Nhà xe Thế Vĩnh chờ đón khách ở khu vực bến xe buýt gần ngã sáu Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk - Ảnh: TÂM AN
Từ phản ảnh của người dân, phóng viên Tuổi Trẻ đã mất nhiều ngày tìm hiểu và ghi nhận hoạt động của xe dù, bến cóc vẫn náo nhiệt, công khai tại các tuyến đường trung tâm thành phố như Lê Duẩn, Nguyễn Tất Thành, Phan Chu Trinh, Lê Hồng Phong…
"Bến cố định" tại trung tâm văn hóa, bệnh viện
Các nhà xe "lập bến" trong Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk - Ảnh: TRUNG TÂN
Các loại ô tô 7 chỗ, 9, 16, 24 chỗ ghi nhà xe Thế Vĩnh, Nam Việt, Việt Thanh, Nguyên Giáp, Thanh Hà… hoạt động tại khắp các ngõ ngách thành phố để đón trả khách.
Để "thuận tiện", các nhà xe còn vào tận các trung tâm chợ, vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, Thiện Hạnh, bệnh viện mắt rồi "lập bến di động" để đón, trả khách.
Thậm chí, các nhà xe "lập bến cố định" ngay khu vực trung tâm để đón trả khách, nhận hàng hóa.
Tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk, mỗi ngày có nhiều xe loại 7, 9 hoặc 16 chỗ vô tư đậu chờ khách, choán hết lối đi. Tại đây, các nhà xe Toàn Tâm, Hoàng Nam và một số xe 7, 9 chỗ không đăng ký kinh doanh nhưng vẫn vào đón, trả khách, nhận hàng.
Các xe 7, 9 chỗ không đăng ký nhưng hoạt động công khai, thoải mái, xem Trung tâm Văn hóa tỉnh là "bến cố định" để đón trả khách, nhận hàng hóa - Ảnh: TRUNG TÂN
Một lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đắk Lắk cho biết quá ngán ngẩm với "bến cóc" tại Trung tâm Văn hóa tỉnh.
"Chúng tôi đã nhiều lần nhắc nhở, thậm chí cắm bảng cảnh báo, nhờ công an phường, cảnh sát trật tự nhưng các xe vẫn lập bến tại đây", vị này bức xúc.
Một "bến xe" cũng khá công khai là tại khuôn viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk (cũ, hiện đang bỏ hoang). Khi bệnh viện chuyển đi, khuôn viên phía trước của bệnh viện được "tận dụng" làm nơi lập bến của các nhà xe.
Cổng chính của bệnh viện được mở, các nhà xe từ Ea Kar, Krông Bông, Lắk… vô tư vào trả khách, nhận hàng chở đi. Thậm chí nhà xe Dũng Hương còn để bảng, số điện thoại và xem địa điểm này như "phòng vé" để nhận khách, nhận hàng.
Điệp khúc "địa bàn rộng, lực lượng mỏng"
Nhà xe Dũng Hương lập bến tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũ - Ảnh: TRUNG TÂN
"Xe dù, bến cóc" công khai nhưng ngành chức năng tại Đắk Lắk lại cho rằng việc xử lý gặp khó, do lực lượng mỏng. Trả lời về vấn đề này (bằng văn bản - PV), ông Lê Công Du, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Đắk Lắk, cho biết đơn vị vẫn thanh tra theo kế hoạch và đột xuất.
Trong 3 năm qua (từ năm 2020 đến nay), Thanh tra sở đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 71 trường hợp vi phạm về đón, trả khách không đúng nơi quy định, không có phù hiệu, không có hợp đồng vận chuyển... với tổng số tiền là 229 triệu đồng.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũ thành bến xe của nhiều nhà xe - Ảnh: TRUNG TÂN
Sở này cho rằng có tình trạng "xe dù, bến cóc", xe hợp đồng trá hình là vì người dân muốn thuận lợi cho mình. "Một số đơn vị, cá nhân kinh doanh vận tải nắm nhu cầu, cạnh tranh nhau về tính cơ động, tiện lợi, phục vụ tận nơi để hút khách", lãnh đạo Sở Giao thông vận tải nhận định.
Ngoài ra, do lực lượng Thanh tra sở mỏng, thiếu phương tiện để làm nhiệm vụ xử lý các vi phạm về trật tự vận tải, xe quá khổ quá tải. Trong khi đó, địa bàn TP Buôn Ma Thuột rộng, xe Thanh tra sở ở chỗ này thì vi phạm xảy ra ở chỗ khác.
Hiện nay, Công an tỉnh đã lắp đặt camera tại một số khu vực, điểm thường xuyên xảy ra hoạt động đón, trả khách. Vì vậy, sở cũng đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk bố trí kinh phí cho sở lắp camera tại một số tuyến đường thường xuyên có "xe dù", "bến cóc".
Trả lời thêm về vấn đề này, lãnh đạo Đội cảnh sát giao thông Công an TP Buôn Ma Thuột cho biết thường xuyên tuần tra, kiểm soát tình trạng "xe dù", "bến cóc" nhưng không xuể vì lực lượng đi công khai, các xe sẽ né, trốn.
Theo Đội cảnh sát giao thông Công an TP Buôn Ma Thuột, việc dừng xe đón khách, nhận hàng diễn ra nhanh, khi thấy lực lượng chức năng các xe chạy trốn nên khó xử lý - Ảnh: TRUNG TÂN
Tuy nhiên qua công tác tuần tra, kiểm soát, đơn vị xử lý nhiều phương tiện đón trả khách không đúng nơi quy định tại các khu vực vòng xoay km3, khu vực bến xe buýt Ngã Sáu, Trung tâm Văn hóa tỉnh. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã xử lý 73 trường hợp đậu đỗ, đón khách không đúng nơi quy định.
"Riêng ‘bến xe’ trong khuôn viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh mà báo Tuổi Trẻ phản ánh, chúng tôi sẽ cho kiểm tra, xử lý", lãnh đạo này nói.
Một số xe thuộc nhà xe Thế Vĩnh bị các tỉnh thu hồi phù hiệu thì lột bỏ tên nhà xe, vẫn chạy "chui" bắt đón khách như chưa từng xảy ra sự việc - Ảnh: TRUNG TÂN
Đề nghị thu phù hiệu, xe hoạt động một nơi, xin cấp một nẻo
Liên quan đến vụ phóng viên bị tài xế đánh, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Đắk Lắk cho biết đã rà soát và thấy các xe thuộc nhà xe Thế Vĩnh được nhiều sở cấp phù hiệu. Đơn vị có văn bản gửi Sở Giao thông vận tải các tỉnh thành Bình Dương, Cần Thơ, Tây Ninh, Tiền Giang, TP.HCM đề nghị phối hợp xử lý, thu hồi phù hiệu, đình chỉ hoạt động theo quy định.
Tài xế nhà xe Thế Vĩnh đánh phóng viên - Ảnh: TÂM AN
Thanh tra sở đã mời ông Lại Thế Vĩnh, chủ nhà xe Thế Vĩnh và ông Hoàng Duy Khánh, lái xe biển số 47G 000.21 (người đánh phóng viên báo Giao Thông - PV) lên làm việc.
Theo đó, nhà xe này có 9 xe, trong đó có xe mang biển số 47G 000.21 thuộc Hợp tác xã thương mại dịch vụ du lịch Vũ Hồng Phát, được Sở Giao thông vận tải Bình Dương cấp phù hiệu "xe tải", có giá trị đến ngày 26-7-2024.
Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra, xác nhận xe này đã được thay đổi thiết kế cải tạo không đúng với giấy phép và đã lập biên bản vi phạm hành chính.
Đối với hành vi đậu đỗ không đúng nơi quy định của tài xế Khánh, sở đang lập hồ sơ xử lý. Về hành vi đánh phóng viên, Công an TP Buôn Ma Thuột đang điều tra, xử lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận