31/08/2023 10:22 GMT+7

Mở thêm 'phố hàng rong': Tăng sức hấp dẫn cho du lịch TP.HCM

Tại hội thảo Giải pháp quản lý và khai thác vỉa hè trên địa bàn TP.HCM vào ngày 30-8, nhiều chuyên gia cho rằng việc tổ chức các tuyến 'phố hàng rong' là một trong những biện pháp hiệu quả.

Đường Nguyễn Văn Chiêm được tổ chức thí điểm thành phố hàng rong ở quận 1, TP.HCM - Ảnh: C.TUẤN

Đường Nguyễn Văn Chiêm được tổ chức thí điểm thành phố hàng rong ở quận 1, TP.HCM - Ảnh: C.TUẤN

Tuổi Trẻ ghi lại một số ý kiến từ người dân, chuyên gia và cơ quan chức năng về vấn đề này.

* Ông Phạm Bình An (phó viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):

"Dòng chảy" kinh tế đa dạng

Vỉa hè không chỉ đơn thuần để bố trí hạ tầng kỹ thuật, cây xanh hay dành cho người đi bộ mà còn là nơi diễn ra "dòng chảy" về kinh tế gắn liền từ các hoạt động mua bán, dịch vụ đa dạng.

Theo ước tính, đóng góp từ kinh tế vỉa hè lên đến 15 - 20% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn - PV). Nhà nước đã có nhiều văn bản, giải pháp để quản lý vỉa hè với mục tiêu lớn nhất là xác lập trật tự đô thị, đảm bảo giao thông và tạo nguồn thu cho ngân sách, từ đó có thể nâng cấp vỉa hè và nhiều tuyến đường sá khác.

Quản lý và khai thác hiệu quả vỉa hè là một bài toán khó, không thể một sớm một chiều có ngay lời giải. Việc đưa các hoạt động diễn ra trên vỉa hè vào khuôn khổ sẽ đảm bảo trật tự mỹ quan đô thị. Vấn đề triển khai sẽ được làm từng bước chắc chắn, không nên chạy theo phong trào.

* TS Dư Phước Tân (chuyên gia về đô thị, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):

Thí điểm "phố hàng rong" quy mô lớn

TP.HCM nên tính đến việc quy hoạch các "phố hàng rong", giải quyết tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè.

Từ năm 2017, ở TP.HCM đã có hai "phố hàng rong" đầu tiên tại đường Nguyễn Văn Chiêm và công viên Bách Tùng Diệp (quận 1) với 27 gian hàng. Sau 6 năm triển khai, hai phố này hiệu quả nhưng quy mô nhỏ nên chưa tạo được tác động lớn. Tôi kiến nghị UBND TP thí điểm các mô hình "phố hàng rong" mới với quy mô lớn hơn.

TP.HCM cần thu phí sử dụng vỉa hè (như quyết định 32 của UBND TP.HCM có hiệu lực từ ngày 1-9). Điều này sẽ là giải pháp quan trọng để quản lý, khai thác vỉa hè trên địa bàn.

* PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng (khoa văn hóa học Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM):

Văn hóa quản lý đô thị chưa hiệu quả

Tôi đồng ý với quan điểm quy hoạch khu tập trung hàng rong, mô hình "phố hàng rong" cũng đảm bảo thu nhập, nâng cao đời sống người dân, vì con người và vì xã hội trong văn hóa quản lý đô thị.

Từ hai "phố hàng rong" ở Nguyễn Văn Chiêm và công viên Bách Tùng Diệp, chúng ta có thể thấy văn hóa quản lý đô thị thời gian qua chưa hiệu quả. TP.HCM phải có cách quản lý khoa học, kết hợp giữa luật và lệ, có thể tận dụng công nghệ vào quản lý.

* Ông Phan Đông Nhựt (chuyên viên phòng quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch, Sở Du lịch TP.HCM):

Tăng sức hấp dẫn cho du lịch TP.HCM từ vỉa hè

Việc ưu tiên phát triển không gian vỉa hè gần những điểm du lịch đặc trưng của TP.HCM là điều cần thiết. Chúng ta cần phải dung hòa hai chức năng của vỉa hè là không gian di chuyển và không gian trải nghiệm. Vỉa hè là yếu tố giúp gia tăng sức hấp dẫn cho du lịch của TP.HCM.

Nên vận dụng thêm đề án, quyết định của bộ ngành và ưu tiên phát triển tại các quận huyện đã có những đề án phát triển kinh tế đêm, như khu Phan Xích Long, khu Trung Sơn, trung tâm quận 1, 3... để có cơ chế ưu tiên. Từ đây, chúng ta có thể góp phần tạo hình ảnh, thương hiệu để quảng bá cho TP.HCM.

Nhiều quán ăn "phố ẩm thực" Phan Xích Long được tặng mã thanh toán không tiền mặtNhiều quán ăn 'phố ẩm thực' Phan Xích Long được tặng mã thanh toán không tiền mặt

Hàng loạt nhà hàng, quán ăn ở 'phố ẩm thực' Phan Xích Long (Phú Nhuận) vừa được tặng mã áp dụng phương thức thanh toán không tiền mặt hiện đại, tiện lợi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên