25/06/2023 11:28 GMT+7

Mở sàn cho trái phiếu riêng lẻ

Lần đầu tiên hơn 1.600 mã trái phiếu doanh nghiệp sẽ lên sàn vào đầu tháng 7, giúp nhà đầu tư có thêm nhiều lựa chọn mua bán trái phiếu. Tuy nhiên sàn này chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, người "tay mơ" không thể tham gia.

Sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ, kỳ vọng tăng tính minh bạch cho thị trường trái phiếu. Trong ảnh: nhóm nhà đầu tư họp với một doanh nghiệp phát hành trái phiếu, sau khi bị trì hoãn trả gốc và lãi - Ảnh: B.M.

Sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ, kỳ vọng tăng tính minh bạch cho thị trường trái phiếu. Trong ảnh: nhóm nhà đầu tư họp với một doanh nghiệp phát hành trái phiếu, sau khi bị trì hoãn trả gốc và lãi - Ảnh: B.M.

Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ được kỳ vọng sẽ giúp tăng tính minh bạch, nhưng để thị trường này phát triển bền vững thì cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa.

Hơn 1.600 mã trái phiếu lên sàn

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết đã xây dựng hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ, dự kiến vào tháng 7 sẽ chính thức khai trương, với hơn 1.600 mã TPDN riêng lẻ sẽ lên sàn. Hệ thống này có năng lực xử lý đạt 15.000 - 20.000 lệnh/giây, 20 - 30 triệu lệnh/phiên.

Ông Nguyễn Thế Minh, giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận định khi sàn trái phiếu riêng lẻ chính thức được vận hành, nhà đầu tư sẽ thuận tiện đặt lệnh mua - bán thông qua ứng dụng giao dịch trực tuyến, vừa tiết kiệm thời gian, lại có thêm nhiều lựa chọn, giảm chi phí.

Hàng chục năm nay, nhà đầu tư nếu muốn mua trái phiếu thường sẽ phải làm việc với đơn vị trung gian và bị ăn hoa hồng.

Ví dụ doanh nghiệp A phát hành trái phiếu với lợi suất 11%/năm, nhưng do mua qua công ty chứng khoán nên lợi suất nhà đầu tư thực nhận là 9%. Sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ đi vào hoạt động sẽ giúp nhà đầu tư giảm nhiều chi phí.

"Ở thị trường sơ cấp, nhà đầu tư rất sợ khi tài sản không có thanh khoản, không thể mua bán được, mất tính chủ động. Còn ở thị trường thứ cấp (lên sàn giao dịch), thanh khoản được cải thiện, rủi ro cũng giảm thiểu", ông Minh cho hay.

Ông Bùi Nguyên Khoa, trưởng nhóm vĩ mô - thị trường CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), cho biết trước đây nhà đầu tư mua qua công ty chứng khoán, ngân hàng; việc mua bán dựa trên lượng hàng là các trái phiếu có trong "kho hàng" và cũng phải chờ đến ngày nhà phát hành thanh toán cả gốc lẫn lãi. Nếu đưa lên sàn giao dịch tập trung, nhà đầu tư có thể mua bán với nhau.

Trong trường hợp cần thiết có thể chấp nhận giảm giá, tăng thanh khoản, ít nhất vẫn có cửa "rút".

Ông Phan Lê Thành Long, chuyên gia tài chính doanh nghiệp, giải thích trước đây nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp thì phải đợi đến khi đáo hạn mới thu được lãi và gốc. Chưa kể có trường hợp doanh nghiệp không trả được như cam kết sẽ rất rủi ro. "Còn bây giờ khi lên sàn các cá nhân có thể mua bán trái phiếu với nhau.

Trường hợp doanh nghiệp làm ăn không tốt người nắm giữ trái phiếu có thể giảm giá để rút vốn. Sẽ có những nhà đầu tư mạo hiểm thấy mức "cắt lỗ" đủ cao sẽ "ôm" với kỳ vọng công ty làm ăn tốt và giá trái phiếu tăng lên", ông Long giải thích.

Ông Long lưu ý nhà đầu tư chuyên nghiệp mới được tham gia giao dịch. Đồng thời chỉ các trái phiếu phát hành sau thời điểm nghị định 153 có hiệu lực mới được lên sàn.

"Kỳ vọng lớn nhất với sàn giao dịch trái phiếu là tạo thanh khoản cho thị trường thứ cấp, khôi phục dần niềm tin, giảm rủi ro cho nhà đầu tư. Điều này sẽ khuyến khích dòng tiền quay lại", ông Long cho hay.

Vẫn cần giám sát phát hành trái phiếu

Theo các chuyên gia, hậu quả của các trái phiếu "ba không" (không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán) phát hành tràn lan và lỏng lẻo, bị bán với giá ảo, gây rủi ro cho nhà đầu tư vẫn còn đến nay.

Năm 2022 phát hành TPDN riêng lẻ giảm gần 45% so với năm trước, đạt 337.000 tỉ đồng. Lũy kế năm tháng đầu năm 2023, tổng giá trị phát hành TPDN chỉ đạt gần 34.260 tỉ đồng (giảm 67% so với cùng kỳ năm ngoái).

TS Nguyễn Hữu Huân, trưởng bộ môn thị trường tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM, nhận định thực trạng doanh nghiệp phát hành trái phiếu một cách bất chấp, huy động vốn bằng mọi giá, vượt qua lằn ranh pháp luật, không được cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ... đã khiến không ít nhà đầu tư rơi vào cảnh bế tắc.

Vì vậy bên cạnh việc phát triển hệ thống giao dịch mua bán trái phiếu, cần thêm nhiều quy định chặt chẽ hơn nữa, nâng cao điều kiện phát hành TPDN, xử phạt nặng những doanh nghiệp "ăn không nói có" để tuồn trái phiếu dỏm, trái phiếu rác vào thị trường.

Theo quy định tại nghị định số 65, doanh nghiệp phải đăng ký giao dịch trái phiếu đã phát hành trên hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ của sở giao dịch chứng khoán.

Tuy nhiên, lưu ý rằng việc đăng ký này không xác nhận hay đảm bảo tính hợp pháp của đợt chào bán trái phiếu của doanh nghiệp, cũng như việc trả đầy đủ lãi và gốc.

Doanh nghiệp phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ..., đồng thời phải giải thích cho nhà đầu tư về các rủi ro pháp lý, rủi ro đầu tư, rủi ro sử dụng vốn.

Khi sàn giao dịch ra đời, các doanh nghiệp có thêm cơ hội để huy động vốn từ kênh trái phiếu, đến kỳ đáo hạn mới phải trả gốc, hoặc một năm mới trả lãi một lần, bớt gánh nặng tài chính như vay ngắn hạn ngân hàng để tài trợ cho dự án dài hạn.

Ông Phạm Hồng Sơn, phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, cho biết đánh giá cao những nỗ lực của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam khi gấp rút xây dựng hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ trong khoảng thời gian ngắn, giữa lúc thị trường này đang "nóng".

Ông Sơn kỳ vọng sau khi hệ thống chính thức vận hành, thị trường TPDN sẽ ngày càng hoạt động hiệu quả, minh bạch, ổn định và phát triển bền vững.

Ông Trương Hiền Phương, giám đốc cấp cao Công ty chứng khoán KIS Việt Nam, cho rằng bên cạnh những lợi ích của sàn giao dịch trái phiếu đem lại thì tránh để sàn rơi vào cảnh giao dịch lèo tèo, cần minh bạch, các thông tin phát hành của doanh nghiệp phải rõ ràng đầy đủ, được xếp hạng.

Thứ hai phải đảm bảo tính công bằng với khung pháp lý hoàn thiện, bảo vệ nhà đầu tư, tăng tính giám sát.

Chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp

Quy định tại nghị định 63, nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp cần đảm bảo danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch phải đạt giá trị bình quân tối thiểu 2 tỉ đồng trong thời gian tối thiểu sáu tháng liền kề, không bao gồm giá trị vay ký quỹ và giá trị chứng khoán thực hiện giao dịch mua bán lại.

Kết quả xác nhận nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp sẽ có giá trị trong vòng ba tháng kể từ ngày xác định.

Đề xuất Chính phủ cho phép doanh nghiệp thanh toán trái phiếu bằng tài sản khácĐề xuất Chính phủ cho phép doanh nghiệp thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác

Đó là đề xuất rất đáng chú ý của Bộ Tài chính trong dự thảo nghị định sửa đổi nghị định 65 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ nhằm tháo gỡ khó khăn trước mắt về thanh khoản của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên