểu vùng sông Mekong...

Tăng cường đối thoại, hợp tác

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông và những hệ lụy nghiêm trọng, kêu gọi ASEAN và Trung Quốc tăng cường đối thoại và hợp tác để xử lý vấn đề Biển Đông, tuân thủ các cam kết bằng những hành động cụ thể, nhất là giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tự kiềm chế, không tiến hành các hoạt động làm phức tạp thêm tranh chấp, nhất là không quân sự hóa ở Biển Đông.

DIỆU AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên