04/05/2023 09:23 GMT+7

Ngộ độc do ăn hải sản sống ở rạn san hô

Cá biển là loại thức ăn ngon và bổ dưỡng. Tuy nhiên, cần lưu ý một số loại cá biển (không chỉ là cá nóc) có thể chứa độc tố gây ngộ độc. Đáng chú ý, các độc tố này không bị phá hủy khi đun nấu.

Các loại cá biển chứa độc tố ciguatera là các loài cá ở rạn san hô: cá nhồng, cá hồng, cá chình, cá tầm, cá cháo, cá cam, cá mú, cá mó (ảnh), cá vược... - Ảnh: T.L

Các loại cá biển chứa độc tố ciguatera là các loài cá ở rạn san hô: cá nhồng, cá hồng, cá chình, cá tầm, cá cháo, cá cam, cá mú, cá mó (ảnh), cá vược... - Ảnh: T.L

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, cho biết thời gian gần đây trung tâm tiếp nhận một số bệnh nhân bị ngộ độc ciguatera do ăn hải sản. Những bệnh nhân này có khi là một người nhập viện riêng lẻ, nhưng cũng có khi là một nhóm người sau khi đi du lịch có ăn hải sản, hoặc ăn hải sản tại các nhà hàng hoặc mua các loài cá nhập khẩu về ăn. 

Đáng chú ý, độc tố ciguatera không mùi, không vị, không bị phá hủy khi đun nấu, bền vững trong môi trường axit, muối.

Cá nào có nguy cơ gây độc?

Các loại cá biển chứa độc tố ciguatera là các loài cá ở rạn san hô: cá nhồng, cá hồng, cá chình, cá tầm, cá cháo, cá cam, cá mú, cá mó, cá vược... Có 5 độc tố được phát hiện gồm có ciguatoxin (độc tố chính), maitotoxin, scaritoxin, palytoxin, okadaic acid.

Các loài cá chứa độc tố ciguatera phân bố rộng rãi trên toàn bộ các vùng biển từ 35 vĩ độ Bắc xuống 34 vĩ độ Nam, tập trung nhiều nhất ở vùng biển Caribê và Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương. 

Hiện nay, việc nhập khẩu các loài cá biển làm thực phẩm gia tăng nên ngộ độc ciguatera cũng ngày càng có chiều hướng tăng lên.

Người bị ngộ độc ciguatera thường có biểu hiện: tiêu chảy, nôn, buồn nôn, đau bụng từ 2-6 giờ sau ăn hoặc trong vòng 24 giờ và thường tự khỏi sau 1-4 ngày.

Tuy nhiên, nhiều người có triệu chứng loạn nhịp tim, yếu, mệt, tụt huyết áp; sau vài ngày triệu chứng đường tiêu hóa là tê, ngứa ran ở tứ chi và vùng miệng, viêm ngứa toàn thân, đau cơ, đau khớp, có thể bị liệt. 

Nặng hơn có người bị trầm cảm, mất trí nhớ. Tử vong do ngộ độc ciguatera ít gặp, tuy nhiên nạn nhân vẫn có thể bị tử vong do suy hô hấp, liệt cơ hô hấp, co giật hoặc loạn nhịp tim.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết ngoài ngộ độc ciguatera, cũng có những trường hợp nhập viện cấp cứu do ngộ độc histamine do ăn phải hải sản đông lạnh, không còn tươi. Đáng chú ý, histamine bền vững với nhiệt nên khi nấu chín vẫn gây ngộ độc.

Hải sản tươi sống không gây ngộ độc histamine, histamine chỉ sản sinh ở hải sản đã chết. Trong hải sản sạch, hàm lượng histamine dưới 1mg/100g thịt, khi hàm lượng trên 50mg/100g thịt hải sản có thể gây ngộ độc. 

Khi hải sản chết, trong điều kiện bảo quản không đủ lạnh ngay từ đầu, các vi khuẩn có trên hải sản chuyển hóa thịt hải sản thành histamine, qua thời gian lượng histamine tích lũy ngày càng tăng dẫn tới gây ngộ độc cho người ăn phải.

Trên thực tế nhiều loại hải sản như cá ngừ, cá thu, tôm khô, tép khô nếu không được bảo quản đảm bảo cũng gây nên ngộ độc histamine cho người ăn phải.

Về biểu hiện ngộ độc histamine trong hải sản, bác sĩ Nguyên cho biết vài phút tới 4 giờ sau khi ăn, nạn nhân thường có biểu hiện đau đầu, đỏ da, ngứa, nóng bừng, cảm giác khó chịu. 

Tình trạng đỏ da thường tập trung nửa người trên (đầu, ngực và một phần bụng), sưng ở mặt hoặc lưỡi, môi, sung huyết kết mạc, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, có thể bị co thắt phế quản, khó thở, trống ngực, mạch nhanh, huyết áp tụt.

Ngộ độc thường kéo dài 12-48 giờ. Nếu được điều trị, bệnh nhân sẽ được cải thiện ngay sau vài giờ đồng hồ.

Nhiều loại hải sản như cá ngừ, cá thu, tôm khô, tép khô… nếu không được bảo quản đảm bảo cũng gây nên ngộ độc histamine cho người ăn phải - Ảnh: T.L

Nhiều loại hải sản như cá ngừ, cá thu, tôm khô, tép khô… nếu không được bảo quản đảm bảo cũng gây nên ngộ độc histamine cho người ăn phải - Ảnh: T.L

Các bước sơ cứu khi ngộ độc hải sản

Khi nghi ngờ bị ngộ độc hải sản, xử lý các bước sơ cứu nhanh như sau:

Bước 1: Sơ cứu ổn định nạn nhân, cố gắng hạn chế tử vong

- Nếu nạn nhân co giật, hôn mê: đặt nạn nhân nằm nghiêng sang một bên, tránh để ngã, va đập.

- Thở yếu hoặc ngừng thở, tím tái: hô hấp nhân tạo theo điều kiện có tại chỗ.

- Nôn, tiêu chảy mất nước: nếu nạn nhân tỉnh táo, nói và ho khạc tốt, vẫn tự uống được, cho uống Oresol thay nước theo nhu cầu (khi khát) hoặc uống nước canh rau, nước quả, nước khoáng.

- Gọi cấp cứu hoặc nhân viên y tế, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Bước 2: Các biện pháp tẩy độc

Các biện pháp này chỉ áp dụng ngoài cộng đồng khi nạn nhân còn tỉnh táo, không khó thở, toàn trạng còn ổn định, còn nói rõ và ho khạc tốt.

- Gây nôn: chỉ nên thực hiện với trẻ em lớn và người lớn. Nạn nhân tự thực hiện bằng cách uống nước mỗi lần 300 - 500ml nước, sau đó nằm nghiêng sang bên trái, tự dùng ngón tay sạch chạm vào phần sau lưỡi hoặc họng để gây nôn.

- Uống than hoạt: thực hiện với trẻ em có thể tự thực hiện và ngưới lớn. Nếu có than hoạt mang theo trên tàu thuyền hoặc ở nhà, đặc biệt loại than hoạt dạng lỏng (ví dụ Antipois-Bmai) thì rất tốt. Uống than hoạt với liều 20-40g.

- Đưa người bị ngộ độc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

Cách phân biệt cá tươi và cá ươn

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội), để hạn chế ngộ độc thực phẩm do ăn cá biển, cần lựa chọn cá biển tươi, an toàn, người tiêu dùng lưu ý các điểm sau:

Quan sát mắt cá có thể phân biệt cá ươn, cá tươi. Mắt cá tươi hơi lồi, giác mạc trong suốt, đồng tử đen, sáng. Mắt cá ươn phẳng hoặc lõm, giác mạc đục, đồng tử mờ đục. Nếu cá bị nhiễm độc nặng thì mắt có thể lồi hẳn ra ngoài.

Những con cá còn tươi miệng khép chặt, còn cá ươn miệng há to.

Mang cá tươi có màu đỏ tối hoặc đỏ sáng, dịch nhớt trong mờ, không mùi, nắp mang khép chặt. Còn cá ươn thì mang nâu đỏ sẫm đến nâu nhợt, dịch nhớt mờ đục hoặc xám nhạt, có chất bẩn bám trên mang, tổn thương hoặc bị xơ, mòn mang.

Vảy cá tươi có màu sáng tự nhiên, óng ánh, chắc, bám chặt với thân cá, không bị bong tróc. Còn vảy cá ươn hay bị bong tróc, màu tái nhợt, màu vảy không sáng óng ánh, có mùi ươn, không còn mùi tanh tự nhiên của cá.

Dùng tay ấn nhẹ vào thịt cá, đặc biệt là phần gần bụng cá, nếu thấy rắn chắc, có độ đàn hồi tốt, không để lại vết ấn của ngón tay thì cá còn tươi. Còn cá ươn thì thịt mềm, nhũn, không còn độ đàn hồi khi ấn vào hoặc bị lõm vào khi ấn.

Xác cá voi dài gần 10m dạt vào bờ biển Nam ĐịnhXác cá voi dài gần 10m dạt vào bờ biển Nam Định

Ngày 30-4, ngư dân xã Hải Triều, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định phát hiện một xác cá voi đang phân hủy dài khoảng 9,8m, ước tính nặng 5 tấn, dạt vào bờ biển địa phương.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên