Bộ Quốc phòng Iran công bố hình ảnh tên lửa đẩy Simorgh trên bệ phóng ở nước này - Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng các tên lửa đẩy dùng để phóng vệ tinh của Iran sử dụng công nghệ "hầu như giống hệt" với công nghệ của tên lửa đạn đạo có năng lực hạt nhân và có thể mang tên lửa tầm xa có khả năng chạm đến đất Mỹ.
"Mỹ sẽ không đứng ngoài cuộc để nhìn các chính sách của Iran gây ra mối đe dọa cho an ninh và sự ổn định của quốc tế" - ông Pompeo tuyên bố ngày 3-1.
"Chúng tôi khuyên Iran nên xem xét lại ba vụ phóng mang tính khiêu khích này và ngừng tất cả các hoạt động liên quan đến tên lửa đạn đạo để tránh bị cô lập sâu rộng hơn về kinh tế và ngoại giao" - Ngoại trưởng Mỹ nói thêm.
Ông Pompeo nói rằng việc Iran phóng tên lửa thể hiện sự coi thường nghị quyết 2231 năm 2015 của Hội đồng Bảo an LHQ tán thành hiệp ước quốc tế về việc chấm dứt chương trình hạt nhân của Tehran và kêu gọi Iran "không tiến hành bất cứ hoạt động nào liên quan đến tên lửa đạn đạo được thiết kế để triển khai vũ khí hạt nhân".
Năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xé bỏ thỏa thuận hạt nhân đạt được với Iran cùng các nước khác bằng cách áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt cũ nhắm vào nền kinh tế của nước cộng hòa Hồi giáo.
Hãng tin AFP cho biết Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã bác bỏ các cáo buộc của ông Pompeo. Ông Zarif nói rằng cả các vụ phóng lẫn các vụ thử tên lửa của nước này đều không vị phạm nghị quyết 2231.
Hồi tháng 11-2018, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Iran Ghasem Taghizadeh từng tuyên bố nước này sẽ phóng 3 vệ tinh vào không gian "trong những tháng sắp tới".
"Các vệ tinh này được chế tạo dựa trên sự hiểu biết của chúng tôi và sẽ được phóng lên các vị trí khác nhau trên quỹ đạo" - ông Taghizadeh thông tin thêm.
AFP cho biết chính quyền Tehran nhìn thấy tiềm năng kinh tế trong việc phát triển chương trình vệ tinh. Tuy nhiên tình báo Mỹ cho rằng những công nghệ như vậy có thể dễ dàng chuyển đổi tên lửa đẩy thành tên lửa tầm xa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận