09/11/2018 14:28 GMT+7

Lợi dụng sự nổi tiếng quảng cáo sai quy định

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Thực tế này vừa đươc PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm (ATTP) Bộ Y tế cho biết tại hội nghị sơ kết công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại TP.HCM sáng 9-11.

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm (ATTP) Bộ Y tế nói về thực trạng quảng cáo sản phẩm bát nháo trên mạng.

Theo ông Phong, hiện nay tình trạng vi phạm trong quảng cáo sản phẩm trên các trang mạng khá phổ biến. Có một thực tế hiện nay là việc mở một trang web khá dễ, bất kỳ cá nhân nào cũng có thể mở được để bán hàng online.

Quy định hiện nay 90% sản phẩm liên quan đến bảo vệ sức khỏe phải tự công bố và 10% phải qua đăng ký nhưng thực tế có sản phẩm dù chưa được công bố, chưa đăng ký vẫn vô tư quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội.

"Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là không thể xử lý được những người quảng cáo mà chỉ xử lý được sản phẩm. 

Có trường hợp rõ ràng sản phẩm của công ty họ quảng cáo nhưng khi mời lên làm việc họ không thừa nhận trang web quảng cáo đó là của họ bởi do một cá nhân đứng tên" - ông Phong nói.

Lợi dụng sự nổi tiếng quảng cáo sai quy định - Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm (ATTP) Bộ Y tế trả lời báo chí tại TP.HCM sáng 9 - 11 - Ảnh: HOÀNG LỘC

Qua thanh tra, kiểm tra và công tác hậu kiểm, Cục ATTP phát hiện rất nhiều vụ vi phạm của tổ chức, cá nhân. Tính đến hết tháng 10-2018, Cục ATTP ra quyết định xử phạt 99 công ty với số tiền gần 6 tỉ đồng, thu hồi hàng trăm giấy phép. 

Trong đó, chủ yếu là vi phạm về quảng cáo trên các trang mạng xã hội và các trang web. Quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh, thậm chí như "thần dược". Đó là những hành vi vi phạm pháp luật. 

"Thậm chí có những nhân vật nổi tiếng, nhân vật của công chúng có ảnh hưởng đối với cộng đồng đứng ra để quảng cáo cho sản phẩm trong khi không biết rõ bản chất sản phẩm hoặc hiệu quả không đến mức như quảng cáo" - ông Phong nhấn mạnh.  

Giải pháp trước mắt đối với các trường hợp này, Cục ATTP chuyển nội dung qua Bộ thông tin  - Truyền thông xử lý.

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm (ATTP) Bộ Y tế nói về việc một số người nổ tiếng quảng cáo sản phẩm trên mạng - Thực hiện: HOÀNG LỘC

"Trong quá trình chờ đợi xử lý chúng tôi công khai mọi thông tin liên quan đến đơn vị, sản phẩm vi phạm trên trang web của đơn vị đề nghị người dân không mua các sản phẩm của họ" - ông Phong nói.

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong cho biết tình hình ngộ độc thực phẩm tính đến cuối tháng 10- 2018 cả nước xảy ra 91 vụ khiến 2.710 người bị ngộ độc, có 15 người tử vong.

So với cùng kỳ năm 2017, ngộ độc thực phẩm giảm đáng kể cả số vụ, số người bị ngộ độc và số người tử vong. Tuy vậy ngộ độc rượu vẫn là nguy cơ lớn khi năm 2017 tỉ lệ tử vong rất cao bởi các loại rượu ngâm các loại rễ rừng không rõ nguồn gốc, ngộ độc do nấm độc.  

Tiết kiệm 7.754 ngày công và trên 3000 tỉ đồng

Theo Cục ATTP Nghị định 15 ra đời thay thế Nghị định 38 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều Luật ATTP tạo nên bước đột phá, thay đổi căn bản trong phương thức quản lý thực phẩm.

Nghiên cứu của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng chỉ với việc được quyền tự công bố sản phẩm đối với đa số nhóm sản phẩm hàng hóa và thay đổi phương thức kiểm tra chuyên ngành doanh nghiệp tiết kiệm được khoảng 7.754 ngày công và trên 3000 tỉ đồng.

Nghị định cắt giảm nhiều thủ tục đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm…tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển kinh doanh.

Ngoài ra, thu gọn quản lý về quảng cáo thực phẩm, có đến 90% sản phẩm thực phẩm không cần đăng ký nội dung quảng cáo mà chỉ tập trung nguồn lực tiền kiểm các sản phẩm nguy cơ cao như thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi và phụ gia thực phẩm hỗn hợp.

    HOÀNG LỘC
    Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
    Bình luận (0)
    thông tin tài khoản
    Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên