04/04/2018 15:21 GMT+7

Mỹ buông Syria - nước cờ cao của ông Trump?

NGUYỄN NGỌC HÙNG
NGUYỄN NGỌC HÙNG

TTO - Tổng thống Mỹ Donald Trump lại gây sốc khi bất ngờ nói sẽ sớm rút quân đội Mỹ khỏi Syria. Phải chăng đây là cách Washington để cho Nga và Iran quay sang đối đầu nhau giành quyền lực khu vực?

Mỹ buông Syria - nước cờ cao của ông Trump? - Ảnh 1.

Binh sĩ quân đội chính phủ Syria bước trên đống đổ nát ở khu Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus, hôm 2-4. Quân đội chính phủ đã gần như kiểm soát khu vực này - Ảnh: AFP

Khi thuyết trình tại một hội nghị tổ chức ở bang Ohio (Mỹ) ngày 29-3, ông Trump nói quân đội Mỹ "sẽ sớm rút khỏi Syria", và "cứ bỏ mặc cho những người khác quan tâm đến chuyện ở Syria".

Hai ngày sau, ngày 31-3, ông Trump ra lệnh "tạm đình chỉ" khoản tiền 200 triệu USD mà cựu ngoại trưởng Rex Tillerson đã hứa sẽ dành cho "công cuộc tái thiết" Syria.

Bất ngờ và trái ngược

Những thông tin trên gây bất ngờ bởi nó hoàn toàn trái ngược với chiến lược của Mỹ tại Syria mới được cựu ngoại trưởng Tillerson công bố ngày 17-1. Chiến lược này khẳng định quân đội Mỹ sẽ ở lại Syria lâu dài, nhằm không để lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) hồi sinh và ngăn chặn điều mà Mỹ cho là Iran bành trướng tại các quốc gia láng giềng.

Ngay sau những thông tin trên, cả Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh trung tâm của quân đội Mỹ ở Trung Đông (CENTCOM) đều khẳng định chưa nhận được lệnh chính thức nào từ Nhà Trắng.

Trong khi đó có những phản ứng ngược chiều với tuyên bố của tổng thống Mỹ về "bỏ mặc Syria cho người khác". Ngày 1-4, thượng nghị sĩ Lindsey Graham, thành viên ủy ban quân lực Thượng viện Mỹ, cho rằng rút quân đội Mỹ khỏi Syria "sẽ làm phục hồi IS và biếu không Damascus cho Iran".

"Những người khác" mà ông Trump "bỏ mặc Syria" cho họ là ai?

Thực tế cuộc chiến Syria từ tháng 9-2015 đến nay đã không đơn thuần là nội chiến giữa một bên là quân đội Chính phủ Syria với bên kia là các nhóm vũ trang đối lập.

Cuộc nội chiến này khi diễn ra trước đó, từ cuối năm 2011, đã diễn biến theo hướng quân đội Syria không thể đứng vững trước áp lực của phiến quân, mặc dù quân đội Syria được sự phối hợp tham chiến của hàng ngàn tay súng thuộc các lực lượng do Iran đưa vào.

Từ tháng 9-2015, khi Nga chính thức nhảy vào "cứu" chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, Nga và Iran đã thực sự trở thành các bên tham chiến bên cạnh quân đội Syria.

Đến tháng 8-2016, Thổ Nhĩ Kỳ lại phát động chiến dịch quân sự mang tên "Lá chắn al-Furat", tiếp theo là chiến dịch "Cành oliu" từ giữa tháng 2-2018 đánh vào khu vực nông thôn phía bắc tỉnh Aleppo của Syria, nhằm xóa bỏ sự hiện diện của lực lượng vũ trang người Kurd Syria ở khu vực giáp biên giới này mà Thổ Nhĩ Kỳ coi đó là mối đe dọa hàng đầu đối với an ninh quốc gia của họ.

Như vậy, "những người khác" đang dính líu sâu rộng tại Syria chính là Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Mất chốt chặn cuối cùng

Hoàng thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman đang công du Mỹ bày tỏ quan điểm cho rằng quân đội Mỹ nên ở lại Syria. Theo ông Bin Salman, nếu Mỹ rút đi thì sẽ mất "chốt chặn cuối cùng" để ngăn Iran thực hiện tham vọng kiến tạo một hành lang chiến lược nối thủ đô Tehran với thủ đô Beirut (Libăng) băng qua lãnh thổ Iraq và Syria.

Mỹ buông Syria - nước cờ cao của ông Trump? - Ảnh 3.

Đoàn xe buýt chở các tay súng đối lập cùng thân nhân của họ rời thị trấn Douma ở Đông Ghouta, ngoại ô Damascus ngày 1-4 theo thỏa thuận đình chiến đã đạt được - Ảnh: REUTERS

Nhắm thẳng vào chế độ Iran?

Sau khi có chiến lược của Mỹ ở Syria đầu năm nay, Nga lập tức tăng cường sự phối hợp với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ trong liên minh gọi là "bộ ba đảm bảo" cho các kế hoạch giải quyết cuộc khủng hoảng Syria do Nga điều phối. Mục tiêu của Nga và Iran là nhằm đối phó với việc quân đội Mỹ sẽ ở lại lâu dài tại Syria.

Các quốc gia trong "bộ ba đảm bảo" này thực ra tuy "đồng sàng" nhưng "dị mộng", nhất là giữa Nga với Iran. Nga luôn khẳng định vai trò độc tôn của mình điều phối cuộc khủng hoảng Syria, cả trên bình diện quốc tế và tại thực địa.

Còn Iran không ngừng lẳng lặng củng cố và tăng cường thực lực sâu rộng của họ trong chính quyền các cấp cũng như quân đội Syria và sự hiện diện rộng rãi của các nhóm dân binh dòng Shi’a do Iran đưa từ bên ngoài vào.

Nếu Mỹ rút đi, mâu thuẫn Nga - Iran sẽ nổi lên bình diện. Phải chăng ông Trump hi vọng chính Nga sẽ thay Mỹ đối đầu với Iran tại Syria?

Nội dung ngăn chặn Iran thể hiện trong chiến lược được ông Tillerson công bố hồi đầu năm nay chọn địa bàn là Syria và các quốc gia láng giềng như Iraq, Yemen, Libăng. Nhưng ông Tillerson mới bị thay thế.

Trong khi đó, ông John Bolton - một người nổi tiếng cực đoan trong lập trường chống Iran, vừa được bổ nhiệm làm cố vấn an ninh quốc gia. Ông Bolton là người được cho là luôn chủ trương lật đổ chế độ Iran chứ không chỉ ngăn chặn Iran từ lãnh thổ các quốc gia láng giềng. Thậm chí ông đã nói "không muốn thấy chế độ này tồn tại đủ 40 năm" (tức đến năm 2019).

Chưa thật rõ ràng về mục tiêu và biện pháp để triển khai tuyên bố của ông Trump về "sớm rút quân Mỹ khỏi Syria", nhưng tuyên bố này thêm một lần nữa cho thấy tính khó đoán định trong đường lối ngoại giao của chính quyền Trump.

Có điều chắc chắn là nếu quân đội Mỹ sớm rút khỏi Syria thì cũng không có nghĩa là căng thẳng với Iran sẽ giảm bớt. Tham vọng của Mỹ, nếu đúng là nhắm trực tiếp tác động lật đổ chế độ hiện nay ở Iran, cũng chưa có gì đảm bảo sẽ làm cho khu vực Trung Đông nóng bỏng này hạ nhiệt hơn.

NGUYỄN NGỌC HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên