13/08/2012 08:30 GMT+7

Mạnh dạn xóa quy hoạch "treo"

 TS Võ Hùng Dũng(giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp VN chi nhánh Cần Thơ)
 TS Võ Hùng Dũng(giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp VN chi nhánh Cần Thơ)

TT - Nhiều địa phương nghĩ rằng phải có khu công nghiệp (KCN) mới dễ kêu gọi đầu tư để phát triển kinh tế và để không thua các tỉnh lân cận. Đây là quan niệm sai bởi KCN không phải là điều kiện nhất thiết phải có để thu hút đầu tư, không phải loại nhà máy nào cũng phải nằm trong KCN.

Do thiếu quy hoạch tổng thể nên đã xảy ra tình trạng lộn xộn kiểu mạnh ai nấy làm và hầu như các tỉnh đều thừa KCN. Rất nhiều quy hoạch vẫn còn trên giấy không thể triển khai.

Những nơi đã công bố quy hoạch, người dân không thể chuyển đổi mục đích sử dụng, chuyển nhượng, thế chấp vay tài sản… nên rất khó khăn trong phát triển sản xuất, thậm chí phải ngưng canh tác, từ đó có tâm lý bất an. Họ là nạn nhân thiệt thòi nhất khi đất bị quy hoạch mà sử dụng không hiệu quả. Về phía Nhà nước, dùng ngân sách làm quy hoạch, bồi thường giải tỏa rồi mà không triển khai xây dựng rõ ràng là lãng phí lớn. Xây dựng KCN xong rồi mà không thể thu hút doanh nghiệp vào đầu tư nhà máy phải để trống cũng lãng phí tài nguyên đất đai.

Gần đây sau khi có chủ trương giữ diện tích lúa 3,8 triệu ha, tại một số tỉnh còn xuất hiện tình trạng tranh thủ quy hoạch thêm KCN hoặc cụm công nghiệp vì sợ sau này xin khó, không có đất làm KCN. Tình trạng chạy đua ngầm tăng dịch chuyển đất sang làm KCN lại chưa được giám sát, kiểm soát chặt chẽ.

Đúng là có quan niệm nếu không chuyển sang làm công nghiệp mà cứ duy trì diện tích trồng lúa lớn thì người dân mãi nghèo. Ngân hàng Thế giới cho rằng việc duy trì diện tích trồng lúa quá lớn cũng không cần thiết, mà chỉ cần tập trung giữ những vùng đất sản xuất có hiệu quả, cho sản lượng cao. Theo tôi, nên giữ nguyên diện tích trồng lúa ở những nơi có hiệu quả cao nhằm đảm bảo an ninh và xuất khẩu lương thực.

Những vùng này cần đầu tư đầy đủ, thích đáng để tập trung sản xuất lúa năng suất cao và chất lượng tốt. Số diện tích đất còn lại không nhất thiết chuyển qua làm công nghiệp mà phải dành cho phát triển nhiều ngành nghề sản xuất có lợi thế cạnh tranh cao. Quy hoạch cần nhìn xa trông rộng, chỉ nên làm KCN ở một số nơi đất xấu, hiệu quả sản xuất kém, được dân đồng tình, chứ không nên làm tràn lan.

Tuy nhiên, hiện nay có hiện tượng chần chừ chưa dám sửa sai trong quy hoạch KCN. Nhiều tỉnh đã thấy quy hoạch “treo” quá lâu gây bức xúc trong dân, nhưng nhiều vị lãnh đạo hiện tại sợ đụng chạm với các vị lãnh đạo trước đây đã lỡ quy hoạch như vậy rồi nên chưa mạnh tay xóa quy hoạch.

Quy hoạch mà gây lãng phí tài nguyên đất đai thì không nên khư khư giữ làm gì. Trong suy thoái kinh tế hiện nay mỗi địa phương cần làm tốt công tác dự báo để điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế cho phù hợp. Nơi nào chứng minh được quy hoạch khả thi thì tiếp tục thực hiện, nhưng cần đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư. Nơi nào chưa san lấp mặt bằng thì mạnh dạn xóa bỏ quy hoạch, không nên để cuộc sống người dân tiếp tục bị “treo” do quy hoạch “treo” kéo dài.

Càng bám giữ quy hoạch không khả thi càng lãng phí nguồn lực xã hội và người dân càng thiệt thòi, bức xúc.

 TS Võ Hùng Dũng(giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp VN chi nhánh Cần Thơ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên