06/07/2023 10:00 GMT+7

Liên minh đối trọng phương Tây mạnh đến đâu?

Sự kiện Iran chính thức là thành viên đầy đủ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vào ngày 4-7 không chỉ đánh dấu cột mốc mới cho quá trình mở rộng của tổ chức này xuống Tây Á mà còn củng cố khả năng tự túc về hạ tầng vận tải và năng lượng nội khối.

Tổng thống Nga Vladimir Putin dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo khối SCO qua kết nối trực tuyến từ Điện Kremlin tại Matxcơva (Nga) vào ngày 4-7 - Ảnh: Reuters

Tổng thống Nga Vladimir Putin dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo khối SCO qua kết nối trực tuyến từ Điện Kremlin tại Matxcơva (Nga) vào ngày 4-7 - Ảnh: Reuters

Mặc dù luôn khẳng định tính chất "phi liên minh" và "không chống lại bất kỳ quốc gia nào" nhưng SCO dường như đang gấp rút mở rộng thành viên phù hợp với các tiêu chí nhằm kiện toàn một chuỗi cung ứng phân tách với phương Tây về năng lượng, nhiên liệu, lương thực.

3 định hướng mở rộng SCO

Với tư cách là "đầu não" của quá trình xây dựng trụ cột về chính trị - an ninh thuộc quỹ đạo ảnh hưởng của Nga, quá trình mở rộng của SCO thực tế còn có định hướng tích hợp với các khối BRICS+ (về tài chính), Liên minh kinh tế Á Âu - EAEU (về thương mại) và Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể - CSTO (về quân sự) nhằm gắn kết tạo thành một khuôn khổ hợp tác tổng thể, toàn diện và bao trùm đa lĩnh vực.

Thứ nhất, SCO ưu tiên khu vực láng giềng. Sau khi Iran (giáp Pakistan) được chính thức kết nạp, Belarus (giáp Nga) là nước tiếp theo được ký biên bản ghi nhớ về nghĩa vụ cần thực hiện để đạt được vị thế của một quốc gia thành viên SCO. 

Các quan sát viên và đối tác đối thoại còn lại của SCO cũng không nằm ngoài định hướng ưu tiên vừa nêu bao gồm Armenia, Azerbajian (giáp Iran), Sri Lanka, Nepal, Myanmar (giáp Ấn Độ), Saudi Arabia, Ai Cập, Qatar, Maldives, Bahrain, Kuwait, UAE (lân cận Iran). 

Điều này cho thấy mục tiêu mong muốn là gắn kết về hạ tầng kết nối nhằm xây dựng một chuỗi cung ứng xuyên suốt không đứt gãy giữa các nhóm nước láng giềng mà SCO đang từng bước định hình.

Thứ hai, SCO ưu tiên các nước có lợi thế về lương thực, tài nguyên và hạ tầng giao thông. Trong định hướng này, có sẵn ba dự án hạ tầng kết nối quan trọng gồm: Một là dự án Hành lang giao thông quốc tế Bắc - Nam (INSTC) dài gần 7.200km hoạt động như một mạng lưới đa phương thức gồm các tuyến đường tàu, đường sắt và đường bộ để vận chuyển hàng hóa giữa Ấn Độ, Iran, Azerbaijan, Nga đến Trung Á và châu Âu.

Hai là dự án Con đường tơ lụa sắt, tức tuyến đường sắt đi từ Tây An (Trung Quốc) đến châu Âu qua Kazakhstan và eo biển Bosporus của Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ (là quan sát viên tại SCO từ năm 2012) dài hơn 11.000km. 

Và cuối cùng là dự án Hành lang lương thực giữa Ấn Độ - Trung Đông đi từ Ấn Độ qua UAE, Saudi Arabia đến Israel. Sự tham gia cơ chế đối thoại của nước xuất khẩu dầu mỏ như Saudi Arabia, UAE, Qatar... cũng sẽ khiến trữ lượng dầu mỏ của SCO vượt qua mức 20% tổng trữ lượng toàn cầu (tính từ lúc Iran gia nhập).

Thứ ba, ưu tiên các thành viên có ảnh hưởng đến tổ chức khu vực xung quanh SCO. Điển hình nhất là các thành viên của Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) với Ấn Độ và Pakistan đã là thành viên SCO, Nepal, Sri Lanka, Maldives (đang là đối tác đối thoại) và Afghanistan (đang là quan sát viên). 

Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) ở Tây Á hiện có Saudi Arabia, UAE, Qatar, Bahrain, Kuwait đang là đối tác đối thoại của SCO. Và cuối cùng là ASEAN, với hai thành viên là Campuchia và Myanmar đang tham gia đối thoại với khối này.

Bức tranh toàn cảnh

Tuyên bố Delhi của kỳ Hội nghị thượng đỉnh SCO vừa qua đã khẳng định rõ trụ cột chính trị - an ninh của khối này tập trung vào các vấn đề phi truyền thống, phi quân sự hơn là việc định hình một cấu trúc liên minh chống lại bất kỳ quốc gia hay lực lượng nào trên thế giới. 

Tuy nhiên, khi đưa mảng ghép chính trị - an ninh của quá trình mở rộng SCO dựa trên các định hướng tự túc về năng lượng, lương thực và hạ tầng kết nối, có thể dễ dàng nhận thấy một chiến lược gắn kết tổng thể thông qua hai bước giữa các tổ chức thuộc quỹ đạo ảnh hưởng của Nga.

Bước đầu tiên là quá trình mở rộng từng phần theo lĩnh vực chức năng cụ thể. Ở bước này, nếu quá trình mở rộng SCO được tiến hành với nhóm quốc gia láng giềng thuộc lục địa Á - Âu thì xu hướng mở rộng thành viên của BRICS lại diễn ra ở cả Mỹ Latin và châu Phi.

Với hơn 20 nước nộp đơn đăng ký là thành viên chính thức, BRICS dự kiến kết nạp năm thành viên mới (gồm Saudi Arabia, UAE, Ai Cập, Argentina và Indonesia) vào kỳ họp trong tháng 8 tới. Cùng lúc đó, việc gia tăng các đối tác đàm phán thiết lập khu vực thương mại tự do của Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) với trọng tâm hướng Á cũng cho thấy một bước tiến theo xu hướng chung.

Bước thứ hai sẽ nhằm tạo nên các gắn kết chính trị giữa nhóm các tổ chức hợp tác chức năng thuộc quỹ đạo ảnh hưởng của Nga. Sự gắn kết mang tính tích hợp này được thể hiện thông qua hai phương thức: 

- Một là việc tổ chức Diễn đàn trực tuyến liên đảng quốc tế trong khuôn khổ SCO mở rộng (SCO+) với sự tham gia của lãnh đạo các đảng chính trị lớn cùng với các chuyên gia từ hơn 40 nước, bao gồm các nước thành viên SCO, BRICS và cả ASEAN. 

- Hai là việc thúc đẩy xu hướng hội nhập của các tổ chức SCO, EAEU, CSTO và BRICS thông qua các thảo luận chi tiết tại Diễn đàn kinh tế Á - Âu (tháng 5-2023) cũng như mời các đại diện của EAEU và CSTO đến tham dự Hội nghị thượng đỉnh SCO vừa qua.

Hứa hẹn tạo thế cân bằng mới

Nhìn chung, thật khó có thể phủ nhận rằng khối SCO đang dẫn đầu một trật tự thế giới mới đang được thiết lập nhằm giảm thiểu ảnh hưởng từ các nước phương Tây.

Sự định hình một cấu trúc tích hợp bao gồm nhiều mảnh ghép ở những lĩnh vực chức năng cụ thể như tài chính (BRICS), thương mại (EAEU), quân sự (CSTO) dưới sự lãnh đạo về chính trị - an ninh của SCO có nhiều hứa hẹn sẽ tạo nên một thế cân bằng mới trong cục diện đa cực hiện tại vốn đang có nhiều bất lợi với Mỹ và các nước phương Tây.

Tổ chức của Nga - Trung Quốc sắp kết nạp Iran, cân nhắc thêm BelarusTổ chức của Nga - Trung Quốc sắp kết nạp Iran, cân nhắc thêm Belarus

Belarus được cho sẽ ký vào biên bản mở ra cơ hội làm thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), vốn có sự hiện diện của các nước lớn như Trung Quốc, Nga, và Ấn Độ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên