19/07/2023 08:05 GMT+7

Mỹ - Trung nối lại 'ngoại giao khí hậu'

Chuyến thăm Trung Quốc 3 ngày của đặc phái viên tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu, ông John Kerry, đánh dấu việc nối lại đàm phán giữa hai nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất hành tinh.

Đặc phái viên Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry trong cuộc gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ngày 18-7 - Ảnh: REUTERS

Đặc phái viên Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry trong cuộc gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ngày 18-7 - Ảnh: REUTERS

Cuộc gặp kéo dài gần 12 tiếng giữa ông Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Giải Chấn Hoa ngày 17-7 được xem là một chỉ dấu tích cực. Nhưng để Mỹ và Trung Quốc tiếp tục hợp tác trong dài hạn là thách thức không hề nhỏ.

Nếu Mỹ tiếp tục đàn áp Trung Quốc, làm leo thang căng thẳng và thù địch giữa hai bên, điều đó sẽ không có lợi cho bất cứ sự hợp tác nào, kể cả biến đổi khí hậu.

Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc cảnh báo trong bài xã luận ngày 17-7.

Mỹ muốn thể hiện trách nhiệm

Khác với các lĩnh vực như tài chính và ngoại giao, vốn có những khác biệt và nhân tố rủi ro bất ngờ, chống biến đổi khí hậu được Mỹ xem là một trong những vấn đề mà Washington và Bắc Kinh có thể cùng hợp tác vì lợi ích thế giới.

Thông điệp này đã được Washington nhắc đi nhắc lại ở nhiều cấp. Mỹ cũng thừa nhận vấn đề này sẽ không thể được giải quyết mà không có Trung Quốc, ám chỉ trách nhiệm của nước này với tư cách là nền kinh tế số 2 thế giới và là một trong những nước phát thải nhiều nhất khí nhà kính. Theo ước tính, hiện Mỹ và Trung Quốc mỗi năm thải ra tới 40% lượng khí nhà kính toàn cầu.

Chuyến đi của ông Kerry, do đó, có ba nhiệm vụ lớn là đàm phán với Trung Quốc về cắt giảm khí methane, giảm phá rừng và loại bỏ dần việc tiêu thụ than của Trung Quốc.

"Hy vọng của chúng tôi là chuyến đi này có thể trở thành khởi đầu cho một định nghĩa mới về hợp tác và giải quyết những khác biệt giữa chúng ta", ông Kerry nói với nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp ngày 18-7.

Trong cuộc gặp sau đó với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, ông Kerry cảnh báo tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn vào mùa hè này và trích dẫn số liệu về nhiệt độ tại Tân Cương (Trung Quốc) lên hơn 52OC.

"Các dự đoán nghiêm trọng hơn nhiều so với trước đây", ông Kerry nói thêm sau khi ông Lý cắt lời đặc phái viên Mỹ và tỏ ý nghi ngờ về nhiệt độ tại Tân Cương. Ông Lý sau đó thừa nhận Trung Quốc và nhiều nơi khác đang đối mặt các tác động của biến đổi khí hậu.

Sau những cuộc gặp trên, khi được hỏi về kết quả các đàm phán Mỹ - Trung về cắt giảm methane hay sử dụng than đá, ông Kerry cho rằng vẫn còn quá sớm để tiết lộ. Một vấn đề khác Mỹ cũng đang muốn thúc đẩy Trung Quốc là thành lập một quỹ quốc tế để hỗ trợ các nước đang phát triển trong cuộc chiến khí hậu.

Trong khi có nhiều kỳ vọng chuyến đi của ông Kerry sẽ mang lại một số kết quả thực chất, cũng có ý kiến cho rằng tất cả những chuyến thăm đã, đang và sẽ diễn ra chỉ là cách để Mỹ và Trung Quốc nắm được quan điểm của nhau. Mọi vấn đề sẽ được tổng hợp để thảo luận và đi đến kết quả cụ thể trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nước trong năm nay.

Thách thức cho hợp tác dài hạn

Vào tháng 8-2022, sau chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là bà Nancy Pelosi, Trung Quốc đã đình chỉ các cuộc tiếp xúc cấp cao với Mỹ. Đến tháng 11 cùng năm, trong cuộc gặp tại Bali (Indonesia) nhân hội nghị G20, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhất trí nối lại các cuộc gặp.

Tuy nhiên khi chưa có cuộc đàm phán khí hậu nào diễn ra, quan hệ song phương đã bị "trật bánh" sau vụ khinh khí cầu Trung Quốc "đi lạc" và bị Mỹ bắn hạ vào tháng 2-2023.

Bế tắc chỉ được khơi thông sau chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 6 vừa rồi của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Đặc phái viên Kerry là quan chức cấp cao thứ ba của Mỹ đến Trung Quốc trong vòng chưa đầy một tháng, sau ông Blinken và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen.

Những diễn biến trên cho thấy hợp tác chống biến đổi khí hậu giữa Mỹ và Trung Quốc dễ bị tổn thương thế nào nếu có sự cố trong lĩnh vực khác, đặc biệt về chính trị - ngoại giao.

Hai vấn đề khác cũng tác động đến hợp tác Mỹ - Trung Quốc trong chống biến đổi khí hậu là lợi ích của người dân trong nước và khác biệt về cách tiếp cận. Trung Quốc dẫn đầu thế giới về xe điện và tạo ra nhiều điện mặt trời hơn tất cả các nước khác cộng lại.

Nhưng mức tiêu thụ than đá vẫn tiếp tục tăng một cách nguy hiểm. Việc xây dựng các nhà máy điện than ở Trung Quốc đã tăng tốc gần đây khi giới lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của "an ninh năng lượng", theo báo New York Times.

Đối với Trung Quốc, việc Mỹ kêu gọi hợp tác chống biến đổi khí hậu trong khi vẫn tiếp tục "khiêu khích" (cách nói của Thời báo Hoàn Cầu) trong vấn đề Đài Loan, thương mại, nhân quyền là khó hiểu và khó chấp nhận. 

Nói cách khác, Trung Quốc muốn đặt hợp tác trong lĩnh vực này vào bức tranh chung với các vấn đề khác trong khi Mỹ lại muốn tách bạch các vấn đề.

Mỹ kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết Biển Đông 2016Mỹ kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết Biển Đông 2016

Mỹ kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết Biển Đông năm 2016 và 'chấm dứt hành vi quấy rối thường xuyên' đối với các tàu của các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền trong khu vực.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên