19/03/2015 10:30 GMT+7

Hàng loạt máy bay chiến đấu NATO chặn máy bay quân sự Nga

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TTO - Căng thẳng giữa Nga và phương Tây tiếp tục leo thang khi hôm qua 18-3, NATO đã điều chiến đấu cơ ngăn chặn máy bay quân sự ở khu vực gần không phận Latvia.

Hai máy bay Tupolev Tu-22M của Nga xuất hiện trên bầu trời châu Âu - Ảnh: CNN

Theo CNN, NATO cho biết radar phòng không của Estonia phát hiện 11 máy bay Nga di chuyển trên bầu trời biển Baltic. Chỉ có chiếc máy bay dẫn đầu có thông báo trước lịch bay cho nhà chức trách châu Âu, các máy bay còn lại đều xuất hiện bất ngờ.

Các máy bay Nga đều tắt thiết bị truyền tín hiệu và không liên lạc radio với đài kiểm soát không lưu châu Âu. Trong số các máy bay này có chiến đấu cơ Su-27 và Su-34. Lập tức NATO triển khai hàng loạt máy bay chiến đấu Typhoon từ căn cứ tại thành phố Siauliai ở Lithuania để chặn đầu số máy bay quân sự Nga này.

Quân sự hóa

Các máy bay Nga sau đó đã quay trở lại không phận Nga. Bộ Quốc phòng Lithuania lên tiếng chỉ trích hành vi của các máy bay Nga “đe dọa an toàn hàng không dân dụng châu Âu”. Cơ quan này cũng cho rằng sự xuất hiện của máy bay Nga ở biển Baltic đang trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”.

Vụ việc xảy ra trong thời điểm Nga đang triển khai hạm đội Biển Bắc thực hiện các cuộc tập trận với sự tham gia của gần 40.000 binh sĩ, 50 tàu chiến và 110 máy bay chiến đấu. Trong khi đó, Nga cũng đang tiếp tục triển khai hàng loạt máy bay ném bom tới bán đảo Crimea.

Theo Itar-Tass, quân đội Nga sẽ điều các máy bay ném bom chiến lược Tupolev Tu-95 và Tu-22M3 (có khả năng thả bom nguyên tử) tới Crimea.

Điện Kremlin cũng đang triển khai một đội tên lửa Iskander tới Kaliningrad. “Ở Kalinginrad, quân đội Nga sẽ tiếp tục xây dựng lực lượng biển Baltic bằng việc triển khai thêm máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tới khu vực” - Itar-Tass dẫn lời một quan chức quân đội Nga.

Kaliningrad là cửa ngõ từ Nga tới biển Baltic và Bắc Đại Tây Dương. Kaliningrad cũng chia sẻ đường biên giới với Ba Lan và Lithuania. Tên lửa Iskander của Nga có tầm bắn 500 km và có thể mang theo đầu đạn hạt nhân.

Thủ tướng Ba Lan Ewa Kopacz chỉ trích việc Nga triển khai lực lượng quân sự về phía tây là nhằm gây sức ép lên châu Âu. Các quan chức phương Tây cũng cáo buộc Matxcơva đang “quân sự hóa” bán đảo Crimea. Một số chuyên gia an ninh phương Tây đã kêu gọi NATO tăng cường thêm lực lượng quân sự ở vùng Baltic.

Thỏa thuận ngừng bắn tiếp tục lung lay

Cũng trong hôm qua, Nga và Ukraine chỉ trích nhau dữ dội về việc Quốc hội Ukraine thông qua luật công nhận quy chế tự trị của vùng miền đông ly khai. Quy chế này cấp cho vùng Donetsk và Lugansk quyền tự trị hạn chế nhưng chỉ được áp dụng sau khi các cuộc bầu cử địa phương diễn ra theo luật pháp Ukraine.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lên án Kiev tìm cách “viết lại” thỏa thuận hòa bình Minsk. Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peshkov cho rằng hành động của Ukraine càng khiến thỏa thuận Minsk khó trở thành hiện thực.

Phản ứng lại, Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk tuyên bố không ai ở Ukraine trông mong Nga và “bọn khủng bố” tôn trọng thỏa thuận Minsk. “Đầu tiên, để thực hiện thỏa thuận Minsk thì bọn kẻ cướp cần phải rút sạch khỏi lãnh thổ Ukraine và để Ukraine tổ chức các cuộc bầu cử minh bạch, trung thực phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế” - ông Yatseniuk nhấn mạnh.

Giới quan sát dự báo mâu thuẫn giữa Matxcơva và Kiev đang đe dọa thỏa thuận Minsk. Ngoài ra, chính quyền Kiev cho biết các cuộc giao tranh vẫn diễn ra ở miền đông và lại có thêm binh sĩ Ukraine thiệt mạng. Kiev lo ngại quân ly khai đang âm thầm chuẩn bị tấn công thành phố cảng Mariupol.

Mới đây Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã điện đàm với Phó tổng thống Mỹ Joe Biden. Hai nhà lãnh đạo khẳng định phương Tây cần xem xét mở rộng cấm vận Nga dựa trên việc quân ly khai có tuân thủ thỏa thuận Minsk hay không.

Ông Putin thừa nhận cấm vận gây tác động tiêu cực

Nhân ngày kỷ niệm Crimea sáp nhập vào Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin lên tiếng thừa nhận các biện pháp cấm vận của phương Tây đang gây tổn hại cho nền kinh tế Nga.

Trong tuần này, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ thảo luận việc mở rộng các biện pháp trừng phat. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuyên bố muốn duy trì cấm vận Nga cho đến hết năm nay.

 

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên