25/02/2024 14:44 GMT+7

Nghề hấp cá vào vụ

Huyện Gio Linh (Quảng Trị) có nghề hấp cá rồi phơi khô để xuất khẩu. Nắng càng to nghề càng tất bật, cho thu nhập cao hơn nhưng cũng đầy vất vả.

Người làm nghề hấp sấy cá phải chịu cảnh nắng nóng, quá nhiệt thường xuyên - Ảnh: HOÀNG TÁO

Người làm nghề hấp sấy cá phải chịu cảnh nắng nóng, quá nhiệt thường xuyên - Ảnh: HOÀNG TÁO

Huyện Gio Linh có khoảng 60 lò hấp cá, chủ yếu ở xã Gio Việt và thị trấn Cửa Việt, mỗi năm tạo ra gần 20.000 tấn sản phẩm để xuất khẩu.

Nóng trên trời, nóng dưới đất

Ngay những ngày sau Tết âm lịch, thời tiết ở Quảng Trị có nắng to, tạo thuận lợi để người làm nghề hấp cá vào vụ sản xuất.

Tại lò hấp cá của bà Phạm Thị Vân (xã Gio Việt), hàng chục nhân công ra vào tấp nập làm việc từ sáng sớm để tận dụng hết "công suất" của trời nắng. 

Nguyên liệu là cá cơm, cá nục… được hấp trong lò lửa rồi mang ra ngoài trời phơi khô. Các nhân công chia theo nhiều công đoạn, từ rửa cá, mang vào lò hấp, đốt lửa và phơi cá. Thu nhập của người làm công trả theo tấn sản phẩm, trong đó công đoạn hấp cá vất vả nhất được trả cao hơn.

"Nghề phụ thuộc vào trời nên càng nắng to thì việc càng nhiều, thu nhập tốt hơn nhưng cũng đầy vất vả. Những ngày trời không nắng mà ngư dân đánh bắt được cá thì vẫn hấp rồi cho xe đông lạnh chở lên biên giới cách 90km để phơi", bà Vân nói. 

Lò bà Vân tạo việc làm ổn định cho khoảng 20 người, trung bình 300.000 đồng/người/ngày.

Cá được phơi giữa trời nắng tự nhiên 

Cá được phơi giữa trời nắng tự nhiên

Anh Nguyễn Văn Nam - phụ trách khâu đun lửa, hấp cá - cho hay phải đeo khẩu trang, găng tay, mang nhiều lớp áo để chống nóng. Thi thoảng, anh phải bước xuống miệng lò để ném củi vào, phía trên là lò nước sôi ùng ục.

"Ngày nay nhiều lò sử dụng máy tời nên đỡ mất sức hơn. Làm nghề này thì bị bỏng, quá nhiệt dẫn đến hoa mắt, xây xẩm mặt mày là chuyện khó tránh khỏi, nhất là những ngày nắng cực điểm ở miền Trung", anh Nam nói.

Tạo việc làm, tiêu thụ hải sản cho ngư dân

Ông Lê Ánh Hùng - chủ tịch UBND xã Gio Việt - thông tin toàn xã có gần 40 lò hấp sấy cá, mỗi năm thu mua và chế biến, cho ra 10.000 tấn thành phẩm.

"Các lò góp phần rất lớn tiêu thụ hải sản cho ngư dân của xã và tạo việc làm cho người trong và ngoài địa bàn. Thu nhập trung bình của lao động là 300.000 đồng/người/ngày, có người được trả cao hơn tùy vào công việc đảm nhận", ông Hùng nói.

Cá được cho vào lò hấp, nhân công làm việc trong môi trường nóng nực 

Cá được cho vào lò hấp, nhân công làm việc trong môi trường nóng nực

Tương tự, tại thị trấn Cửa Việt, nghề hấp sấy cá tạo ra hơn 5.000 tấn sản phẩm hằng năm, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Phần lớn sản phẩm được xuất khẩu đi Trung Quốc.

Nghề hấp cá có ở huyện Gio Linh khoảng 10 năm trước và ngày càng phát triển trước nhu cầu của thị trường. Hiện nay, nhờ ứng dụng công nghệ nên nhiều lò hấp sấy cá hoạt động cả vào mùa đông.

Nhân công được trả lương theo tấn sản phẩm, tùy công đoạn mà thu nhập khác nhau

Nhân công được trả lương theo tấn sản phẩm, tùy công đoạn mà thu nhập khác nhau

Ngày nay nhiều lò ứng dụng công nghệ, sử dụng tời nên người làm đỡ tốn sức 

Ngày nay nhiều lò ứng dụng công nghệ, sử dụng tời nên người làm đỡ tốn sức

Mỗi năm, huyện Gio Linh tạo ra gần 20.000 tấn sản phẩm cá hấp sấy 

Mỗi năm, huyện Gio Linh tạo ra gần 20.000 tấn sản phẩm cá hấp sấy

Về thăm làng chài hấp cá Thuận AnVề thăm làng chài hấp cá Thuận An

TTO - Từ đầu cầu Cửa Đại, men theo con đường rợp bóng tre, du khách dễ dàng tìm đến làng chài Thuận An (xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam), ngôi làng nằm bên dòng Thu Bồn êm đềm nổi tiếng với nghề hấp cá.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên