24/05/2023 20:40 GMT+7

Ngẫm ngợi ‘Chiến Quốc sách’ trên đồ gốm Bát Tràng cổ

Thế kỷ 18, 19 đầy biến động, nghệ nhân làng gốm Bát Tràng không rõ có cám cảnh thời cuộc mà vẽ điển tích ‘Bạng duật tương trì, ngư ông đắc lợi’ trong ‘Chiến Quốc sách’ để gửi vào một tiếng thở dài…

Ngẫm ngợi ‘Chiến Quốc sách’ trên đồ gốm Bát Tràng cổ - Ảnh 1.

Bình gốm men rạn thế kỷ 19 vẽ tích Ngư ông đắc lợi trong Chiến Quốc sách - Ảnh: T.ĐIỂU

Một chiếc bình Bát Tràng men rạn thế kỷ 19 vẽ điển tích Bạng duật tương trì, ngư ông đắc lợi đang được giới thiệu tới người xem tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, trong trưng bày chuyên đề Gốm cổ Bát Tràng của bảo tàng này.

Trưng bày giới thiệu bộ sưu tập gốm Bát Tràng từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 20 rất độc đáo của bảo tàng này.

Những tâm tình người xưa gửi trên gốm

Trên chiếc bình cổ, ngoài cảnh ngư ông và con cò, con trai kể câu chuyện điển tích bằng hình, còn có những câu thơ viết về điển tích Ngư ông đắc lợi nổi tiếng trong sách cổ Chiến Quốc sách của Trung Hoa.

Những dòng chữ Hán có nghĩa rằng:

"Trên sông hồ mênh mông một ông chài

Con cò và con trai cặp giữ nhau, cuối cùng đều không được gì

Chớ ngạc nhiên thấy người già coi nhẹ món lợi

Đến nay còn giáo mác đánh nhau để tranh hùng".

Ngẫm ngợi ‘Chiến Quốc sách’ trên đồ gốm Bát Tràng cổ - Ảnh 2.

Một sản phẩm gốm tinh xảo của Bát Tràng được trưng bày - Ảnh: T.ĐIỂU

Điển tích nổi tiếng này cùng nhiều điển tích Trung Hoa khác như Tô Vũ chăn dê, Tam quốc chí, Bát tiên quá hải, Long Mã - Hà Đồ, Thần Quy - Lạc Thư… đã đi vào rất nhiều gốm Bát Tràng thế kỷ 18 - 19, bên cạnh các đề tài truyền thống của Việt Nam.

Đây là điều khá bất thường bởi trước đó đồ gốm Việt ít chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa như vậy.

Theo Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, thế kỷ 18, những biến động lịch sử của quốc tế và trong nước khiến các trung tâm sản xuất gốm xuất khẩu ở Việt Nam dần bị lụi tàn.

Gốm Bát Tràng tuy có bị ảnh hưởng nhưng vẫn duy trì được sức sống bền bỉ nhờ có thị trường tiêu thụ rộng rãi trong nước với những đồ gia dụng, đồ thờ, đồ trang trí và đồ kiến trúc rất cần thiết cho mọi tầng lớp xã hội.

Ngẫm ngợi ‘Chiến Quốc sách’ trên đồ gốm Bát Tràng cổ - Ảnh 3.

Phần dưới chân đèn hoa lam đầu thế kỷ 16 - Ảnh: T.ĐIỂU

Tuy nhiên, một điều đáng chú ý, thị hiếu của giới thượng lưu chuyển sang đồ gốm sứ Trung Quốc.

Do vậy, đồ gốm Bát Tràng thời kỳ này bên cạnh các đề tài truyền thống còn thấy xuất hiện các đề tài du nhập từ bên ngoài theo các điển tích Trung Hoa.

Nhưng chắc hẳn các nghệ nhân tài hoa của Bát Tràng đã làm vậy không hẳn chỉ vì chiều theo thị hiếu thời thượng.

Người nghệ nhân có lẽ đã gửi gắm cả tâm sự của mình về hiện tình đất nước, cảnh binh đao giáo mác Trịnh Nguyễn phân tranh, rồi sau đó lại nạn ngoại xâm từ giặc Pháp giữa thế kỷ 19.

Các điển tích cổ Trung Hoa vốn chứa đựng nhiều bài học để tu thân, tề gia cho đến trị quốc, bình thiên hạ, tưởng rất cần nhắc lại cho khắp muôn người thời loạn lạc binh đao.

Ngẫm ngợi ‘Chiến Quốc sách’ trên đồ gốm Bát Tràng cổ - Ảnh 4.

Các bình gốm men rạn Bát Tràng thế kỷ 17 - 18 - Ảnh: T.ĐIỂU

Việt Nam từng là cường quốc sản xuất, xuất khẩu gốm

Trưng bày còn cho thấy rất nhiều câu chuyện thú vị về lịch sử, một lịch sử với những bóng dáng con người bình dân cụ thể, chứ không phải một lịch sử chung chung đúc kết rút đưa vào sách vở.

Vì như tên những nghệ nhân Bát Tràng đã tạo tác ra đồ gốm được trưng bày và đồ gốm đó được tặng cho ai, dịp gì…

Tại triển lãm, người xem được thưởng lãm tinh hoa nghề gốm Bát Tràng thời Trần, với bát, đĩa, âu gốm men trắng, men ngọc, men nâu; thạp, chậu, chân đèn gốm hoa nâu và bát, đĩa, lọ gốm tiền men lam ở nửa cuối thế kỷ 14.

Hay những sản phẩm gốm tinh xảo thời kỳ Việt Nam trở thành cường quốc sản xuất, xuất khẩu gốm sứ thế kỷ 15 - 18, với các sản phẩm nổi tiếng: gốm hoa lam, gốm chạm, đắp nổi, gốm men nhiều màu, gốm men rạn...

Trưng bày kéo dài đến tháng 9-2023.

‘Dạo chơi’ trong triển lãm chiếc giày gốm Bát Tràng‘Dạo chơi’ trong triển lãm chiếc giày gốm Bát Tràng

TTO - Tối 9-4, đông đảo bạn trẻ, người yêu nghệ thuật, văn hóa Ý đã đến trải nghiệm buổi khai mạc triển lãm “Chiếc giày gốm Bát Tràng và cuộc dạo chơi cùng văn hóa Ý” tại Trung tâm văn hóa Ý - Casa Italia.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên