21/09/2017 11:54 GMT+7

Nền giáo dục Singapore có thực sự hoàn hảo?

MINH TRUNG
MINH TRUNG

TTO - Dù đạt được thành tích rất cao trong các kỳ thi quốc tế, học sinh ở Singapore phải chịu nhiều áp lực, đôi khi dẫn đến trầm cảm, sức khỏe kém và thậm chí là tự tử.

Nền giáo dục Singapore có thực sự hoàn hảo? - Ảnh 1.

Học sinh Singapore bị trầm cảm dưới áp lực thành tích từ bố mẹ và nhà trường - Ảnh: AFP

Hệ thống giáo dục Singapore xưa nay nổi tiếng với thành tích "sản xuất" ra những đứa trẻ luôn đứng đầu thế giới trong các kỳ thi chuẩn hóa.

Ví dụ, năm 2015, Singapore giành hạng nhất trong kỳ thi PISA (Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế của OECD - Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế), gồm các môn toán, đọc và khoa học dành cho học sinh độ tuổi 15 ở 72 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đây là một thành tích cực kỳ đáng nể nếu nhìn vào những cường quốc giáo dục khác nằm bên dưới. Tuy nhiên, khác với Phần Lan, vị thế giáo dục của Singapore bị xem là phải trả bằng cái giá không hề nhỏ.

Học đi đôi với… stress

Thống kê cho thấy học sinh ở đảo quốc sư tử đã sớm phải chịu đựng mức độ trầm cảm cao từ bậc tiểu học vì áp lực thành tích từ nhà trường và các bậc phụ huynh.

Năm 2015, người ta ghi nhận 27 vụ tự tử trong nhóm học sinh từ 10-19 tuổi tại Singapore, tăng gấp đôi so với năm trước đó. 

Tháng 5-2016, một cậu bé 11 tuổi tự tử bằng cách nhảy từ tầng 17 của một tòa nhà chung cư chỉ vì sợ phải cho bố mẹ xem kết quả thi kém. Đó là lần đầu tiên cậu bị rớt một môn học.

Cậu bé chưa từng có kết quả học tập nào kém từ năm lớp 1 đến lớp 4, và luôn đạt điểm trung bình 70/100. Với mỗi điểm dưới mức này, người mẹ sẽ đánh vào lòng bàn tay cậu để trừng phạt. Năm đó, cậu bé chỉ đạt chưa đầy 60 cho ba môn học tiếng Anh, tiếng Hoa và khoa học.

Ông Howard Tan là một cựu giáo viên tiểu học Singapore chuyển sang nghề gia sư. Trả lời phỏng vấn báo South China Morning Post của Hong Kong, ông cho biết từng chứng kiến nhiều trường hợp phụ huynh gây áp lực quá đáng lên con cái họ.

Rất nhiều áp lực xuất phát từ các bậc phụ huynh. Tôi có một học trò 8 tuổi phải đi học thêm nhiều môn khác nhau, lên đến 11 buổi mỗi tuần. Làm sao cô bé có thời gian cho việc gì khác?"

Ông Howard Tan (cựu giáo viên tiểu học Singapore)

"Đổ lỗi cho hệ thống giáo dục là một cách nghĩ quá đơn giản. Rất nhiều áp lực xuất phát từ các bậc phụ huynh. Tôi có một học trò 8 tuổi phải đi học thêm nhiều môn khác nhau, lên đến 11 buổi mỗi tuần. Làm sao cô bé có thời gian cho việc gì khác?" - ông Tan dẫn chứng.

Ông Tân kể hồi còn dạy môn thể dục trong trường tiểu học, ông để ý thấy một số học sinh bị thiếu các kỹ năng ứng xử. "Ở bậc mầm non, các em cần phải học cách giao tiếp và xử lý xung đột với các bạn khác. Nhiều học sinh tôi dạy không biết làm cách nào xử lý các bất đồng; chúng chỉ biết la lên vì không còn biết làm gì hơn" - ông băn khoăn.

Nền giáo dục Singapore có thực sự hoàn hảo? - Ảnh 3.

Gánh nặng học hành từ tuổi còn nhỏ có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển của trẻ em - Ảnh: youngparents.com.sg

Đặc thù văn hóa?

Bà Jamie Sisson - giảng viên Đại học Nam Australia, nhận xét mô hình giáo dục chia các em học sinh thành từng nhóm có trình độ khác nhau và các kỳ thi mang tính quyết định như ở Singapore chỉ càng làm tăng áp lực đối với trẻ con và bố mẹ chúng.

"Nó làm giảm cơ hội học hỏi đối với các em và sau này có thể ảnh hưởng đến cả cơ hội của chúng trong cuộc sống. Con người là những cá thể phức tạp, rất khó để biết một đứa trẻ con có khả năng làm được gì trong tương lai" - bà Sisson bình luận.

Hệ thống giáo dục bắt buộc của Singapore bao gồm 6 năm tiểu học, 4 năm trung học cơ sở, và 1-3 năm sau trung học. Học sinh phải trải qua hai kỳ thi chính trước khi tốt nghiệp tiểu học.

Cuối năm lớp 4 tiểu học, các học sinh sẽ được kiểm tra để phân chia trình độ trước khi vào giai đoạn định hướng (lớp 5, 6). Các môn thi gồm tiếng Anh, toán, tiếng mẹ đẻ và khoa học. Cuối lớp 6 học sinh sẽ tham dự kỳ thi vượt cấp (PSLE), các em sẽ tiếp tục được chia thành 4 nhóm có trình độ khác nhau ở bậc phổ thông.

Quan niệm kiasu (tiếng Hoa: sợ thất bại) của người Singapore có lẽ giải thích phần nào lý do các bậc cha mẹ ở đây cho con cái đi học thêm với hi vọng chúng sẽ đạt thành tích cao.

Bà Genato, một người Philippines, để ý thấy những người bạn gốc Hoa của con gái bà hay bị bố mẹ thúc ép nhiều hơn. "Có lẽ đó là một đặc điểm văn hóa" - bà nhận xét.

Một nghiên cứu mang tên "Học sinh người Hoa - một vấn đề về cách học" của học giả Sally Chan (Anh) mô tả như sau: "Quan điểm phổ biến đó là áp lực học hành và thành tích khiến các học sinh người Hoa không có lựa chọn nào khác ngoài cách học vẹt để vượt qua các kỳ thi… Cách học này được xem là hiện diện ở hầu hết các trường học ở Hong Kong, Trung Quốc và Đông Nam Á".

Mặc dù học sinh tiểu học Singapore dành một lượng lớn thời gian đối phó với bài tập về nhà và học thêm, lợi ích của thói quen này là không rõ ràng.

"Có những bằng chứng mạnh mẽ chứng minh rằng dưới cấp trung học, bài tập về nhà không có tác động tích cực lên việc học" - bà Sisson khẳng định, kèm theo dẫn chứng phương pháp tiếp cận toàn diện trong giáo dục của Phần Lan.

Nền giáo dục Singapore có thực sự hoàn hảo? - Ảnh 5.

Trẻ em vui chơi ở khu công viên nước Gardens by the Bay ở trung tâm Singapore - Ảnh: AFP

Trẻ em Phần Lan không đi học cho đến khi đủ 7 tuổi. Học sinh có rất ít hoặc không có bài tập về nhà; kỳ nghỉ dài hơn; chỉ có một kỳ thi chính vào năm cuối bậc trung học; văn hóa "dạy thêm, học thêm" vô cùng xa lạ ở đất nước này...

Kết quả là gì? Phần Lan xếp thứ 6 trong kỳ thi PISA mới nhất và hệ thống giáo dục nước này luôn cho ra đời những người trẻ biết cách nhận xét, giải quyết vấn đề.

Có lẽ nhận ra những hạn chế của mình, năm ngoái, Bộ Giáo dục Singapore công bố một hệ thống chấm điểm mới có hiệu lực từ năm 2021. Các nhà quản lý khẳng định nó sẽ giúp giảm áp lực đối với học sinh bằng cách khuyến khích các em tập trung vào việc học của mình hơn là cạnh tranh với các bạn khác.

MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên