15/10/2023 13:35 GMT+7

Mẹ và con và những chiếc xe đạp

Lần đầu đạp xe cuối tuần theo lời rủ rê của bạn, tôi bất ngờ khi cậu bạn bảo rằng: 'Biết trong đoàn mình có một cặp mẹ con đi cùng nhau không? Nhóc đó mới 12 tuổi, nhỏ tuổi nhất đoàn'.

Một chuyến du khảo bằng xe đạp của nhóm Saigon Morning Ride - Ảnh: HUỲNH VY

Một chuyến du khảo bằng xe đạp của nhóm Saigon Morning Ride - Ảnh: HUỲNH VY

1. "Lúc cu Tin vào lớp 6, khi họp phụ huynh, cô giáo bảo chị: thằng bé hay thiếu chú ý trong lớp học. Cô bảo có thể do con chơi các thiết bị điện tử nhiều quá nên ảnh hưởng đến sự tập trung của con.

Bởi vậy chị mới bắt đầu dành thời gian cho con chị. Hoạt động nào hay là hai mẹ con đưa nhau đi, nên sáng thứ bảy nào chị cũng ráng gọi con dậy sớm để đi đạp xe cùng đoàn mình nè".

Cuộc trò chuyện giữa chị với tôi diễn ra gần nửa năm trước trong một chuyến đi khám phá Sài Gòn.

Khi gặp hai mẹ con chị, tôi đã ngỡ họ là hai chị em. Người mẹ thuộc thế hệ 8X, luôn trẻ trung với mái tóc ngắn ngang vai uốn dập li nhuộm màu nâu cà phê, áo thun sọc xanh hồng và quần jeans ống rộng. Đứng bên cạnh chị, chúng tôi không bao giờ thiếu chuyện để nghe ngóng. Ngược lại, cậu con trai lại lầm lì, chỉ nói nhiều với những người anh trong đoàn về những sở thích của mình.

Nhà ở quận Bình Tân, nhưng cả hai vẫn ráng dậy sớm để tham gia cùng mọi người. Chủ nhật, chị đưa con về nhà nội để săn sóc người mẹ chồng gặp khó khăn sinh hoạt sau cơn tai biến.

Thông thường, con trai chị đạp nhanh hơn và vượt trước cả chị. Còn chị đạp cuối đoàn, vui vẻ huyên thuyên với những người lớn khác trong đoàn. Chỉ khi nào có sự cố, tôi mới thấy họ tương tác với nhau như hai mẹ con.

Như trong buổi cả đoàn cùng khám phá khu Chợ Lớn, một câu chuyện xảy ra khiến tôi hiểu được bản năng của người mẹ mạnh mẽ thế nào. Bé Tin vì mải chơi, thích thử thách mạnh đã đạp một mạch từ quận 10 đến tận hội trường Thống Nhất. Lúc cả đoàn dừng lại đếm sĩ số mới phát hiện sót thằng bé, khỏi nói chị đã hốt hoảng đến mức nào.

Chị cùng bạn tôi đi tìm con. Khi gặp được nhau, hai mẹ con giận nhau, nên không nói gì. Nhưng tuần sau đó, chúng tôi lại thấy họ có mặt ở điểm tập trung, người mẹ vẫn tươi tắn và cậu con trai "mặt quạu" vì ngái ngủ.

Quan sát họ đủ lâu, tôi nhận ra sự thú vị về tương tác giữa hai mẹ con. 

Rằng cả hai vẫn có sự bất đồng như cách của mẹ con tôi nhiều năm trước, nhưng họ đều nỗ lực tận hưởng cuộc vui. Một người mẹ bất chấp sức khỏe để đi vì con mình, và một đứa trẻ dù cau có, nổi loạn, ghét bị mẹ chụp hình đến mức nào cũng gắng gượng đi để mẹ vui.

2. Ở độ tuổi của cu Tin, tôi nhớ mình cũng từng là cô bé cáu kỉnh như thế. So với bây giờ, thời của tôi ít thông tin về những trải nghiệm thú vị như vậy. Do đó, tôi toàn được bảo bọc trong nhà, những buổi đi chơi trong gia đình vẫn diễn ra đều đặn hằng tháng, nhưng đó cũng chỉ dừng lại ở những bữa ăn tại nhà hàng, sắm sửa quần áo cho hai chị em. 

Những đối thoại giữa hai mẹ con chỉ toàn là cãi vã xung quanh chuyện học hành và vấn đề hoạt động ngoại khóa.

Tôi ít thể hiện tình cảm với mẹ qua những cái ôm cái chạm, cũng như không bao giờ khóc với mẹ của mình. Nhưng tôi vẫn cảm nhận những nỗ lực mẹ dành cho tôi. Đó là mùa hè năm lớp 6, vào một buổi tối trong chuyến đi chơi Nha Trang, mẹ quyết cho tôi tập chạy xe đạp cho bằng được trên con đường vắng.

Tôi vốn quen tập với chiếc xe cào cào Martin 107, nên khi mẹ bảo dùng chiếc xe có kiểu tay lái và phần thắng khác biệt, tôi đã từ chối một cách khó chịu với mẹ.

Và chỉ sau hai buổi tối, tôi đã có thể về Sài Gòn chạy xe vòng quanh khu cư xá một cách suôn sẻ. Chính sự kiên định, lòng dứt khoát của mẹ đã tiếp sức mạnh cho tôi, trong khi trước đó tôi không thể tự đạp một mình nếu không có cha hay chị giúp việc chạy phía sau bám tay vịn chắc vào yên.

3. Kỳ diệu thay, chiếc xe đạp và những chuyến đi lại là chất keo hàn gắn tình cảm giữa hai thế hệ.

Thời tôi lớn lên, không có nhiều thông tin hướng dẫn về cách làm cha làm mẹ tốt hơn, hay lời tâm tình thấu hiểu của giáo viên trong những buổi họp phụ huynh, nhưng bằng cách nào đó, mẹ vẫn cố gắng để cho tôi có những trải nghiệm thử sức cho mình.

Những đứa bạn trạc tuổi tôi - từng trải qua thời kỳ nổi loạn với đủ kiểu nghịch phá và kiểu tóc thời thượng, khi có con đều kỳ vọng có thể thấu hiểu và làm bạn với con. Nhưng dù thế hệ sau đã cập nhật nhiều kiến thức, có thêm nhiều cơ hội khám phá thế giới, những bất đồng vẫn có thể xảy ra. Và tôi tin rằng sau những trải nghiệm vui chơi ấy, những lần va vấp thật sự chính là cách họ hàn gắn với nhau.

Nhiều lúc tôi đã cố gắng rủ mẹ đạp xe cùng, nhưng mẹ từ chối vì mẹ chỉ thoải mái khi ở cùng người thân quen. Mẹ bắt đầu niềm vui với việc hằng ngày đạp xe và chạy bộ một mình trong công viên, còn tôi mải bận rộn với những dự định dang dở, mang hy vọng rằng mình sẽ ổn để có thể đãi mẹ một chuyến đi.

Nếu chiếc xe đạp với thế hệ xưa gắn liền với việc mưu sinh, thì xe đạp ngày nay lại là công cụ để rèn luyện sức khỏe, đi thăm thú. Nhưng cuối cùng, nó lại là phương tiện gián tiếp để hai thế hệ gắn kết với nhau.
Cha mẹ ngày càng lớn tuổi: Con cái phải hiểu để thương và chia sẻCha mẹ ngày càng lớn tuổi: Con cái phải hiểu để thương và chia sẻ

Cha mẹ ngày càng lớn tuổi, sức khỏe sẽ giảm sút, cách ứng xử sinh hoạt không như trước, trong nhiều hoàn cảnh có thể dẫn đến cảm giác bi quan, buồn nản. Và con cái cũng không dễ dàng để vừa thấu hiểu cha mẹ, vừa giữ tâm mình nhẹ nhõm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên