13/06/2020 19:16 GMT+7

Một cái nhìn từ 'kẻ khác' về vua Gia Long và sử Việt

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - Đó là nhận định của PGS.TS Bửu Nam về cuốn sách “Vua Gia Long” - công trình biên khảo của một người Pháp - Marcel Gaultier, nhà văn đồng thời là biên tập viên của Ban Dân sự Đông Dương.

Một cái nhìn từ kẻ khác về vua Gia Long và sử Việt - Ảnh 1.

Dịch giả Đỗ Hữu Thạnh giới thiệu về sách Vua Gia Long - Ảnh: MINH TỰ

Cuốn sách này xuất bản lần đầu vào năm 1933 tại Sài Gòn, bằng tiếng Pháp, vừa được Nhà xuất bản Thế Giới và Công ty sách Omega Plus tái bản bằng tiếng Việt, nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của vua Gia Long (1820-2020). Bản dịch tiếng Việt đầu tiên này do dịch giả Đỗ Hữu Thạnh, một nhà giáo Pháp văn ở Huế, thực hiện.

Ngày 13-6, tại Huế đã diễn ra một cuộc tọa đàm về cuốn sách này với sự có mặt dịch giả, các nhà nghiên cứu và những người đã nỗ lực cho ra đời bản sách bằng tiếng Việt này.

Dịch giả Đỗ Hữu Thạnh cho biết Vua Gia Long được Marcel Gaultier viết sau hơn 10 năm ông đến Việt Nam làm việc ở Ban Dân sự Đông Dương. Một cuốn sử Việt Nam được viết bởi một người nước ngoài, nên có cái nhìn khác, lại tiếp cận được nhiều nguồn sử liệu mà người Việt bấy giờ không tiếp cận được.

Theo PGS.TS Bửu Nam (Trường đại học Sư phạm Huế), đây là cuốn sách viết về một nhân vật lịch sử Việt Nam với "cái nhìn của kẻ khác, cái nhìn bên ngoài". Lối biên khảo lịch sử của Pháp một mặt chú ý tính khách quan, xác thực, với sự tôn trọng các sự kiện, nhân vật lịch sử, và các nguồn dẫn liệu khá xác đáng. 

Nguồn sử liệu mà tác giả sử dụng đa dạng, trong đó có kho tư liệu đồ sộ với thư từ, hồi ký, tường thuật của các giáo sĩ Hội thừa sai hải ngoại Paris do linh mục L. Cadière, một nhà Việt Nam học lừng danh, tập hợp nên.

Qua cái nhìn đó, chân dung vua Gia Long hiện ra theo lời tựa sách của ông Pierre Pasquier, quan toàn quyền Đông Dương vào năm 1932, là "không gì có thể làm mờ nhạt đi những đường nét hay làm giảm sút vẻ nổi bật của khuôn mặt" của người sáng lập nên triều Nguyễn.

Một cái nhìn từ kẻ khác về vua Gia Long và sử Việt - Ảnh 2.

Khá đông nhà nghiên cứu và độc giả có mặt tại cuộc tọa đàm - Ảnh: MINH TỰ

Tuy nhiên, theo PGS.TS Bửu Nam, công trình biên khảo này vẫn chịu ít nhiều tư duy của lối viết sử thuộc địa đề cao vai trò của người Pháp, nhất là vai trò của giám mục Bá Đa Lộc, cũng như những người Pháp khác đã giúp vua Gia Long trong việc giành lại quyền lực từ nhà Tây Sơn.

Tại cuộc tọa đàm, các nhà nghiên cứu cho rằng trong chừng mực tương đối, cuốn sách này rất hữu ích trong việc cung cấp một cái nhìn khác về vua Gia Long và triều Nguyễn, một vấn đề lịch sử mà hiện nay đang cần được đánh giá lại, xem xét đa chiều, mang tính đối thoại giữa các lối viết sử khác nhau.

Marcel Gaultier đã viết 10 cuốn sách, Vua Gia Long là tác phẩm đầu tiên của ông. Tiếp đó, ông viết thêm cuốn về vua Minh Mạng (xuất bản 1935), và hai cuốn về vua Hàm Nghi (1940 và 1959). Sau khi dịch và xuất bản xong cuốn Vua Gia Long, nhóm làm sách này sẽ tiếp tục cho ra mắt cuốn Vua Minh Mạng của Marcel Gaultier.

Trưng bày bảo vật từ triều Gia Long đến triều Bảo Đại Trưng bày bảo vật từ triều Gia Long đến triều Bảo Đại

TTO - Đó là chủ đề cuộc trưng bày cổ vật quý giá vừa được khai trương tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế do Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức.

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên