NSND Lý Huỳnh
Lý Huỳnh không bị "kẹt" trong một mẫu hình tượng
Tôi biết đến Lý Huỳnh từ trước năm 1975 tại miền Nam như là một võ sư môn võ Thiếu Lâm danh tiếng, từng thách đấu với ngôi sao phim võ thuật lừng lẫy Lý Tiểu Long với môn Vịnh Xuân Quyền trên võ đài Sài Gòn.
Nhưng rồi cuộc quyết đấu đó đã không xảy ra trước sự háo hức của những người hâm mộ mà chẳng ai biết lý do thực sự là gì! Sau đó, Lý Tiểu Long tiếp tục là "mãnh long quá giang" vùng vẫy trên bầu trời điện ảnh võ thuật trong một thời gian ngắn ngủi, để lại sự thương tiếc cho bao người!
Trong khi đó, Lý Huỳnh vẫn tiếp tục tung hoành trước ống kính của điện ảnh Sài Gòn với những pha đấm đá ngoạn mục, song chàng đã không đi cùng đường với "con rồng nhỏ" Lý Tiểu Long mà bị cuốn theo một dòng chảy khác của định mệnh với những nhân vật đầy ắp cá tính của thế giới phim lịch sử, bạo liệt và hung tàn được sản sinh ra từ trong hiện thực của cuộc chiến tranh giải phóng đất nước tại Việt Nam.
Do vậy, nếu như Lý Tiểu Long bị "kẹt" trong thế giới phim võ thuật, bị "đóng khung" trong những nhân vật anh hùng chủ yếu là phô diễn cơ bắp, thì Lý Huỳnh lại có cơ hội bay bổng hơn trong dòng phim lịch sử chiến tranh tại Việt Nam mà ở đó cái ngoại hình to tê, vai u thịt bắp của anh tỏ ra rất phù hợp với các vai sĩ quan quân đội chế độ cũ, đồng thời sự thô bạo và hung tàn của nhân vật cũng được biểu lộ một cách tương xứng với khuôn mặt hầm hố, râu ria xồm xoàm, cặp mắt nham nhở, hau háu nhìn phụ nữ như muốn lột trần người ta!
Lý Huỳnh trong Mùa gió chướng
Như vai đại úy Long trong phim Mùa gió chướng. Có thể nói với vai đại úy Long, Lý Huỳnh đã khắc họa nên một hình tượng nhân vật phản diện mang đặc trưng Nam Bộ ruột để ngoài da khác với phong cách thể hiện nhân vật phản diện của NSND Thế Anh. Mỗi phong cách đều có cái "riêng" của mình và vì vậy cả Lý Huỳnh và Thế Anh đều có những fan cuồng nhiệt!
Song, Lý Huỳnh trong suốt quá trình hoạt động điện ảnh đã cố gắng không để mình bị "đóng khung", bị "kẹt" trong một mẫu hình tượng nào đó mà cố vươn lên, thoát ra khỏi sự trói buột của chính mình. Nhưng điều đó hoàn toàn không dễ dàng vì người diễn viên phải có điều kiện, có "đất" để phát triển cái tố chất sáng tạo tiềm ẩn của mình.
Lý Huỳnh trong Vùng gió xoáy
May mắn thay năm 1982, Lý Huỳnh lại hội ngộ với đạo diễn Hồng Sến trong bộ phim điện ảnh 2 tập mang tên Vùng gió xoáy trong vai ông Hai Lúa - một trung nông Nam Bộ "ruột để ngoài da" đau đáu, khát khao tìm cách cởi trói những bất cập đang ràng buộc, ngăn trở sự phát triển của đời sống cho dù cuộc đấu tranh của ông đã gặp phải những trở ngại tưởng chừng không vượt qua được.
Xem đại úy Long của Mùa gió chướng (1978) rồi xem ông Hai Lúa của Vùng gió xoáy (1982), bốn năm trôi qua mới thấy Lý Huỳnh đã vượt qua bản thân mình như thế nào. Một cách nào đó, theo cảm nhận của tôi, ông Hai Lúa đã làm mờ đi, đã che khuất đại úy Long như chính hiện thực của cuộc sống Việt Nam đã diễn ra theo cái quy luật biện chứng của nó: cây lúa hòa bình mọc lên xanh rợp cánh đồng hoang chiến tranh!
Lý Huỳnh xứng đáng là người "nghệ sĩ của nhân dân", cho dù anh không còn bằng xương bằng thịt ở bên cạnh chúng ta nữa. Song, một cách tâm linh, Lý Huỳnh vẫn ở đó trong tâm tưởng, trong trái tim của quần chúng nhân dân, của bạn hữu, của gia đình mình!
(Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân)
Tấm lòng gia đình Lý Huỳnh với nghệ sĩ và công tác thiện nguyện
NSƯT Trịnh Kim Chi - phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM - cho biết gia đình Lý Huỳnh thường xuyên đến thăm tặng quà các nghệ sĩ già yếu hiện được nuôi dưỡng tại Viện Dưỡng lão nghệ sĩ TP.HCM.
Trước khi mất vài tháng, ông cùng vợ và các con đã đến viện, nhận thấy cơ sở vật chất của viện xuống cấp nghiêm trọng, ông và vợ bày tỏ mong muốn được sửa sang lại viện cho tươm tất để các nghệ sĩ ở thoải mái hơn.
Gia đình bên linh cữu Lý Huỳnh - Ảnh: HOÀI PHƯƠNG
Ban quản lý viện cho biết Trịnh Kim Chi trước đó đã xuống khảo sát và kêu gọi nhà hảo tâm để cùng chung tay tu sửa lại viện dưỡng lão. Nghe vậy, gia đình đã nhanh chóng liên lạc với Trịnh Kim Chi.
Hai bên đã có cuộc gặp gỡ hồi đầu tháng 9. Lúc đó, nghệ sĩ Lý Huỳnh đau nặng phải nằm cấp cứu trong bệnh viện, chỉ có vợ ông và các con Lý Hồng, Lý Hùng, Lý Hương bàn bạc trao đổi. Cuối cùng thống nhất, gia đình nghệ sĩ Lý Huỳnh hỗ trợ phần cây cối xung quanh viện.
Kiểm tra lại những cây già, mé nhánh, bổ sung thêm cây mới, trang trí cho đẹp khuôn viên. Ngoài ra, gia đình còn sẽ làm toàn bộ đường từ cổng vào và sân bao quanh viện. Sau buổi gặp, Lý Hùng cho biết khi vào bệnh viện báo cho ba thông tin này ông đã rất mừng vì gia đình góp chút công sức cho những nghệ sĩ, đồng nghiệp.
"Tôi là lớp sau nên ít có điều kiện làm việc với chú, chỉ có dịp làm việc với anh Lý Hùng, em Lý Hương. Tôi nhớ hồi lâu lắm rồi khi chú còn khỏe có mời chúng tôi tới ăn bữa cơm gia đình. Chú hiền lắm, ít nói và đối xử với lớp con cháu rất dễ thương.
Sau này, sức khỏe chú không ổn định nhưng gia đình chú vẫn tiếp nối và tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. Cứ có hoạt động từ thiện nào là tôi đều có dịp gặp vợ chú (mà tôi hay gọi là má) và em Lý Hương suốt thôi!" - Trịnh Kim Chi nói về gia đình người nghệ sĩ đáng kính Lý Huỳnh. (LINH ĐOAN)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận