29/05/2017 07:34 GMT+7

Ngỡ ngàng Cành cọ vàng 2017 tôn vinh thế giới xa xỉ

ĐỨC TRẦN
ĐỨC TRẦN

TTO - Cannes năm nay loại bỏ sốc, sex, thời sự mà ngược lại tôn vinh thế giới xa xỉ nơi người ta gọi là avant-garde art. Đêm qua, bộ phim hay nhất là The Square do Ruben Östlund đạo diễn đã đăng quang trong ngỡ ngàng!

Cảnh phim Square - phim đoạt Cành cọ vàng
Cảnh phim Square - phim đoạt Cành cọ vàng

Chọn lý trí thay vì con tim?

Là phim black comedy hiếm hoi đoạt giải, The Square cho thấy tham vọng kể chuyện biệt lập với tầm nhìn rộng của tác giả.

Chuyện phim xoay quanh một bảo tàng nghệ thuật nơi đang chạy thử mô hình mới nhằm giúp giới thượng lưu tiếp cận với nghệ thuật đương đại theo nhiều cách.

Tuy nhiên, càng lấn sau vào thế giới phù phiếm, người ta càng nhìn ra những lỗ hổng cười ra nước mắt.

Trailer Square 

Ruben Östlund sinh năm 1974 và mới chỉ làm bốn phim truyện dài dù vào nghề từ năm 1993. Năm 2014 anh chinh phục giới mộ điệu bằng góc nhìn châm biếm và tinh tế qua Force Majeure - bộ phim được Variety của Mỹ đánh giá là nhiều lớp lang và có cấu tứ hơn cả The Square!

Nếu so với các ứng cử viên trước thềm trao giải thì The Square ít được nhắc đến, điều này lý giải cho phản ứng có chút thờ ơ của khán phòng khi phim được nữ diễn viên Juliette Binoche và đạo diễn Pedro Almodovar xướng tên.

Có lẽ đúng như tiết lộ của Jessica Chastain - thành viên Ban giám khảo là “chúng tôi muốn tạo ra làn sóng phản biện” ở Cannes năm nay, The Square chắc chắn sẽ phải làm thêm một bài kiểm tra với khán giả quốc tế để xem nó có thật sự xứng đáng hay không.

Trong khi đó, giải nhì (Grand Prix) thuộc về 120 Beats per Minute lại nhận tràng pháo tay đứng từ cả Ban gián khảo lẫn khách mời!

Phim đề cao tinh thần độc lập của các thân phận bên lề xã hội, miệt mài đấu tranh cho bình đẳng. Tác phẩm của đạo diễn Robin Campillo được báo The Guardian đánh giá là đầy say mê, thách thức và gợi cảm.

Teaser của 120 Beats per Minute

120 Beats per Minute trước đó ẵm giải FIPRESCI do các nhà báo tại Liên hoan phim Cannes bỏ phiếu, giải Cành cọ vàng “đồng tính” (Queer Palm) vì có đề tài liên quan đến LGBT.

Phim xoay quanh một nhóm người nhiễm AIDS tranh đấu cho phúc lợi xã hội mà họ cần được hưởng.

Nét chấm phá xám xịt và u tối trong Loveless của đạo diễn Nga Andrey Zvyagintsev giúp ông mang về giải Ban giám khảo. Zvyagintsev nổi tiếng vì các hình ảnh ẩn dụ, đặc sắc và thường cài cắm bi kịch cá nhân.

Trong Loveless, đôi vợ chồng trẻ vừa mới ly dị và sắp nuôi mộng chung sống với kẻ khác bỗng phải liên đới với nhau đi tìm đứa con trai 12 tuổi bỏ trốn và bất mãn. Andrey Zvyagintsev là chủ nhân Sư tử vàng năm 2003 và tác giả của loạt phim arthouse như The Banishment, Elena, Leviathan...

Trailer của Loveles

Hai bộ phim nói tiếng Anh và do các ngôi sao Hollwood thể hiện là The Killing of a Sacred Deer (có Nicole Kidman) và You Were Never Really Here (có Rooney Mara) cùng chia nhau giải Kịch bản.

Đây được cho là quyết định khá lạ của Ban giám khảo, bởi cách kể chuyện độc đáo thường ít khi nào nhận giải này.

The Killing of a Sacred Deer mang màu sắc kinh dị, ám ảnh khán giả trong bi kịch của tay bác sĩ và bệnh nhân quái đản của mình.

Còn You Were Never Really Here thì phơi bày những lát cắt khác lạ giữa hai cá thể khác giai cấp, hòa vào không khí bạo lực bao trùm.

 

Trích đoạn The Killing of a Sacred Deer. Phim đã được mua bản quyền phát hành tại Mỹ tháng 11.

Bất ngờ trong đêm là giải Đạo diễn xuất sắc nhất dành cho Sofia Coppola với bộ phim làm lại từ tác phẩm kinh điển The Beguiled, quy tụ dàn mỹ nhân Kristen Dunst, Elle Fanning…

Riêng nữ chính Nicole Kidman được tôn vinh với giải Tri ân đặc biệt nhân kỷ niệm LHP lần thứ 70.

Sofia Coppola từng có thời gian trồi sụt thất thường sau một số phim tuổi teen không mấy thành công. Lần trở lại Cannes sau thất bại năm 2006 đã giúp Sofia ghi danh là đạo diễn nữ thứ nhì chiến thắng hạng mục này.

Ảnh đế và Ảnh hậu mang thông điệp “tình thân”

Các giải cá nhân ít nhiều đều nói lên sự mẫn cảm từ Ban giám khảo.

Chẳng hạn như trong In the Fade, Diane Kruger vào vai một phụ nữ căm phẫn đi tìm cách báo thù cho cái chết thảm khốc của người thân sau cú dội bom từ những kẻ theo Chủ nghĩa quốc xã mới, khiến người xem nhói tim.

Là gương mặt thân quen của Cannes hơn 10 năm nay (làm MC, giám khảo và đã có phim lọt vào vòng tranh giải), có lúc Diane Kruger để cho ngoại hình lấn át đi tài năng.

Chiến thắng lần này giúp cô thoát khỏi biệt hiệu “bình hoa di động”, và tạo sự chú ý trở lại cho đạo diễn Fatih Akin sau giai đoạn tụt dốc.  

Trailer phim In the Fade.

Riêng các diễn viên nam năm nay có nhiều dấu ấn hơn: Louis Garrel hóa thân xuất sắc thành đạo diễn kỳ tài Jean Luc-Godard; Robert Pattinson biến hóa 180 độ làm kẻ phá ngục giải cứu anh em; Adam Sandler vừa hài hước vừa sâu sắc…

Thế nhưng Joaquin Phoenix mới là chủ nhân của danh hiệu Ảnh đế, trong vai người lính về hưu bỗng chốc tìm thấy lý tưởng mới khi vô tình giải cứu một gái điếm đang bị giam ở nhà thổ, qua bộ phim You Were Never Really Here.

Sau tuyên bố không màng tới bất kỳ giải thưởng điện ảnh nào (kể cả Oscar), Phoenix có người yêu kẻ ghét, còn anh chàng cứ kiên nhẫn nhận những vai đắt giá để chứng tỏ thực tài.

Giải thưởng Cannes lần thứ 70

Cành cọ vàng: Phim THE SQUARE của đạo diễn Ruben ÖSTLUND

Giải thưởng vinh danh của 70 năm Cannes: Nữ diễn viên Nicole KIDMAN

Giải thưởng lớn: Phim 120 BATTEMENTS PAR MINUTE (BPM – Beats Per Minute)

của đạo diễn Robin CAMPILLO

Đạo diễn xuất sắc: Sofia COPPOLA phim THE BEGUILED

Diễn viên nam xuất sắc: Joaquin PHOENIX trong YOU WERE NEVER REALLY HERE của đạo diễn Lynne RAMSAY 

Diễn viên nữ xuất sắc: Diane KRUGER trong AUS DEM NICHTS (In The Fade) của đạo diễn Fatih AKIN

Giải thưởng Ban giám khảo: NELYUBOV (Loveless) của đạo diễn Andrey ZVYAGINTSEV

Kịch bản xuất sắc đồng giải: Yorgos LANTHIMOS và Efthimis FILIPPOU - Phim THE KILLING OF A SACRED DEER cùng Lynne RAMSAY - Phim YOU WERE NEVER REALLY HERE

Các phim ngắn đoạt giải - Cành cọ vàng: XIAO CHENG ER YUE (A Gentle Night) của đạo diễn QIU Yang

Được nhắc đến đặc biệt bởi ban giám khảo: KATTO (The Ceiling) của đạo diễn Teppo AIRAKSINEN

Giải Camera vàng: JEUNE FEMME (Montparnasse Bienvenüe) của đạo diễn Léonor SERRAILLE - Phim được giới thiệu ở hạng mục  UN CERTAIN REGARD

 
In the Fade
In the Fade
Loveless
Loveless
The Killing of a Sacred Deer
The Killing of a Sacred Deer
You Were Never Really Here
You Were Never Really Here
Diane Kruger
Diane Kruger
Joaquin Phoenix
Joaquin Phoenix
Nicole Kidman
Nicole Kidman
Ruben Ostlund
Ruben Ostlund
The Beguiled
The Beguiled

 

 

ĐỨC TRẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên