Nga - Ukraine vừa đánh vừa... chờ ông Trump

Thái độ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Nga và chiến sự ở Ukraine đang có sự thay đổi rõ rệt qua các phát biểu trong những tuần qua. Điều này đặt ra câu hỏi liệu ông có hành động khác đi trong thời gian tới?

Ukraine - Ảnh 1.

Binh sĩ Ukraine tham gia cuộc diễn tập quân sự gần tiền tuyến ở khu vực Zaporizhzhia, Ukraine ngày 26-5 - Ảnh: Reuters

Điện Kremlin mới đây nhận định Tổng thống Trump đang "quá tải cảm xúc" với tiến trình đàm phán chấm dứt chiến sự ở Ukraine, khi ông tuyên bố "không hài lòng với Tổng thống Putin".

Ông Trump đã nản?

Từ đầu tuần này, truyền thông Mỹ tiết lộ ông Trump đang cân nhắc việc rút khỏi tiến trình hòa bình cho Ukraine và áp thêm các trừng phạt đối với Nga.

Tờ New York Times dẫn nguồn tin cho hay nhà lãnh đạo Mỹ đã tỏ thái độ khi nói chuyện với một số lãnh đạo của Ukraine rằng: "Putin nghĩ rằng ông ấy đang thắng thế trong cuộc chiến và sẽ tận dụng lợi thế của mình". 

Nguồn tin này cũng cho biết ông Trump tuyên bố "sẽ rút lui" và tiết lộ ông cảm thấy sốc vì Nga quyết không thay đổi các điều kiện để giải quyết khủng hoảng.

Matxcơva đã nhấn mạnh rằng bất kỳ nền hòa bình bền vững nào cũng phải bao gồm các đảm bảo về tính trung lập của Ukraine, phi quân sự hóa, phi phát xít hóa và công nhận thực tế lãnh thổ mới trên thực địa.

Tương tự, tờ Wall Street Journal viết rằng ông Trump ngày càng thất vọng với tiến trình hòa bình và có thể từ bỏ hoàn toàn nếu những nỗ lực hiện tại thất bại. 

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng đang cân nhắc các lệnh trừng phạt mới đối với Nga trong tuần này, mặc dù chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra. Một trong nguồn tin cho biết các biện pháp trừng phạt nhằm gây sức ép buộc ông Putin phải nhượng bộ tại bàn đàm phán.

Đầu tuần này, sau đợt không kích dữ dội lẫn nhau giữa Nga và Ukraine, ông Trump đã nói rằng: "Tôi luôn có mối quan hệ rất tốt với (Tổng thống) Vladimir Putin của Nga nhưng có chuyện gì đó đã xảy ra với ông ấy. Ông ấy đã hoàn toàn PHÁT ĐIÊN!". 

Theo giới quan sát, đã có sự thay đổi lớn so với những phát biểu kể từ khi ông Trump nhậm chức, như việc ông từng đổ lỗi cho Ukraine khơi mào cuộc chiến và nói làm việc với Matxcơva dễ hơn Kiev hồi tháng 2-2025.

"Có vẻ như qua những bình luận này, Tổng thống Trump đang hiểu về Tổng thống Putin. Câu hỏi đặt ra là liệu ông ấy có nghiêm túc không? Liệu điều này có đủ để ông ấy thực hiện một số bước đi, để áp dụng một số lệnh trừng phạt hay không?", cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine William Taylor nhận định.

Nhưng vẫn chưa rõ ông Trump sẽ chọn hành động như thế nào nào trong những ngày tới, đặc biệt là khi ông vẫn không ngừng chỉ trích nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky. Tổng thống Mỹ, người từng nói xung đột ở Ukraine là "cuộc chiến của châu Âu", vẫn chưa phê duyệt gói viện trợ mới cho Kiev và cũng không nhắc đến việc tiếp tục hỗ trợ quân sự cho nước này hay không.

Trong phát biểu ngày 26-5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định ông Trump đã thể hiện sự tức giận và thiếu kiên nhẫn. "Tôi chỉ hy vọng rằng bây giờ điều này sẽ chuyển thành hành động", ông Macron nêu.

Nga - Ukraine vừa đánh vừa đàm

Có thể hiểu được sự thất vọng của ông Trump khi các cuộc giao tranh giữa Nga - Ukraine vẫn đang tiếp diễn và đặc biệt ác liệt cuối tuần trước. 

Ukraine cho biết Nga đã phóng khoảng 1.400 máy bay không người lái, tên lửa và tiến công mạnh mẽ ở khu vực Donetsk trong tuần trước. Matxcơva tuyên bố đợt tấn công nhằm đáp trả việc Kiev phóng gần 1.000 drone, trong đó nhiều drone nhắm vào trực thăng chở ông Putin ở Kursk.

Nga rõ ràng đang tìm cách mở rộng vùng đệm ở biên giới nhằm ngăn các đợt tấn công của Ukraine. Chính quyền vùng Sumy của Ukraine ngày 26-5 xác nhận lực lượng Nga đã kiểm soát được bốn ngôi làng tại khu vực này gồm Novenke, Basivka, Veselivka và Zhuravka. Trước đó Bộ Quốc phòng Nga cũng tuyên bố "giải phóng" khu Vladimirovka và Belovody ở Sumy.

"Rất khó để binh lính Ukraine kháng cự ở khu vực tiền tuyến rộng lớn đó dù Ukraine hiện đang triển khai thêm lực lượng và năng lực đến khu vực... Vùng đệm này chắc chắn sẽ mở rộng trên lãnh thổ vùng Sumy", Hãng tin TASS dẫn lời chuyên gia quân sự Andrey Marochko nhận định.

Dù vậy, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định nước này vẫn đang tiếp tục làm việc trên bản dự thảo biên bản ghi nhớ trước khi có thể đạt được thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.

"Nga tiếp tục xây dựng bản dự thảo biên bản ghi nhớ về hiệp ước hòa bình trong tương lai, xác định một số lập trường, chẳng hạn như các nguyên tắc giải quyết, thời điểm có thể đạt được thỏa thuận hòa bình và lệnh ngừng bắn tiềm năng trong một khoảng thời gian nhất định nếu đạt được các thỏa thuận phù hợp", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói ngày 27-5, cho biết văn bản này sẽ được chuyển cho Kiev ngay khi hoàn tất.

Đức cứng rắn với Nga

Tuy nhiên, các đồng minh phương Tây của Ukraine, vốn không tin Nga muốn chấm dứt chiến tranh, đã quyết định gỡ hoàn toàn các hạn chế về tầm bắn đối với vũ khí viện trợ cho Ukraine.

"Điều này có nghĩa là Ukraine hiện có thể tự vệ, ví dụ, bằng cách tấn công các vị trí quân sự ở Nga", Thủ tướng Friedrich Merz của Đức, nước tài trợ vũ khí cho Kiev nhiều thứ hai sau Mỹ, nhấn mạnh.

Động thái này của Berlin đánh dấu sự thay đổi khi các nhà lãnh đạo phương Tây trước đây vẫn lo ngại việc khiêu khích Nga và làm leo thang xung đột lên mức độ hạt nhân.

Theo báo Guardian, ông Merz, khác với người tiền nhiệm Olaf Scholz, cho rằng mọi nỗ lực ngoại giao đã đi vào ngõ cụt. "Rõ ràng ông Putin coi lời đề nghị đàm phán là dấu hiệu của sự yếu đuối" - Thủ tướng Đức nêu quan điểm.

Nga - Ukraine vừa đánh vừa chờ… ông Trump - Ảnh 2.Nga nói không kích Ukraine chỉ để đáp trả, cáo buộc phương Tây cản trở hòa bình

Trước những lời chỉ trích của ông Trump, Nga cho rằng tổng thống Mỹ đang thể hiện cảm xúc vì nỗ lực trung gian cho hòa bình của Ukraine bị phương Tây phá hoại.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên