18/11/2023 08:30 GMT+7

Mong làm ánh sáng của cha

Cả cha và mẹ Hồ Tuấn Anh đều khiếm thị. Ba năm trước mẹ mất, khó quá nên cha và em gái phải rời TP.HCM về Đồng Tháp sống. Bạn ở lại nhà bác gái tiếp tục đi học và vừa đậu vào Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM.

Hồ Tuấn Anh quyết tâm học để sau này còn là chỗ dựa cho em gái, làm ánh sáng của người cha khiếm thị - Ảnh: K.ANH

Hồ Tuấn Anh quyết tâm học để sau này còn là chỗ dựa cho em gái, làm ánh sáng của người cha khiếm thị - Ảnh: K.ANH

Không chỉ ước được một lần nhìn thấy mặt mũi và dáng hình, cha mẹ còn mong con học hành tới nơi tới chốn.

"Cha mẹ không thấy đường nhưng vẫn nỗ lực làm nghề massage trị liệu để nuôi anh em mình đi học. Hình bóng mẹ vẫn in trong đầu mình, ở nơi nào đó chắc mẹ cũng vui vì mình đã đậu đại học", Tuấn Anh nói.

Cha mỗi ngày một già đi. Với người già mắt sáng đi lại còn khó huống chi cha mình không thấy đường, chắc chắn khó hơn bội phần. Mình phải là chỗ dựa, làm ánh sáng của cha mai sau.

HỒ TUẤN ANH

Đến đâu tính đến đó

Nhận tin đậu đại học, Tuấn Anh đến trước bàn thờ chắp tay lạy mẹ rồi gọi báo cho cha. Ông Hồ Văn Minh - người cha khiếm thị ở cùng con gái và mẹ già tại huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) - mừng rơn nhưng rồi chợt đắn đo vì chưa biết làm sao nuôi con trai những ngày sinh viên sắp tới. Nhưng ông quyết cho con đi học vì "chỉ có học mới giúp con thay đổi cuộc đời".

Sau khi được bác gái giúp đóng học phí nhập học, Tuấn Anh đôn đáo tìm việc làm thêm. Bởi vài lần về quê, Tuấn Anh thấy cha cũng ít khách, có hôm chẳng có ai. Mà cha còn phải lo cho em gái đang học lớp 7, cuộc sống cũng chật vật lắm.

Vậy nên cậu quyết kiếm việc làm thêm để tự trang trải chi phí học tập còn ăn uống đã có bác gái giúp.

Gặp Tuấn Anh trong một hoạt động của Hội Người mù TP.HCM dành cho con em hội viên, Tuấn Anh có nhắc đến bài thơ của một người đọc tại chương trình và rưng rưng. Bài thơ ấy như nói hộ nỗi lòng của những người con khiếm thị ao ước một lần được biết mặt cha mẹ mình.

Và ngược lại, những người cha người mẹ không nhìn thấy gì cũng luôn ao ước dù chỉ một lần được nhìn ngắm con mình bằng xương bằng thịt.

Lúc mẹ còn sống, mỗi lần mẹ nói chỉ ước nhìn thấy khuôn mặt, hình hài con thế nào, rồi mẹ thường gọi Tuấn Anh lại gần, ôm con vào lòng. Đôi bày tay mẹ cứ thế xoa khắp người, lần tìm như để phần nào giúp mẹ cảm nhận, mường tượng về hình hài của con.

Vậy mà một ngày mẹ phải nhập viện cấp cứu vì nguy hiểm tính mạng do chỉ số đường huyết lên quá cao. Và không ai cứu được mẹ! Đùng một cái, mẹ ra đi đột ngột. Lúc đó, Tuấn Anh đang học lớp 9, em gái chưa hết tiểu học. Cú sốc đó khiến Tuấn Anh như bừng tỉnh bởi trước đó vẫn là đứa bé ham chơi, ít khi chú ý lời mẹ dặn, thậm chí có ngày còn trốn học đi chơi.

Mẹ đi rồi, Tuấn Anh lao vào học như để chuộc lỗi mà cũng là thực hiện niềm mong mỏi của cha mẹ. "Mình từng khiến cha mẹ buồn lòng vì bỏ học đi chơi. Rồi mẹ ra đi quá nhanh, cú sốc khiến mình hụt hẫng và phải thay đổi. Mình muốn sau này trở thành chỗ dựa cho cha và em gái để mẹ yên lòng nhắm mắt. Chỉ có học mới giúp mình thực hiện được mong muốn này", Tuấn Anh bày tỏ.

Mơ ngày đoàn viên cùng cha

Hồi đầu năm học lớp 12, bác gái gửi Tuấn Anh vào học nội trú tại một trường tư thục để cháu toàn tâm toàn ý chỉ lo học hành. Và nỗ lực ấy được đền trả xứng đáng bằng kết quả đỗ đại học như cả nhà mong ước.

Đã bắt đầu cuộc đời sinh viên, bạn đến trường bằng xe buýt. Tuấn Anh cũng tìm đến một cửa hàng bán gà rán xin thử việc với mong muốn có được việc làm bán thời gian kiếm thêm thu nhập phụ lo cho bản thân, cũng là san sẻ bớt gánh nặng cho bác gái và cha. Lớn rồi, hiểu được công việc của cha vất vả thế nào nên giờ mà còn ngửa tay xin tiền cha thấy khó coi dữ lắm, không nỡ, anh chàng tự nói vậy.

Ngoài giờ học, cậu tranh thủ giúp bác gái làm việc nhà. Tuấn Anh tự nhủ mất mẹ nhưng may mà còn bác gái yêu thương lo lắng không khác gì mẹ nên cũng phần nào vơi nỗi tủi thân.

Cậu quyết tâm phải học tốt không chỉ để trả ơn bác gái đã bảo bọc mình bao năm qua mà còn nuôi ước mơ ra trường, tìm được việc làm ổn định để đón cha và em gái lên TP.HCM và gia đình đoàn viên. Cái khó của đứa con mồ côi, cha lại không thấy đường dường như làm Tuấn Anh già dặn hơn cái tuổi thật của bạn.

Bà Bùi Kim Vân - bác gái Tuấn Anh - cho hay bà cũng có gia đình, hai con đã lớn nên từ khi em gái mất đã phụ cùng em rể lo cho hai đứa cháu ăn học. Bà bảo thương em gái nên càng thương hai cháu sớm mồ côi mẹ.

"Nhiều đêm vẫn khấn mong em gái phù hộ cho chồng con nó mạnh khỏe, các cháu ngoan và gắng học. Còn sức đến đâu tôi còn cố lo đến đó cho cháu học có cái nghề mai này tự lo cho bản thân, rồi còn giúp cha với em gái nó nữa" - bà Vân nói.

Lấy hoàn cảnh làm động lực

Thầy Lê Đình Thắng - giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Tuấn Anh - nói bạn ấy sống rất chan hòa, chân tình với mọi người. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ không may mất sớm, cha lại là người khiếm thị và còn phải lo cho em gái nhưng Tuấn Anh cho thấy nghị lực vươn lên rất rõ.

Thầy Thắng nói có thể sống cùng với gia đình bác gái bạn không lo đói lòng, rất được quan tâm chăm lo nhưng qua những lần trò chuyện thầy cảm nhận đâu đó sâu thẳm trong lòng Tuấn Anh cũng thấy thiệt thòi vì không được ở cùng cha và đã thiếu vắng hơi ấm của mẹ lâu rồi.

"Bạn ấy luôn biết chấp nhận hoàn cảnh, xem như động lực trong cuộc sống để luôn biết nỗ lực rất nhiều trong học tập, tìm cách khắc phục những hạn chế của bản thân và luôn là học sinh khá, giỏi" - thầy Thắng chia sẻ.

Mong làm ánh sáng của cha - Ảnh 5.

Học, kiếm tiền và đưa mẹ về quêHọc, kiếm tiền và đưa mẹ về quê

Có thể nói Trương Ái Nhi - tân sinh viên ngành ứng dụng phần mềm Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TP.HCM - bán sức lao động của mình để có thể đến trường cũng không quá bởi cô bé gần như không từ nan việc gì.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên