16/06/2018 09:23 GMT+7

Mong bớt... cải tiến giáo dục

PHI KHANH (Hà NộI)
PHI KHANH (Hà NộI)

TTO - Suốt nhiều năm qua, bản thân những người cầm phấn như chúng tôi luôn phải nín thở để chờ đợi những đổi mới dù biết rằng mục đích của đổi mới là để cải thiện chất lượng.

Mong bớt... cải tiến giáo dục - Ảnh 1.

Một giáo viên dạy cấp III tại Hà Nội gửi tâm tư đến Tuổi Trẻ.

Giáo viên như cái "máy dạy"

Những ngày qua, tôi rất quan tâm đến những phát biểu của tư lệnh ngành giáo dục. Từ đổi mới, cải tiến đến cải cách, nhưng nhìn lại chúng ta đã thực sự thay đổi được nhiều như kỳ vọng? Ngành giáo dục đã thực sự xem người học là trung tâm và người dạy được đúng vai trò của mình hay chưa?

Tôi chỉ mong ngành giáo dục đừng “sáng nắng chiều mưa”, đừng thay đổi rồi nhận thấy có gì đó chưa ổn, chưa hợp lý lại thay đổi tiếp

Sách giáo khoa, thi cử... liên tục thay đổi. Học sinh mệt mỏi, phụ huynh ái ngại, bản thân giáo viên chúng tôi luôn phải thường xuyên "lột xác", thay đổi chính mình để hợp với cách học mới, cách dạy mới. 

Nhưng mỗi năm mỗi khác, nhiều lúc tôi cảm thấy mình như cái "máy dạy", có lúc lại như học sinh lớp 1 phải đi học những chữ cái đầu tiên. Nhiều đồng nghiệp của tôi cũng mệt mỏi chạy đua với đổi mới để phù hợp với cách dạy - học mới. Để rồi có lúc chúng tôi cảm thấy mình như một con robot cứ phải gồng mình lên để làm tròn vai của một giáo viên thời hiện đại.

Không hiểu sao, tự lúc nào tôi cứ lo thon thót với những đứa con tinh thần mang tên đổi mới sắp chào đời. Chúng tôi là giáo viên, biết rằng mỗi ngày phải tự làm mới mình nhưng thử hỏi năm nào cũng đổi mới, năm nào cũng cải tiến, chúng tôi đâu phải cái máy để có thể lập trình theo? 

Nhiều lúc nhìn học sinh luôn hoang mang với những đổi mới, tôi cảm thấy bất lực. Năm nào cũng vậy, phụ huynh vẫn hỏi tôi: "Liệu năm nay các cháu sẽ thi thế nào vậy cô giáo?" mà tôi chẳng thể trả lời được. Buồn sao!

Thầy - trò, phụ huynh quay như chong chóng

Phải chăng chúng ta quá vội vàng khi mà kết quả của những đề án này còn chưa biết ra sao thì lại có một cải tiến mới sắp sửa chồng lên. Nghe những tâm sự thắc thỏm, âu lo của học sinh vì những thay đổi trong giáo dục, tôi ngao ngán. Tôi chỉ biết động viên để thầy trò cùng đối mặt và vượt qua.

Nhớ có lần một học sinh lớp 11 nói: "Em không biết năm sau thi cử có gì thay đổi không nữa, em lo quá". Nghe tiếng thở dài của em, nhìn sự mệt mỏi của em, tôi hiểu các em đang phải đánh cược với những thí nghiệm, thử nghiệm trong giáo dục. Các em lo, tôi cũng lo.

Người ta cứ kêu gọi làm sao để người học làm trung tâm và muốn người thầy được làm đúng vai trò của mình. Nhưng đã bao giờ thầy trò chúng tôi được tôn trọng, được là trung tâm của những cải tiến? Hiệu quả của những đề án ra sao chưa thấy nhưng đúng là cả thầy, cả trò, cả phụ huynh đang quay như chong chóng.

Có lúc tôi nghĩ thầy trò chúng tôi với những đổi mới giáo dục như đang cùng nhảy vào một cái bao tải và luôn nỗ lực để cả hai không bị ngã. Khi mà ngành liên tục có những đổi mới, còn thầy trò chúng tôi luôn phải gồng mình lên làm quen với những đổi mới ấy. 

Đáng buồn ở chỗ khi mà chúng tôi còn chưa quen, còn lạ lẫm với những đổi mới năm nay thì có thể năm sau hoặc năm sau nữa sẽ lại có những đổi mới khác. Và tôi nhận thấy mình đang có những bước nhảy lỗi nhịp.

Xưa nay người ta thường đánh giá chất lượng qua kết quả, qua danh hiệu. Để rồi có lúc tôi cảm thấy mình đang bị điều khiển, giật dây bởi những đổi mới. Vì vậy trước khi ứng dụng, tôi mong ngành hãy có những nghiên cứu khoa học, cần tính đến hậu quả. Hãy chín chắn trước khi được đưa vào thực tế, rập khuôn để tất cả thầy trò đều lúng túng như gà mắc tóc.

Thêm một chuyện nữa là trong những đổi mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, chúng ta rất nên học tập kinh nghiệm của nước ngoài. Nhưng học tập không có nghĩa là mang nguyên xi về nhà mình. 

Có thể mô hình này phù hợp với nước này nhưng lại chưa phù hợp và hiệu quả khi ứng dụng ở nước khác. Để rồi, hầu như các đề án đều "có vấn đề" khi về nước ta và chúng ta lại... loay hoay tiếp.

Phải chăng đã đến lúc ngành giáo dục nên dừng lại, tĩnh tâm và chiêm nghiệm các kết quả đạt được và những gì còn đang bỏ ngỏ? Và hơn hết, trước khi có những đổi mới nào đó, việc xây dựng lại lòng tin với xã hội, với thầy trò là vô cùng quan trọng.

Dễ mất niềm tin

Chúng tôi phải giữ niềm tin ra sao với ngành khi mà có quá nhiều thay đổi là có bấy nhiêu thất vọng? Tôi nghĩ học sinh chỉ có lòng tin với giáo viên khi chúng tôi đặt tâm huyết vào từng bài giảng. Thầy trò chúng tôi liệu có thể giữ mãi niềm tin, sự kỳ vọng bền vững với ngành giáo dục được hay không khi mà năm nay thay đổi thế này, năm sau rất có thể lại cải tiến khác? Những đổi mới tăng dần đều ấy làm khổ chúng tôi, rất dễ để mất niềm tin nơi chúng tôi!

Vì sao thu hồi đề án đổi mới thi THPT quốc gia 750 tỉ? Vì sao thu hồi đề án đổi mới thi THPT quốc gia 750 tỉ?

TTO - Trong khi chuyên gia góp ý đề án đổi mới thi THPT quốc gia 750 tỉ không có gì mới và không có tính bền vững, Bộ GD-ĐT nói đề án có vấn đề tài chính nên thu hồi.

PHI KHANH (Hà NộI)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên