19/02/2024 09:15 GMT+7

Nắng nóng đến sớm, ĐBSCL xắn tay chống hạn

Do diễn biến bất thường của đợt triều cường dâng cao vào những ngày đầu năm mới (từ mùng 1 đến mùng 4 Tết), các tỉnh miền Tây đã bắt tay ngay vào từng phần việc cụ thể để ngăn mặn, trữ ngọt ngay sau kỳ nghỉ Tết.

Cống ngăn mặn Nguyễn Tấn Thành (Tiền Giang) sẵn sàng đóng cống khi mặn xâm nhập - Ảnh: M.TR.

Cống ngăn mặn Nguyễn Tấn Thành (Tiền Giang) sẵn sàng đóng cống khi mặn xâm nhập - Ảnh: M.TR.

Ngay những ngày đầu đi làm lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam đã chủ trì cuộc họp triển khai các giải pháp phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn, sạt lở, triều cường đang xảy ra trên địa bàn tỉnh này.

Ông Trần Ngọc Tam yêu cầu các địa phương có kế hoạch gia cố đê bao, các điểm xung yếu. Riêng các công ty, nhà máy cấp nước phải có kế hoạch vận hành hệ thống RO đảm bảo cung cấp nước ngọt cho người dân và doanh nghiệp duy trì sản xuất, sinh hoạt. Đồng thời vận động người dân sử dụng nước ngọt tiết kiệm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Vĩnh - chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - cũng đã kiểm tra, khảo sát công tác phòng, chống hạn, mặn và cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt ở huyện Tân Phú Đông - một huyện nằm giáp biển.

Tại đây, ông Vĩnh đã kiểm tra các hồ trữ nước mặt sinh hoạt và yêu cầu các đơn vị quản lý khẩn trương bơm bổ cấp nước vào các hồ để dành sử dụng khi xảy ra hạn, mặn.

Hiện nay, huyện Tân Phú Đông có bốn hồ trữ nước mặt sinh hoạt. Trong đó, hồ 6ha có khối lượng 160.000m3, hồ Tân Thới có khối lượng 25.000m3, hồ Phú Thạnh có khối lượng 36.000m3, hồ Phú Đông có khối lượng 22.000m3. Vào đợt cao điểm, tổng khối lượng nước bốn hồ này có thể cung cấp nước sử dụng khoảng hai tháng cho người dân huyện Tân Phú Đông.

Tại Bạc Liêu, ngay những ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn 2024, lãnh đạo tỉnh đã dẫn đầu đoàn làm việc đến kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp tại huyện Phước Long và Hồng Dân, trong đó có kiểm tra công tác vận hành và điều tiết nước trong điều kiện vào cao điểm hạn, mặn tại âu thuyền Ninh Quới (huyện Hồng Dân).

Tại đây, ông Lữ Văn Hùng - bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - cho rằng cống âu thuyền Ninh Quới rất quan trọng trong việc ngăn mặn - giữ ngọt và điều tiết nước phục vụ sản xuất lúa và nuôi tôm. Vì vậy, ban điều hành cống âu thuyền phải phân công người trực 24/24, theo dõi tình hình độ mặn, không để xảy ra sự cố bất ngờ.

Còn tại Kiên Giang, ông Lê Hữu Toàn - giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh - cho biết dù chưa ghi nhận thiệt hại do mặn gây ra nhưng các địa phương trong vùng chịu ảnh hưởng hạn mặn đã triển khai đắp mới, gia cố 27 đập đất theo thời vụ để bảo vệ lúa đông xuân của người dân ở huyện An Biên, An Minh.

Đại diện Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam cho biết từ ngày 8 đến 14-2, do ảnh hưởng gió mùa đông bắc, nồng độ mặn trên sông Cái Bé (trạm Trâm Bầu) gia tăng đột biến nên đơn vị đã đóng hoàn toàn cống Cái Bé (tàu bè di chuyển phải qua âu thuyền). Sau đó khi thủy triều xuống, đơn vị mở cống tiêu rút mặn trên sông.

Riêng cống Cái Lớn, đơn vị vận hành đóng 7/11 cửa van. Trong lúc vận hành đóng cống, đơn vị luôn đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông khi vận hành công trình đảm bảo an toàn tuyệt đối, không để xảy ra sự cố về vận hành công trình.

Ngoài ra, nhân viên còn thực hiện phân luồng, điều tiết phương tiện trong thời gian vận hành, không để xảy ra va chạm.

Nắng nóng, mưa ít, hạn mặn thêm gay gắt

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết theo dự báo của các trung tâm khí hậu trên thế giới, trạng thái El Nino (pha nóng) hiện đang diễn ra và khả năng kéo dài đến tháng 4, sau đó mới chuyển sang pha trung tính trong khoảng tháng 4 đến tháng 6.

Thời kỳ ít mưa sẽ còn kéo dài trong những ngày còn lại của tháng 2, tháng 3 và nửa đầu tháng 4. Dự báo mưa của các mô hình trong tháng 3, 4 sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm dẫn đến khả năng thiếu nước ngọt cho đời sống và cây trồng.

Tình trạng xâm mặn tại hệ thống các sông của Nam Bộ sẽ tăng cao khi mực nước đầu nguồn xuống thấp. Ngoài ra, mùa nắng nóng năm 2024 khả năng sẽ đến sớm và mức độ nắng nóng gay gắt không thua kém năm 2023. Nhiệt độ cao nhất trong mùa nắng nóng ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ có thể lên tới khoảng 39 - 40oC.

Cụ thể Đông Nam Bộ và vùng ven biển phía Tây Nam có một vài đợt nắng nóng diện rộng. Khả năng nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất 37oC sẽ xuất hiện trong một vài ngày. Số ngày nắng nóng trong tháng 3 khoảng 10 - 15 ngày ở Đông Nam Bộ và 5 - 10 ngày ở Tây Nam Bộ.

Tháng 4 được nhận định là thời kỳ cao điểm của mùa nắng nóng Nam Bộ nên sẽ rất gay gắt. Nhiều đợt nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất 35 - 38oC và trên 38oC diễn ra ở các tỉnh Đông Nam Bộ và 35 - 37oC ở Tây Nam Bộ.

Số ngày có nắng nóng diện rộng có thể kéo dài 15 - 20 ngày trong tháng. Tháng 5 sẽ có nhiều đợt nắng nóng diện rộng ở Nam Bộ, với nhiệt độ cao nhất 37 - 38oC và trên 38oC.

Miền Tây chủ động chống hạn mặn giữ bữa ăn cho mọi ngườiMiền Tây chủ động chống hạn mặn giữ bữa ăn cho mọi người

Những trận mưa lớn cuối tháng 9-2023 vẫn không làm người dân miền Tây yên lòng bởi những dữ liệu có liên quan đều đưa đến dự báo về một mùa khô khốc liệt, một đợt hạn mặn kéo dài có thể xảy ra trong thời gian tới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên