20/12/2017 19:32 GMT+7

Một thời quá khứ trong ảnh của Phạm Văn Mùi

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Hơn 100 tấm ảnh nghệ thuật đen trắng của cố nghệ sĩ nhiếp ảnh lừng danh Phạm Văn Mùi vừa ra mắt công chúng TP.HCM sáng 19-12 trong triển lãm kỷ niệm 25 năm ngày mất của ông.

Một thời quá khứ trong ảnh của Phạm Văn Mùi - Ảnh 1.

Rải ranh - trò chơi trẻ em được Phạm Văn Mùi chụp từ năm 1952

Ở bất cứ vị trí nào, người nghệ sĩ nhiếp ảnh hay nhà giáo dục nhiếp ảnh, anh Phạm Văn Mùi cũng tỏ ra một người tài cán lỗi lạc, tận tâm tận lực hết lòng hết sức giúp đỡ các bạn trẻ ham học hỏi và đã từng giúp nhiều người tạo được tiếng tăm trên thế giới...

Nhiếp ảnh gia NGUYỄN CAO ĐÀM

Triển lãm do gia đình cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Văn Mùi và Hội Nhiếp ảnh TP.HCM phối hợp thực hiện, mở cửa tại 122 Sương Nguyệt Anh, Q.1 đến ngày 26-12.

Từng có một đời sống như thế

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Văn Mùi thuộc thế hệ các nhà nhiếp ảnh tiên phong trong buổi đầu của ảnh nghệ thuật Việt Nam. 

Ông được xem là bậc thầy của ảnh nghệ thuật đen trắng. Đặc biệt, đề tài ảnh của Phạm Văn Mùi tập trung đề cao cái đẹp trong văn hóa Việt Nam, từ ý niệm chung thủy qua ảnh tĩnh vật Trầu cau, đến bộ ảnh Suối tóc của người phụ nữ Việt Nam từng nổi tiếng cả trong và ngoài nước. 

Tác phẩm Suối tóc của Phạm Văn Mùi cũng đã được chọn in vào Bách khoa tự điển Việt Nam.

Triển lãm lần này cũng là dịp để các thế hệ học trò, người hâm mộ trong và ngoài giới nhìn lại chặng đường hoạt động nghệ thuật của nghệ sĩ Phạm Văn Mùi. 

Ngoài mảng chân dung quen thuộc, triển lãm còn có loạt ảnh chụp các đề tài sinh hoạt đời thường và nhiều tác phẩm trong số đó đến nay có thể xem như hình ảnh có tính tư liệu, ghi dấu những nếp sinh hoạt của người Việt giờ đây không còn nữa.

Và một loạt ảnh nghệ thuật nhưng mang đậm dấu ấn của những người cần lao miền quê Việt Nam. 

Đó là nhóm các ngư phu gánh cá đang tụ tập trên bãi biển chờ thuyền vào (Đợi thuyền vào), hình ảnh người nông dân với con trâu đi trước cái cày theo sau trên đồng bùn (Đồng ruộng Sài Sơn 1979), là đoàn người gánh muối ngược xuôi trên đồng muối mênh mông (Thu hoạch muối), lại có cả một đoàn xe cút kít đang chở mía nhìn rất lạ, có lẽ là hình ảnh từ một nông trường, hợp tác xã nào đó trong thời bao cấp (Thu hoạch mía).

Xuất thân từ miền quê Bắc Bộ, có lẽ nhiếp ảnh gia Phạm Văn Mùi vận dụng cả độ nhạy và sự tinh tế trong nghề ảnh để bắt được sắc độ ánh sáng và chủ đề ảnh tôn vinh những nét văn hóa của vùng quê ông. 

Nhìn bức ảnh chuyến xe trâu chở củi lăn bánh trên đường đê, những cuộn khói bốc lên từ một trận đốt cỏ trên đồng... người xem tưởng như mình đang lạc vào không gian sống của miền Bắc nhiều thập niên trước đây.

Một thời quá khứ trong ảnh của Phạm Văn Mùi - Ảnh 3.

Bức ảnh Đánh dậm chụp những người dân với ngư cụ truyền thống rất quen thuộc của đời sống cư dân Bắc Bộ nhưng nay đã trở nên hiếm hoi khi khắp nơi dần đô thị hóa

"Nhà ảo thuật buồng tối"

Không chỉ sở trường về ảnh đen trắng, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Văn Mùi còn có biệt tài về kỹ thuật phòng tối. 

Thán phục trước những tác phẩm tự tay ông tráng rửa với kỹ thuật công phu, giới nhiếp ảnh cùng thời đã khen tặng ông là "nhà ảo thuật buồng tối". 

"Chính công thức pha thuốc và kỹ năng phóng ảnh do chính ông khám phá hồi cuối thập niên 1950 đã được áp dụng vào bộ ảnh Suối tóc khiến ông đoạt hàng chục huy chương nổi tiếng" - nhà nhiếp ảnh Lê Xuân Thăng phát biểu nhân dịp khai mạc triển lãm.

Tại triển lãm lần này, công chúng có dịp chiêm ngưỡng các bức ảnh do chính tay Phạm Văn Mùi thực hiện kỹ thuật phòng tối, với các kỹ xảo như "bán đảo âm", "bán đảo dương", "phân tam sắc"... mà các thế hệ nhiếp ảnh sau ông đến nay khó có ai sánh kịp.

25 năm nay kể từ ngày ống kính Phạm Văn Mùi giã từ giới nhiếp ảnh nghệ thuật, nhiều thế hệ học trò của ông đã tề tựu về triển lãm lần này như một cách ôn lại những tháng ngày học hỏi, sáng tác, lao động, gắn bó với nhau vì tinh thần ảnh nghệ thuật Việt Nam.

Nghệ sĩ Thu An vẫn nhớ như in những năm sau 1975, nhiếp ảnh gia Phạm Văn Mùi ngày ngày đạp xe đến các câu lạc bộ, các lớp nhiếp ảnh để dìu dắt các thế hệ đàn em vào con đường nghệ thuật. 

Không còn có thể "cầm lấy đôi bàn tay đã nhăn nheo vì năm tháng nhưng vẫn còn thấm nhuộm mùi thuốc hình" của thầy, nghệ sĩ Thu An bày tỏ: "...Vậy mà chớp mắt thầy đã xa tụi con 25 năm rồi...".

Tái bản Nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam - Phạm Văn Mùi con người và sự nghiệp

sach_pham_van_mui 4(read-only)

Sách do NXB Thông Tấn ấn hành - Ảnh: L.ĐIỀN

Phạm Văn Mùi (1907 - 1992) sinh tại thành phố Nam Định.

Ngoài sáng tác ảnh, ông còn là một nhà sư phạm nhiếp ảnh, khi vào Nam ông mở lớp và phụ trách dạy ảnh phổ thông và ảnh nghệ thuật tại Trường Bách Khoa Bình Dân ở Sài Gòn suốt thời gian từ năm 1958 đến 1975.

Quyển Kỹ thuật đặc biệt trong nhiếp ảnh nghệ thuật (1988) của ông được dùng làm tài liệu giảng dạy.

Song song với triển lãm ảnh lần này, gia đình còn thực hiện một tập sách ảnh: Nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam - Phạm Văn Mùi con người và sự nghiệp, do NXB Thông Tấn ấn hành.

Tập sách là ấn phẩm tái bản lần thứ 2 của quyển sách đã in năm 1997 và tái bản lần 1 năm 2007.

Lần này có bổ sung 40 ảnh nghệ thuật và tranh vẽ, tổng cộng có 120 ảnh nghệ thuật và tranh vẽ chân dung.

Ngoài ra còn phần tư liệu gồm các bài thuyết trình, bài phát biểu, bài viết đăng báo, văn thơ, thủ bút của tác giả Phạm Văn Mùi; đồng thời có cả các bài viết tưởng nhớ và nhận định về nghệ sĩ Phạm Văn Mùi của các học trò và đồng nghiệp trong giới nhiếp ảnh.

Một thời quá khứ trong ảnh của Phạm Văn Mùi - Ảnh 6.

Tác phẩm "Chiều về" mang đậm không gian thôn quê miền bắc - Ảnh: Phạm Văn Mùi

Một thời quá khứ trong ảnh của Phạm Văn Mùi - Ảnh 7.

Thu hoạch mía bằng xe cút kít - Ảnh: Phạm Văn Mùi

Một thời quá khứ trong ảnh của Phạm Văn Mùi - Ảnh 8.

Vị sư già" của Phạm Văn Mùi được thực hiện bằng kỹ thuật phân tam sắc - Ảnh: Phạm Văn Mùi

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên