11/10/2017 07:48 GMT+7

Lo ngại Trung Quốc, Ấn Độ nhảy vào châu Phi

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Trước các động thái đẩy mạnh sự hiện diện về mặt kinh tế và quân sự của Trung Quốc hiện nay, Ấn Độ quyết tâm tăng cường ảnh hưởng tại châu Phi.

Lo ngại Trung Quốc, Ấn Độ nhảy vào châu Phi - Ảnh 1.

Ông Ram Nath Kovind trong sự kiện tuyên thệ trở thành tổng thống thứ 14 của Ấn Độ tại dinh tổng thống Rashtrapati Bhavan ở New Delhi ngày 25-7-2017 - Ảnh: REUTERS

Có thể thấy chính quyền Thủ tướng Narendra Modi đang ngày càng tích cực trong việc tạo dựng hình ảnh của Ấn Độ tại châu Phi, nơi các nước lớn từng bước tranh giành ảnh hưởng suốt những năm qua, đặc biệt là Trung Quốc, theo báo Diplomat.

Lo ngại tại lục địa đen

Tuần rồi Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind đã đến châu Phi trong khuôn khổ chuyến thăm khu vực đầu tiên với vai trò tổng thống và điểm đến của ông là Djibouti và Ethiopia. Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết "châu Phi được chọn làm điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài của tổng thống".

Điều này cho thấy tầm quan trọng của lục địa đen ngày càng được nhìn nhận bởi chính phủ đương nhiệm của Ấn Độ.

Trong đó, Djibouti nổi lên là một quốc gia có vị trí chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương. Việc xây dựng căn cứ hải quân và cũng là căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc ở Djibouti đã tạo ra vô số lo ngại cho Ấn Độ. 

Căn cứ này được xem là chiếc đòn bẩy để Trung Quốc giảm các giới hạn còn tồn tại trong chính sách ngoại giao toàn cầu của mình cũng như khẳng định hình ảnh của Trung Quốc tại châu Phi về mặt quân sự.

Về mặt chính thức, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hồi năm 2016 khẳng định căn cứ trên là một phần trong chính sách của Trung Quốc nhằm "giữ một vai trò mang tính xây dựng trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế cũng như tạo môi trường an ninh và ổn định cho  sự phát triển của Trung Quốc ở nước ngoài", đồng thời để "đảm nhận nhiều hơn các nhiệm vụ an ninh quốc tế".

Djibouti tọa lạc tại cửa ngõ phía nam của biển Đỏ. Quốc gia này nằm giữa Ethiopia, Eritrea và Somalia. Đây cũng là nơi có các căn cứ quân sự của Mỹ, Nhật và Pháp.

Chính phủ Trung Quốc xác nhận căn cứ trên đắt đầu được xây kể từ năm 2015. Đây sẽ là căn cứ hải quân đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài mặc dù Bắc Kinh ngoài mặt chính thức gọi đây là một cơ sở hậu cần. Hải quân Trung Quốc hôm 22-9 cũng vừa tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật đầu tiên tại căn cứ này.

Theo đánh giá của Hãng tin Reuters, với vị trí chiến lược nằm ở rìa Tây Bắc của Ấn Độ Dương, Djibouti đã khiến Ấn Độ lo lắng khi quốc gia châu Phi này trở thành một phần mới trong chiến lược "chuỗi ngọc trai" của Bắc Kinh, bủa vây New Delhi từ nhiều phía, trong đó có Bangladesh, Myanmar và Sri Lanka.

Lo ngại Trung Quốc, Ấn Độ nhảy vào châu Phi - Ảnh 2.

Lính thủy quân lục chiến Trung Quốc tham gia cuộc tập trận bắn đạn thật đầu tiên tại căn cứ ở Djibouti hôm 22-9 - Ảnh: HẢI QUÂN TRUNG QUỐC

"Hồ sơ đẹp"... nhưng "đạo đức kém"

Thật sự việc tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc tại châu Phi đang theo sau dấu chân kinh tế của nước này. Bắc Kinh đang ngày một hướng tới khái niệm về lợi ích toàn cầu và điều này buộc New Delhi phải tạo ra các cơ chế mới để đảm bảo các lợi ích đó không bị Trung Quốc thâu tóm.

Về phía Djibouti, nước này vẫn rất hoan nghênh sự hiện diện của Ấn Độ. Djibouti từng giúp Ấn Độ sơ tán các công dân khỏi Yemen khi tình hình chiến sự tiếp diễn tại Yemen hồi năm 2015. Trong khi đó, Ấn Độ lại có quan hệ truyền thống với Ethiopia. Ethiopia vẫn là nước nhận Hạn mức tín dụng (LOC) lớn nhất của Ấn Độ tại châu Phi. 

Cả hai quốc gia đều đóng vai trò quan trọng cho các bước đi đối trọng Trung Quốc của Ấn Độ tại châu lục này.

Tuy nhiên, có thể thấy chính sách viện trợ tài chính và quân sự của Bắc Kinh để tranh giành các mỏ dầu tại châu Phi đã đẩy Ấn Độ bị tụt về phía sau. Cuộc chiến kịch liệt giữa Trung Quốc và Ấn Độ để tranh giành các nguồn tài nguyên và năng lượng như tình cảnh xâu xé châu Phi bởi các nước châu Âu trong thế kỷ 19.

Mặc dù vậy, cuộc đọ sức này chỉ về mặt lý thuyết vì hiện Ấn Độ đã chậm hơn một bước so với Trung Quốc. Theo ông Harsh V. Pant, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Ban nghiên cứu quốc phòng và Viện Ấn Độ thuộc Đại học King (Anh), chính phủ Ấn Độ cần tích cực đầu tư tài lực cũng như các chiến lược hợp lý cho các công ty nước này nếu New Delhi muốn xóa bỏ khoảng cách với Trung Quốc xét về hình ảnh kinh tế tại châu Phi.

Mặc dù không tiến xa bằng Trung Quốc nhưng mô hình đối tác phát triển "không can thiệp" của Ấn Độ lại được yêu thích tại châu Phi hơn so với mô hình của Trung Quốc hiện nay.

Các báo cáo truyền thông gần đây cho biết các nhà kinh doanh Trung Quốc đang đối xử với công nhân châu Phi như thể nô lệ. "Các công nhân bị đối xử như nô lệ và bị lừa gạt trong vấn đề lương bổng" - cổng thông tin Naji.com (Nigeria) hồi tháng 8 cho biết.  

Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn vơ vét các nguồn tài nguyên địa phương, bao gồm khoáng sản, hải sản và nông sản.

Lo ngại Trung Quốc, Ấn Độ nhảy vào châu Phi - Ảnh 3.

Một kỹ sư người Trung Quốc và một công nhân địa phương tham gia một dự án xây dựng đường sắt ở Emali, Kenya - Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, các chuyên gia cho biết Ấn Độ xem châu Phi là một đối tác mang tính hợp tác và công bằng. Điều này có thể được thấy rõ trong tài liệu về sáng kiến Hành lang tăng trưởng Á - Phi (AAGC) được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe đưa ra hồi giữa tháng 9.

AAGC được xem là một chiến lược đối trọng sáng kiến Một vành đai, một con đường (OBOR) của Trung Quốc. Mặc dù mang tầm cỡ ngang với chiến lược của Trung Quốc nhưng AAGC lại đặt các ưu tiên vào phát triển nông thôn, nông nghiệp, năng lượng, giáo dục, phát triển kỹ năng và cải thiện chất lượng sống tại châu Phi. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ muốn khai thác các tài nguyên ở châu lục này.

Ngoài ra, các dự án của Trung Quốc được đánh giá sẽ đẩy các quốc gia châu Phi rơi vào bẩy nợ vì mức lãi suất cao ngất ngưỡng từ 6-8% đối với các khoản vay không phải là con số dễ nuốt và cũng không thể giúp ích các quốc gia châu Phi về dài hạn.

Do đó, trước thế cờ Trung Quốc ngày càng lấn sâu vào châu Phi cả về kinh tế và quân sự, việc Ấn Độ nhảy chân vào châu lục này và đẩy mạnh ảnh hưởng của mình là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, vấn đề Ấn Độ sẽ vượt mặt Trung Quốc và được tín nhiệm hơn tại châu Phi hay không còn nằm ở thời gian.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên