22/06/2018 11:25 GMT+7

Mỗi nước một cách ngăn chặn và xử lý tin giả

TRẦN NGỌC LONG
TRẦN NGỌC LONG

TTO - Đức ban hành luật ngăn chặn tin giả, Pháp phạt tin giả hàng chục ngàn euro, Anh có lực lượng đặc nhiệm nhận dạng và xử lý tin giả... Google, Facebook, Twitter, Youtube cũng không được phép đứng ngoài cuộc.

Mỗi nước một cách ngăn chặn và xử lý tin giả - Ảnh 1.

Cảnh sát bưu chính ở Ý - Ảnh: ildolomiti.it

Tháng 9-2015, trên mạng xã hội lan truyền bức ảnh những người tị nạn Syria cầm cờ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tấn công cảnh sát Đức. Bức ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội của tối thiểu 7 nước gồm Đức, Pháp, Anh, Mỹ, Thụy Điển, Czech và Macedonia.

Thật ra đây là ảnh chụp người Hồi giáo biểu tình phản đối bọn cực hữu gần Düsseldorf (Đức) vào năm 2012. Kẻ phát tán bức ảnh cố tình đánh đồng người tị nạn với bọn khủng bố nhằm phản đối chính sách tiếp nhận người tị nạn của Đức.

Buộc xóa tin giả và phạt tiền

Đức là một trong số ít quốc gia châu Âu đã ban hành luật ngăn chặn tin giả. Đạo luật NetzDG có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 chú trọng ngăn chặn tin giả kích động hằn thù trên mạng xã hội như bức ảnh kể trên. Theo luật mới, người dùng có quyền xác minh và yêu cầu xóa thông tin vi phạm. Các mạng xã hội buộc phải xóa nội dung vi phạm trong 24 tiếng. Mạng xã hội vi phạm nghĩa vụ xóa và kiểm soát thông tin sẽ bị phạt đến 50 triệu euro.

Mỗi quý, mạng xã hội phải công bố báo cáo xử lý nội dung vi phạm, nếu không sẽ bị phạt đến 50 triệu euro. Luật không buộc xóa mọi bản sao chép của thông tin vi phạm vì quá phức tạp. Nạn nhân của nội dung vi phạm cũng có thể kiện trực tiếp tác giả ra tòa và thẩm phán có quyền yêu cầu công bố danh tính người vi phạm.

Bộ trưởng tư pháp Heiko Maas nhấn mạnh: "Quyền tự do ngôn luận không bảo vệ hành vi vu khống và tin đồn ác ý". Đảng cực hữu AfD và các đảng Xanh, Dân chủ tự do (FDP) và Die Linke đã chỉ trích luật NetzDG vi phạm nguyên tắc nhà nước pháp quyền. Chính phủ Đức đã cam kết sẽ xem xét lại đạo luật để tiếp tục điều chỉnh.

Tại Pháp, đạo luật năm 1881 về tự do báo chí đã quy định xử phạt đến 45.000 euro đối với hành vi xuất bản, phân phối hay sao chép tin giả. Hiện nay hạ viện đang tiếp tục xem xét dự luật chống tin giả trong thời gian bầu cử. Dự luật quy định cơ quan công tố hay người dùng đều có quyền yêu cầu thẩm phán chấm dứt phát tán tin giả trên mạng, Internet và mạng xã hội phải lập cơ chế để người dùng cảnh báo tin giả.

Twitter đã lên tiếng phản đối: "Chúng tôi là doanh nghiệp tư nhân nên không làm trọng tài phân biệt tin thật và tin giả. Giao nhiệm vụ này cho chúng tôi sẽ gây nguy hiểm cho nền dân chủ và làm suy yếu vai trò then chốt của truyền thông trong xã hội Pháp".

Trong trường hợp đó là tin giả, sau khi có quyết định của thẩm phán, sẽ xóa tin, xóa đường dẫn, đóng cửa tài khoản người dùng, thậm chí chặn cửa Internet.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

Mỗi nước một cách ngăn chặn và xử lý tin giả - Ảnh 3.

Ảnh người tị nạn Syria tấn công cảnh sát Đức đăng trên mạng vào tháng 9-2015 với ý đồ kích động hằn thù - Ảnh: France 24

Các sáng kiến chống tin giả

Tại Anh vào tháng 5-2017, quốc hội đã đề nghị thiết lập hệ thống xử phạt đối với mạng xã hội không xóa nội dung sai phạm trong kỳ hạn quy định. Đến tháng 1-2018, Chính phủ Anh thành lập một lực lượng đặc nhiệm mang tên "Đơn vị truyền thông an ninh quốc gia" làm nhiệm vụ nhận dạng và xử lý tin giả.

Nước Ý giao nhiệm vụ xử lý tin giả cho lực lượng cảnh sát bưu chính. Tháng 1-2018, cảnh sát bưu chính thành lập một trang web riêng để công dân báo tin giả. Tin giả sẽ được Trung tâm quốc gia chống tội phạm tin học xác minh, sau đó cảnh sát bưu chính sẽ công bố cải chính. Nếu tin giả vi phạm pháp luật, hồ sơ sẽ được chuyển sang tòa án. Hiện Quốc hội Ý đang xem xét dự luật về tin giả với mức phạt tù đến hai năm.

Trên phạm vi châu Âu, tháng 11-2017 Ủy ban châu Âu (EC) đã bắt đầu tổ chức tham vấn về chiến lược ngăn chặn tin giả. EC thông báo đến tháng 10-2018 các mạng xã hội và nền tảng công nghệ phải đạt được quy tắc ứng xử chống tin giả, sau đó EC sẽ quyết định các biện pháp bổ sung.

Nhiều tổ chức như Văn phòng châu Âu Các hiệp hội người tiêu dùng lấy làm tiếc vì EC không tấn công trực diện vào kiểu kinh doanh đếm lượt view kiếm thu nhập quảng cáo, một trong những nguyên nhân khiến tin giả hoành hành.

Mỗi nước một cách ngăn chặn và xử lý tin giả - Ảnh 4.

Bài viết kèm theo bức ảnh này cho biết Arnold Schwarzenegger phải ngủ ngoài đường sau khi nghỉ hưu - Ảnh: YouTube

Canada và Mỹ kiểm soát nhà mạng

Canada không ban hành đạo luật riêng về tin giả như Đức. Trước đây điều 181 Bộ luật hình sự quy định: người thực hiện hành vi cố ý công bố lời nói, câu chuyện hay tin tức là giả và có bản chất xâm hại lợi ích công cộng sẽ bị phạt tù đến hai năm. Song năm 1992, tòa án tối cao đã phán quyết điều 181 vi hiến. Dự luật sửa đổi Bộ luật hình sự đã hủy bỏ điều khoản này.

Dù vậy, còn nhiều văn bản khác điều chỉnh vấn đề tin giả như các điều luật Bộ luật hình sự, các quy định liên bang, các điều luật của các bang và các quy tắc hành nghề như quy tắc đạo đức nghề nghiệp của Hội Nhà báo Canada với quy định cấm tin giả truyền bá nội dung kích động hằn thù hay vu khống.

Tại Mỹ, người dân rất bất bình cho rằng Facebook "nhắm mắt làm ngơ" để tin giả xuất hiện tràn lan trong mùa bầu cử tổng thống năm 2016 nhằm thu lợi. Ví dụ báo lá cải The National Enquirer từng tung tin bà Hillary Clinton chỉ còn sống sáu tháng do mắc các bệnh ung thư não, xơ vữa động mạch và do rượu.

Hay mới đây ngày 16-4-2018, Facebook lại đăng tin giả ông Arnold Schwarzenegger, nguyên thống đốc bang California, phải ngủ ngoài đường vì một ông chủ khách sạn hứa dành cho ông phòng đặc biệt nhưng sau đó rút lời. Ảnh là ảnh thật ông Arnold đăng cho vui nhưng câu chuyện là tin vịt.

Chính phủ Mỹ ít can thiệp vào các doanh nghiệp nhưng vẫn cố tìm giải pháp ngăn chặn tin giả mà vẫn bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Facebook, Google và Twitter từng phải ra điều trần trước quốc hội. Giáo sư Nina Iacono Brown tại Đại học Syracuse (Mỹ) nhận định chính người dùng sẽ phải gây sức ép buộc mạng xã hội phải loại trừ tin giả.

Mạng xã hội đấu tranh với tin giả

Sau nhiều năm bị chỉ trích, giữa tháng 12-2017 Twitter đã ban hành quy định mới nhằm ngăn chặn các tài khoản cực đoan, kích động bạo lực. Cùng lúc đó, YouTube thông báo chính sách mới nhằm "bảo đảm vai trò xã hội và chính trị tích cực". Trong sáu tháng cuối năm 2017, YouTube đã xóa hơn 150.000 video có nội dung cực đoan hay bạo lực và khóa hàng trăm tài khoản.

Tháng 3-2017, Google đã cam kết kiểm duyệt các nội dung xấu. Tháng 1-2018, Facebook thông báo sẽ căn cứ vào mức độ tin cậy của người dùng để xếp loại các nguồn tin. Facebook cũng sẽ hợp tác với Ủy ban châu Âu chống tin giả và xóa các nội dung "bẩn" theo yêu cầu của Mỹ và Israel.

Báo chí vạch mặt tin giả: Chính xác quan trọng hơn độc quyền Báo chí vạch mặt tin giả: Chính xác quan trọng hơn độc quyền Nhà báo và tin giả: Chỉ cần tiền, nội dung không quan trọng Nhà báo và tin giả: Chỉ cần tiền, nội dung không quan trọng Nhà báo và tin giả: Lập lờ đánh lận con đen Nhà báo và tin giả: Lập lờ đánh lận con đen
TRẦN NGỌC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên