28/02/2021 13:15 GMT+7

Martin Scorsese chỉ trích: Điện ảnh đang ngày càng mất giá?

LÂM LÊ
LÂM LÊ

TTO - Trong một bài tiểu luận xuất sắc mới đây về di sản điện ảnh của Federico Fellini - nhà làm phim huyền thoại người Ý, đạo diễn người Mỹ Martin Scorsese đã cảnh báo rằng điện ảnh ngày hôm nay đang ngày càng mất đi những giá trị kỳ diệu của nó.

Martin Scorsese chỉ trích: Điện ảnh đang ngày càng mất giá? - Ảnh 1.

Cảnh trong bộ phim kinh điển La Dolce Vita của Federico Fellini - Ảnh: IMDb

Ở tuổi 79, Martin Scorsese đang bắt tay thực hiện bộ phim mới nhất của mình Killers of the Flower Moon với sự tham gia của hai diễn viên quen thuộc trong phim của ông trước đây là Robert DeNiro và Leonardo DiCaprio.

Đây là dự án điện ảnh được Apple TV+ đầu tư với số tiền khổng lồ (hơn 200 triệu USD) để phát trên nền tảng trực tuyến và chiếu rạp. Bộ phim gần đây nhất của ông là The Irishman cũng tiêu tốn tới 175 triệu USD và do một nền tảng trực tuyến khác là Netflix bỏ vốn sản xuất.

Martin Scorsese chỉ trích: Điện ảnh đang ngày càng mất giá? - Ảnh 2.

Martin Scorsese khởi quay Killers of the Flower Moon

Mất giá vì nội dung

Kỳ lạ thay, Martin Scorsese lại là người chỉ trích các nền tảng chiếu phim trực tuyến đang góp phần làm... mất giá điện ảnh, bởi các thuật toán gợi ý xem phim cho khán giả và hầu hết chỉ xoay quanh "content" (nội dung).

"Cách đây 15 năm, thuật ngữ "nội dung" chỉ được nghe đến khi mọi người thảo luận về điện ảnh với một mức độ khá nghiêm túc, và nó được so sánh và đo lường với hình thức (form).

Sau đó, nó dần dần được sử dụng ngày càng nhiều bởi những người tiếp quản các công ty truyền thông, hầu hết trong số đó không biết gì về lịch sử của các loại hình nghệ thuật, hoặc thậm chí đủ quan tâm để nghĩ rằng điều gì họ nên làm" - Martin Scorsese viết trong bài tiểu luận dài gần 5.000 từ mới đăng trên tạp chí Harper’s.

Trong thời đại truyền thông và quảng cáo mà "content is king" (nội dung là vua), Scorsese cho rằng "nội dung" đã trở thành một thuật ngữ kinh doanh chung cho tất cả các hình ảnh chuyển động: từ những bộ phim kinh điển của David Lean đến các video về mèo, từ các quảng cáo ấn tượng về Super Bowl đến phần tiếp theo của một loạt phim siêu anh hùng, hay một bộ phim truyền hình dài tập.

Và tất cả chúng đều có thể xem trên các nền tảng phát trực tuyến tại nhà thay vì các rạp chiếu như trước đây.

Ông cho rằng một mặt điều này có lợi cho các nhà làm phim, kể cả bản thân ông. Nhưng mặt khác, nó đã tạo ra một tình huống trong đó tất cả nội dung đều được dọn sẵn cho người xem trên một sân chơi bình đẳng, nghe thì có vẻ dân chủ nhưng thực ra không phải vậy.

Bởi các thuật toán "gợi ý" dựa trên những gì bạn đã xem và các đề xuất chỉ dựa trên chủ đề hoặc thể loại, thì điều đó có ảnh hưởng gì với bộ môn nghệ thuật thứ 7?

Martin Scorsese chỉ trích: Điện ảnh đang ngày càng mất giá? - Ảnh 3.

Ký họa chân dung Fellini

Vào thập niên 1960, Fellini đã vượt xa hơn giới hạn của một đạo diễn điện ảnh. Giống như Chaplin, Picasso hay The Beatles, đôi khi ông còn vĩ đại hơn các kiệt tác của mình. Những bộ phim của ông không còn đứng độc lập mà hòa vào nhau để tạo thành một thứ ánh sáng rực rỡ trong dải ngân hà điện ảnh.

Martin Scorsese

Fellini: một tượng đài của điện ảnh

Trong khi các nhà làm phim ngày nay đang trăn trở với câu hỏi "Điện ảnh là gì?", họ lại tiếp tục ném mình vào bộ phim tiếp theo để tìm câu trả lời.

Trong khi đó, những bậc thầy điện ảnh trước đây như Godard, Bertolucci, Antonioni, Bergman, Imamura, Ray, Cassavetes, Kubrick, Varda và Warhol đã sáng tạo lại ngôn ngữ điện ảnh với từng chuyển động của máy quay hay cách cắt dựng mới.

Còn các nhà làm phim huyền thoại trước đó nữa như Welles, Bresson, Huston, Visconti... đã tạo ra hào quang nhờ sức sáng tạo kỳ diệu xung quanh họ.

"Nhưng đứng ở vị trí trung tâm của tất cả các thiên tài nói trên, có một người đạo diễn mà tên tuổi của ông được xem là từ đồng nghĩa với "điện ảnh". Một nghệ sĩ sáng tạo cho ta thấy điện ảnh có thể làm được gì.

Chỉ cần nhắc đến tên ông là khán giả có thể mường tượng đến một phong cách đặc trưng, một thái độ, một nhãn quan độc đáo với thế giới xung quanh ông. Thậm chí tên của ông đã trở thành một tính từ: Felliniesque" - Scorsese viết tiếp.

Trong bài tiểu luận, Martin Scorsese tiếp tục tri ân những sáng tạo mang tính biểu tượng và phá vỡ giới hạn của Federico Fellini, từ những bộ phim mang màu sắc "tân hiện thực" giai đoạn đầu như La Strada, Nights of Cabiria, I Vitelloni đến những bộ phim nghệ thuật được gọi là "art films" như La Dolce Vita, 8/12 và các bộ phim mang màu sắc cá nhân độc đáo của ông ở giai đoạn cuối sự nghiệp.

Martin Scorsese cho rằng người đứng ngang hàng với Fellini ở thập niên 1960 có lẽ chỉ là Hitchcock, nhưng ông vẫn là một cá tính không trộn lẫn. Fellini là một tượng đài của điện ảnh.

Martin Scorsese chỉ trích: Điện ảnh đang ngày càng mất giá? - Ảnh 5.

Bài báo trên The New York Times của Martin Scorsese

"Điện ảnh là một kho báu trong nền văn hóa"

Bài tiểu luận đặc sắc của Martin Scorsese gợi nhớ đến một bài báo gây tranh cãi khác của ông trên tờ New York Times vào cuối năm 2019, khi ông giải thích tại sao các bộ phim siêu anh hùng của Marvel giống như các công viên chủ đề hơn là các tác phẩm điện ảnh.

Ông cũng không ngần ngại đánh giá ngành công nghiệp điện ảnh ngày nay đã không còn là một bộ môn nghệ thuật thuần túy và thậm chí "đang làm hỏng nền văn hóa của chúng ta".

Bên cạnh những lời cảnh báo và chỉ trích, vốn là một người nghệ sĩ sáng tạo không ngừng nghỉ và đóng góp vào ngôi nhà chung điện ảnh, Scorsese cũng không quên kêu gọi phục hồi ngành công nghiệp điện ảnh chạy theo nội dung và bỏ quên hình thức, mặc dù ông biết rằng ngành công nghiệp điện ảnh "giờ là ngành kinh doanh giải trí phục vụ cho đại chúng".

"Mọi thứ đã thay đổi - rạp chiếu phim và tầm quan trọng của nó trong nền văn hóa của chúng ta. Tất nhiên, không có gì đáng ngạc nhiên khi các nghệ sĩ như Godard, Bergman, Kubrick và Fellini, những người từng trị vì loại hình nghệ thuật tuyệt vời như các vị thần của chúng ta, cuối cùng sẽ chìm vào bóng tối theo thời gian" - Scorsese viết.

Nhưng như thế không có nghĩa chúng ta coi đó là điều hiển nhiên. Bên cạnh việc bảo vệ các rạp chiếu trước làn sóng mạnh mẽ của các nền tảng trực tuyến xem phim tại gia, những nghệ sĩ đích thực và những người hiểu và yêu phim nên chia sẻ tình yêu và kiến thức về điện ảnh với càng nhiều người càng tốt.

"Điện ảnh là một trong những kho báu lớn nhất của nền văn hóa của chúng ta và chúng phải được đối xử trân trọng" - Martin Scorsese khép lại bài viết.

Martin Scorsese là một đạo diễn điện ảnh kỳ cựu của điện ảnh Mỹ đương đại. Ông sinh năm 1942 và bắt đầu sự nghiệp ở cuối thập niên 60, thành danh từ thập niên 70 của thế kỷ trước.

Trong gần 6 thập niên hoạt động điện ảnh, ông đã cống hiến hàng loạt bộ phim xuất sắc, nhiều trong số đó được công nhận là những kiệt tác điện ảnh đương đại như Taxi Driver (1975), Raging Bull (1980), Goodfellas (1992) và Wolf of a Wall Street (2013).

Cô Vị - Little Big Women - Hay những phụ nữ bình thường vĩ đại Cô Vị - Little Big Women - Hay những phụ nữ bình thường vĩ đại

TTO - Phim Cô Vị có tên tiếng Anh Little Big Women như một hồi âm đến bộ phim kinh điển The Little Women. Cả hai cùng kể một câu chuyện về những người phụ nữ ngoan cường trong thế giới thiếu vắng đàn ông.

LÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên