Cú bắt tay lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều tại Singapore tháng 6-2018 - Ảnh: REUTERS
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Un trong hai ngày 27 và 28-2 ở thủ đô Hà Nội của Việt Nam.
Cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 được kỳ vọng sẽ rã băng quan hệ giữa hai quốc gia cựu thù và giảm nguy cơ từ một trong những mối đe dọa hạt nhân lớn nhất thế giới.
Dẫu vậy, Mỹ và Triều Tiên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong khái niệm phi hạt nhân hóa cũng như dỡ bỏ các lệnh cấm vận, trừng phạt nhắm vào Bình Nhưỡng.
"Tôi vẫn chưa rõ Triều Tiên có quyết định phi hạt nhân hóa hay chư" - Một quan chức Mỹ nói với Hãng tin Reuters ngày 21-2 - Nhưng chúng tôi đang làm việc này vì chúng tôi tin rằng có một khả năng như vậy".
Quan chức này tiết lộ Mỹ sẽ tiếp tục thúc Triều Tiên đóng băng tất cả các vũ khí hủy diệt hàng loạt và chương trình tên lửa đồng thời cố gắng cho ra một "lộ trình" cụ thể cho các cuộc đàm phán.
Khi được hỏi liệu ông Trump có sẵn sàng rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi bán đảo Triều Tiên nếu đạt được một hiệp ước hòa bình, chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên hay không, một quan chức thứ hai nói rằng "đó không phải là chủ đề của các cuộc thảo luận".
Trong năm 2018, Triều Tiên đã ngừng thử hạt nhân, tên lửa và phá hủy một vài cơ sở thử nghiệm vũ khí để thể hiện thiện chí với Mỹ. Dù ông Kim Jong Un cam kết phi hạt nhân hóa trong cuộc gặp đầu tiên với ông Trump ở Singapore, Bình Nhưỡng tuyên bố tiến trình này nên được tiến hành theo nguyên tắc có đi có lại.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ được Reuters tiếp cận đều khẳng định các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ vẫn được duy trì như một cách để "tạo động lực cho sự thay đổi của Triều Tiên".
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đang tới Hàn Quốc để tham khảo ý kiến với các quan chức Seoul trước hội nghị thượng đỉnh Hà Nội, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết.
Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun đã có mặt ở Hà Nội và đang đàm phán với các quan chức Triều Tiên trước hội nghị thượng đỉnh, theo Reuters.
Theo nhận định của giới chuyên gia, xây dựng niềm tin đang là điều kiện tiên quyết để Mỹ và Triều Tiên tiến tới bất kỳ thỏa thuận mang tính đột phá, thực chất trong tương lai.
Việc Tổng thống Trump kỳ vọng có thể gặp lại ông Kim Jong Un sau hội nghị ở Hà Nội cho thấy vấn đề hạt nhân Triều Tiên và cải thiện quan hệ Mỹ-Triều không phải là chuyện một sớm một chiều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận