06/09/2023 14:49 GMT+7

Liên tục ca tử vong do đột quỵ: Cấp cứu cho người đột quỵ trước khi tới bệnh viện thế nào?

Ngoài những cách sơ cứu cơ bản cho người đột quỵ trong lúc chờ xe cấp cứu, nhiều người thắc mắc không biết người bệnh trong tình huống nào cần hồi sức tim phổi và trình tự thao tác ra sao?

Hành khách gọi xe cấp cứu khi thấy tài xế N.T.B. bị đột quỵ khi đang lái xe chở khách từ TP.HCM đến thị xã La Gi (Bình Thuận) vào sáng 2-9 - Ảnh cắt từ đoạn video camera hành trình trên xe Vinh Hoa ghi lại

Hành khách gọi xe cấp cứu khi thấy tài xế N.T.B. bị đột quỵ khi đang lái xe chở khách từ TP.HCM đến thị xã La Gi (Bình Thuận) vào sáng 2-9 - Ảnh cắt từ đoạn video camera hành trình trên xe Vinh Hoa ghi lại

Liên tục có nhiều trường hợp bị đột quỵ khi đang làm việc và tử vong ngay sau đó, khiến người dân lo lắng về "sát thủ thầm lặng" này. Việc sơ cứu người đột quỵ trong thời gian chờ xe cấp cứu là rất cần thiết, nhưng thực tế không phải ai cũng nắm rõ và không biết có nên hồi sức tim phổi (CPR) cho bệnh nhân hay không.

PGS Nguyễn Huy Thắng - chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, trưởng khoa bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) - cho biết bệnh đột quỵ hoàn toàn có thể điều trị hiệu quả nếu bệnh nhân đến bệnh viện đủ sớm, trước khi tế bào não hủy hoại quá nhiều.

Tuy nhiên đến nay số lượt bệnh nhân đến bệnh viện trong "thời gian vàng" còn rất ít, với tỉ lệ chỉ chiếm hơn 14% (trước đây là 10%), làm giảm hiệu quả điều trị rất nhiều.

Theo đó, "thời gian vàng" để cấp cứu tính từ triệu chứng khởi phát cơn đột quỵ là 6 giờ. Thời gian tốt nhất 3 giờ sau khi xảy ra cơn đột quỵ. Từ 4,5 - 6 giờ chỉ còn có thể áp dụng thông mạch bằng dụng cụ rút huyết khối. 

Nếu muộn hơn, không còn thông mạch được nữa thì việc điều trị rất khó khăn, khả năng tiên lượng xấu rất cao.

Bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) thăm khám, đánh giá khả năng phục hồi sau đột quỵ cho một bệnh nhân - Ảnh: XUÂN MAI

Bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) thăm khám, đánh giá khả năng phục hồi sau đột quỵ cho một bệnh nhân - Ảnh: XUÂN MAI

Diễn tiến ngừng tim, ngừng thở mới hồi sức tim phổi ngoại viện

Khi phát hiện người đột quỵ cần làm gì? Bác sĩ Nguyễn Văn Phước - khoa nội tim mạch, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) - hướng dẫn người dân nhanh chóng gọi xe cấp cứu để đưa bệnh nhân đến bệnh viện sớm nhất.

Trong thời gian chờ xe cấp cứu, cần cho bệnh nhân nằm nghiêng trên nền phẳng (nếu bệnh nhân có nguy cơ nôn, sặc), đo SPO2 nếu có thiết bị, nới lỏng quần áo thoáng mát...

Không cho bệnh nhân ăn uống hay dùng bất kỳ loại thuốc nào. Tuyệt đối không áp dụng các phương pháp dân gian như cạo gió, chích lể 10 đầu ngón tay hay vắt chanh vào miệng...

Với bệnh nhân đột quỵ nặng sẽ có nguy cơ diễn tiến tới ngừng tim, ngừng thở. Khi đó cần được hồi sinh tim phổi ngoại viện (xoa bóp tim ngoài lồng ngực). Nếu trường hợp bệnh nhân còn thở, bắt mạch còn đập thì không có chỉ định ép tim.

Bác sĩ Phước cho rằng ngừng tim, ngừng thở ngoại viện là vấn đề đáng quan tâm. Ở nước ngoài thường có các máy sốc điện đặt ở nơi công cộng và người dân cũng được tập huấn nhiều, còn tại nước ta thì chưa.

Hồi sức tim phổi thế nào khi bệnh nhân bị ngừng tim, ngừng thở

Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) cho biết hồi sinh tim phổi là một kỹ thuật cứu sinh hữu ích trong nhiều tình huống cấp cứu khi nạn nhân bị ngưng thở hoặc ngưng tim.

Khi tim ngừng đập, tình trạng thiếu máu có oxy trong vòng vài phút có thể gây tổn thương não không hồi phục. Tử vong sẽ xảy ra trong vòng 8 - 10 phút.

Nếu bệnh nhân có 1 trong 3 dấu hiệu: bất tỉnh, ngưng thở hay thở ngáp, không bắt được mạch thì hãy gọi cấp cứu 115 trước khi tiến hành hồi sinh tim phổi.

1. Nhấn ép tim ngoài lồng ngực phục hồi tuần hoàn máu

- Đặt gốc cổ tay lên giữa ngực nạn nhân, giữa các xương sườn. Đặt tay kia lên trên tay này. Giữ cho lông mày của bạn thẳng và tư thế bả vai thẳng góc với bàn tay.

- Dùng sức nặng của thân trên (chứ không phải chỉ của cánh tay) khi bạn ấn thẳng lồng ngực xuống sâu ít nhất khoảng 5cm. Ấn mạnh và nhanh với tần số ít nhất 100 lần/phút.

- Sau khi ấn 30 cái, đẩy đầu ngửa ra sau và nâng cằm lên để mở đường thở. Chuẩn bị hà hơi thổi ngạt. Kẹp chặt mũi và thổi vào miệng nạn nhân trong 1 giây.

- Nếu nạn nhân chưa cử động sau 5 chu kỳ (khoảng 2 phút) và có sẵn máy khử rung tim ngoài tự động, hãy mở máy và làm theo hướng dẫn. Nếu bạn chưa được đào tạo về cách sử dụng máy khử rung, nhân viên trực tổng đài cấp cứu có thể hướng dẫn cho bạn.

2. Đường thở: Làm thông đường thở

- Đặt nạn nhân nằm ngửa trên mặt phẳng vững chắc. Quỳ xuống cạnh cổ và vai nạn nhân.

- Mở thông đường thở của nạn nhân bằng cách đẩy cằm lên. Đặt lòng bàn tay bạn lên trán của nạn nhân và đẩy nhẹ xuống. Sau đó dùng tay kia đẩy nhẹ cằm ra trước để mở thông đường thở.

- Kiểm tra nhịp thở bình thường, tiến hành nhanh, không quá 10 giây: Tìm cử động của ngực, nghe tiếng thở và cảm nhận hơi thở của nạn nhân vào má hoặc tai bạn. Nếu nạn nhân không thở bình thường hoặc bạn không dám chắc, hãy bắt đầu hà hơi thổi ngạt kiểu miệng - miệng.

3. Thổi ngạt cho nạn nhân

- Hà hơi thổi ngạt có thể thực hiện theo kiểu miệng - miệng hoặc miệng - mũi nếu miệng bị tổn thương nặng hoặc không thể mở được. Khi đường thở đã thông, hãy kẹp chặt mũi nạn nhân để hà hơi thổi ngạt miệng - miệng và áp miệng bạn vào miệng nạn nhân.

- Chuẩn bị thổi ngạt hai hơi. Thổi ngạt hơi thứ nhất - kéo dài một giây và nhìn xem lồng ngực có nâng lên không. Nếu không, thổi ngạt hơi thứ hai. Nếu lồng ngực không nâng lên, đẩy cằm ngửa lên trên lại và thổi ngạt lần thứ hai.

- Tiếp tục nhấn ép tim ngoài lồng ngực.

Đột quỵ tử vong liên tục, làm sao tránh?Đột quỵ tử vong liên tục, làm sao tránh?

Đột quỵ tiếp tục khiến nhiều người lo lắng khi bệnh ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Nhiều người đã tử vong trên đường đi cấp cứu. Cách phòng ngừa đột quỵ và sơ cứu người đột quỵ?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên