Các phiến đá cổ đại khắc chữ hình nêm được chính phủ Mỹ trao trả lại cho Iraq, trong một buổi lễ tại Dinh thự của Đại sứ Iraq tại Washington, Hoa Kỳ - Ảnh: Jacquelyn Martin/AP
Hobby Lobby là một công ty tư nhân có trụ sở đặt tại Oklahoma, Mỹ. Hobby Lobby từng phải trả 3 triệu USD vào năm ngoái để giải quyết vụ kiện về hành vi buôn lậu hiện vật mà các nhà chức trách cho là bị cướp phá từ đất nước có chiến tranh.
Các quan chức xuất nhập cảnh và hải quan Mỹ đã trao trả các hiện vật tịch thu từ Hobby Lobby cho ông Fareed Yasseen, đại sứ của Iraq tại Hoa Kỳ.
Theo lời của công tố viên, giám đốc Steve Green của công ty Hobby Lobby đã bỏ ra 1.6 triệu USD để mua hơn 5.500 cổ vật trong năm 2015.
Quá trình giao dịch được thực hiện thông qua một số trung gian, sử dụng các hóa đơn giả hoặc nhãn mác, giấy tờ gây nhầm lẫn nhằm dễ dàng vượt qua sự kiểm tra của các chốt hải quan Mỹ.
Một phiến đá khắc chữ hình nêm - Ảnh: LATIMES
Một phiến đá cổ có khắc chữ nêm được đường dây buôn lậu dán nhãn "gạch men", trong khi các mặt hàng có giấy tờ cho biết xuất xứ của chúng từ Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Israel.
Công công tố viên cho biết những cổ vật này còn bị cố ý định giá thấp. Một giấy tờ hải quan gồm bản danh sách liệt kê 300 viên gạch với giá 1USD/viên nhưng chúng thực sự là đất sét bullae (viên đất sét có hình dáng tròn, dẹt) với tổng giá trị là 84.120 USD.
Cũng theo mô tả của các công tố viên, các cổ vật được chia ra từng lô nhỏ để vận chuyển đến nhiều địa chỉ khác nhau ở thành phố Oklahoma nhằm tránh thu hút sự chú ý của hải quan.
Một đại lý có tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã vận chuyển các kiện hàng cổ vật đến ba địa chỉ khác nhau của công ty ở thành phố Oklahoma.
Những cổ vật được tịch thu và trà lại cho đại sứ quán Iraq gồm phiến đất sét và gạch có khắc chữ hình nêm - loại văn bản được sử dụng hàng ngàn năm trước tại Lưỡng Hà, cái nôi của nền văn minh tại khu vực đồng bằng nằm giữa hai con sông Tigris và Euphrates mà chính là Iraq ngày nay.
Công ty Hobby Lobby từng bị tẩy chay khi thắng án vụ kiện vì chính sách cung cấp các biện pháp tránh thai cho nhân viên vào năm 2014 - Ảnh: Elizabeth Lara/AP
Các nhà chức trách cho biết trong số các cổ vật bị tịch thu, còn có nhiều phiến đất sét xuất xứ từ thành phố cổ Irisagrig, một thành phố của người Sumer có niên đại từ năm 2100-1600 trươc Công nguyên.
Hầu hết các phiến đá từ thời Babylon cũ được trao trả là các văn bản hành chính pháp lý nhưng cũng bao gồm một bộ sưu tập quan trọng khắc các câu thần chú thời kỳ Tảo Vương quốc và một văn bản tôn giáo song ngữ từ thời kỳ Tân Babylon.
Trong một lần phỏng vấn vào tháng 10-2017, Green đã trả lời tờ AP rằng "Ngay từ đầu, chúng tôi luôn cố gắng tìm kiếm những chuyên gia tốt nhất có thể nhằm hỗ trợ khi chúng tôi có được cổ vật".
Dù các chuyên gia đã đưa ra lời cảnh báo với Green (giám đốc Hobby Lobby) rằng những hiện vật cổ mua từ Iraq mang nhiều rủi ro vì chúng có khả năng là các cổ vật bị đánh cắp, nhưng Green vẫn yêu cầu hợp tác với các đại lý ở Trung Đông.
Bob Murowchick, một trợ lý giáo sư trong lĩnh vực khảo cổ học và nhân chủng học tại Đại học Boston, cho rằng giám đốc điều hành Hobby Lobby có thể đơn giản là phạm sai lầm ngớ ngẩn, nhưng "đôi khi đó lại là nỗ lực cố tình buôn lậu".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận