Các bà bầu bản lĩnh của sân khấu phía Nam (từ trái qua): NSND Hồng Vân, nghệ sĩ Ái Như, NSƯT Mỹ Uyên, NSƯT Trịnh Kim Chi - Ảnh: GIA TIẾN
TP.HCM là nơi tiên phong và tính đến giờ có hoạt động sân khấu xã hội hóa mạnh nhất cả nước.
Làm nên "sức mạnh" đó có sự đóng góp của các bà bầu như NSND Hồng Vân (sân khấu kịch Hồng Vân), NSƯT Mỹ Uyên (giám đốc nhà hát kịch 5B), nghệ sĩ Ái Như quản lý sân khấu Hoàng Thái Thanh cùng NSƯT Thành Hội, NSƯT Trịnh Kim Chi (sân khấu kịch Trịnh Kim Chi), NSƯT Hoàng Yến (nhà hát Thế giới trẻ)...
Bà bầu... lì hơn ông bầu?
Lý giải vì sao sân khấu xã hội hóa TP lại nhiều bà bầu hơn ông bầu, NSND Hồng Vân nói vui: "Có lẽ phụ nữ chung thủy hơn, một khi họ đã chọn thì bao nhiêu tâm huyết sẽ dồn hết vào lựa chọn của mình!".
Chị nói thêm quản lý một sân khấu đòi hỏi sự tính toán tỉ mỉ, chu đáo, quán xuyến rất nhiều thứ, mà những đức tính đó bà bầu có vẻ thuận lợi hơn ông bầu. Còn nghệ sĩ Ái Như cười cho biết: "So ra chưa chắc mấy ông có độ dẻo dai bằng phụ nữ".
Hơn 3 năm quản lý sân khấu Trịnh Kim Chi, NSƯT Trịnh Kim Chi dí dỏm nói có lẽ phụ nữ... sung hơn đàn ông. "Họ có sức chịu đựng cao, hết sức kiên nhẫn. Có được sự dịu dàng, nhẹ nhàng, khéo léo để khi nói chuyện với các diễn viên có sự đồng cảm và khi giao tiếp với bên ngoài có được sự thuyết phục!".
Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn - giám đốc sân khấu Idecaf - cũng cho rằng "bà bầu nữ có sự chi tiết, tinh tế trong đối xử, sức chịu đựng, độ bền cao".
Theo ông, người nam khi làm công việc này có thuận lợi là không vướng víu con cái, gia đình nhiều như phụ nữ; họ có sức khỏe, tính toán, chiến lược một cách khoa học nhưng thường nóng nảy hơn nữ, độ bền, sức chịu đựng cũng không như người nữ.
Nước mắt và... đổ bệnh
Nhưng nói gì thì nói, phụ nữ cũng là những người chân yếu tay mềm. Họ có thể cố gồng ngay thời điểm khó khăn đó, nhưng sau bao nhiêu áp lực dồn dập là đổ bệnh.
Bà bầu Ái Như sau một mùa diễn tết, kỷ niệm 9 năm thành lập sân khấu đang "dưỡng thương" với chứng rối loạn tiền đình, huyết áp cao. Bà bầu Hồng Vân từ mùa tết đến giờ mỗi ngày đều phải uống thuốc nam để trị bệnh.
Nghệ sĩ Mỹ Uyên cũng mấy lần được chở đi cấp cứu vì rối loạn tiền đình, tụt huyết áp. Để sân khấu 5B có thể hoạt động lại vào năm ngoái với cơ sở vật chất được nâng cấp, số tiền đầu tư lên tới cả tỉ đồng đến mức bà bầu phải đi cầm cố căn nhà và đi ở nhà thuê.
Thế nhưng hiện tại bà bầu này vẫn tiếp tục cắn răng bù lỗ cho mỗi suất diễn. Chị chùng giọng: "Nhiều khi cảm thấy chông chênh và nản lắm. Nhưng rốt cuộc vì tình yêu đối với sân khấu, vì những anh chị em diễn viên vẫn còn yêu thương đồng hành với mình, còn những khán giả tuy không nhiều nhưng hết lòng ủng hộ nên mình cứ nấn níu hoài.
Chỉ trông thêm nhiều khán giả ủng hộ để sân khấu đủ thu chi và có thể tái đầu tư cho những dự án tiếp theo là mình có thêm động lực cố gắng rồi. Còn tình trạng hiện tại cứ kéo dài hoài chắc lúc nào đó mình không chịu nổi sẽ buông...".
Bà bầu Trịnh Kim Chi tâm sự chị từng hoạt động tại một số sân khấu trước khi quyết định làm bầu nên khá tự tin mình đã có sự chuẩn bị, nhưng "có những cái mình không lường trước được, có lúc chỉ biết bật khóc!".
Bà bầu Hồng Vân thừa nhận mặc dù có một số ưu điểm nhưng bà bầu nữ vẫn có những thua thiệt so với bầu nam: "Phụ nữ thường đắn đo, ít dám liều lĩnh, bứt phá".
Chị chia sẻ bầu nữ thường sống tình cảm, như bản thân chị điều hành sân khấu Hồng Vân khoảng 20 năm, mấy lần định buông nhưng nghĩ tới nhân viên, hậu đài, diễn viên đã gắn bó với chị từ ngày thành lập sân khấu, rồi lớp học viên trẻ mà chị đang đào tạo, họ cần những bệ đỡ như chị ngày xưa đã được các tiền bối giúp đỡ để bám trụ với nghề tới ngày nay.
Nghĩ vậy mà chị lại cố gắng bước tiếp.
Rất nhiều khó khăn bủa vây làng sân khấu hiện nay. Trong "cơn bão" đó, có những cánh hồng vẫn đang đương đầu và cố gắng vững tay chèo...
Ông Huỳnh Anh Tuấn nhận định: "Thị trường sân khấu tư nhân, xã hội hóa ở VN, đặc biệt là miền Nam từ xưa giờ hình như có truyền thống là các bà bầu nữ.
Có thể thấy rất nhiều bà bầu nổi tiếng ở các gánh hát, đoàn kịch ngày xưa như bà bầu Thơ, Kim Chung, Kim Chưởng, cô Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương... Và truyền thống đó vẫn nối tiếp đến ngày nay, cụ thể là ở TP.HCM bà bầu nữ chiếm đến hơn 70% ở các sân khấu kịch xã hội hóa.
Ở các nước khác, mô hình nhà hát (thành lập công ty) đa số giám đốc là nam, được đào tạo bài bản. Còn ở ta, với hình thức xã hội hóa vẫn sử dụng cái tình nhiều và điều đó phù hợp với bà bầu nữ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận