Hậu vệ Lilian Thuram tại vòng chung kết World Cup 1998 - Ảnh: Getty
Khi đội tuyển Pháp bước vào trận chung kết World Cup 2018 gặp Croatia, có lẽ người ta sẽ nhớ ngay tới Lilian Thuram - sợi dây nổi bật nhất nối hai nền bóng đá này lại với nhau.
Năm 1998, trên đất Pháp, Croatia cũng trình diễn một thứ bóng đá hảo hạng với Davor Suker làm chủ công. Pháp đã vất vả với đội bóng mới toanh này, cho đến khi Thuram xuất hiện trong vòng cấm và ghi những hai bàn đưa đội bóng của huấn luyện viên Aimé Jacquet lọt vào chung kết.
Đó, hài hước thay, là lần đầu cũng là lần cuối có chuyện Thuram ghi bàn cho đội tuyển quốc gia.
Đội bóng châu Phi
Mười hai năm kể từ World Cup 2006, người Pháp lại bước vào một trận chung kết World Cup. Có những sự thật không thể chối cãi rằng, giai đoạn bóng đá Pháp thực sự vươn mình thành người khổng lồ cũng là lúc giá trị của những cầu thủ gốc Phi được chứng minh.
Năm 1998, nếu Thuram đưa Pháp vào chung kết, thì Zinedine Zidane lại tỏa sáng không chỉ ở chung kết mà cả toàn giải đấu. Đó là những cầu thủ gốc Phi.
Năm 2006, khi đội tuyển Pháp tuyệt vọng trên đường tìm lại vinh quang, Thuram cùng Zidane và Claude Makelele đã trở lại, thiết kế một bộ khung đưa Pháp vào chung kết lần nữa. Makelele, cũng là một cầu thủ gốc Phi, sinh ra tại Zaire - nay là Cộng hòa Dân chủ Congo.
Bộ ba từ trái sang: Zidane, Makelele và Thuram. Họ đã trở lại và tạo động lực giúp tuyển Pháp lọt đến chung kết World Cup 2006, đánh bại một Brazil hùng mạnh có Kaka, Ronaldinho, Ronaldo, Adriano, Juninho, Carlos, Cafu... - Ảnh: Getty
Chuyện gì đang diễn ra ở World Cup 2018? Không mới. Khi Samuel Umtiti, người sinh ra ở Cameroon, ghi bàn ở bán kết, khán giả lại thấy hình ảnh Thuram năm nào.
Và viên ngọc quý của bóng đá Pháp hiện nay, cầu thủ tạo nhiều cảm xúc nhất trong đội bóng của huấn luyện viên Didier Deschamps, là Kylian Mbappe. Sinh ra tại Paris, nhưng đừng ngạc nhiên, Mbappe là con của một người cha Cameroon và người mẹ Algeria.
Trong đội hình tuyển Pháp năm nay cũng tràn ngập những cầu thủ gốc Phi, như mọi năm. Thử kể tên một cầu thủ Pháp ấn tượng mà xem, đó sẽ là một người da màu. Còn Antoine Griezmann? Anh này gốc Đức.
Nói vậy để thấy rằng, thậm chí nếu ông Deschamps hay các huấn luyện viên Pháp cảm thấy cần thiết, các cầu thủ Pháp gốc gác nước ngoài còn nhiều hơn nữa.
Chính Pháp là nơi "cung cấp" nguồn cầu thủ lớn nhất World Cup năm nay, với 50 cầu thủ được sinh ra hoặc lớn lên ở đất nước hình lục lăng. Con số này cao hơn hẳn 28 cầu thủ theo diện đó tính ở Brazil.
Nợ châu Phi một linh hồn
Đây là sự thật trái ngược với tình cảnh của bóng đá châu Phi hiện tại. Lần đầu tiên kể từ năm 1982, không một đội châu Phi nào lọt tới vòng đấu loại trực tiếp.
Năm nay Nigeria thua Argentina, Senegal về nước vì xếp sau Nhật Bản. Ai Cập của Mohamed Salah cũng chia tay đầy thất vọng. Ghana, đội bóng vừa trải qua những năm tháng đỉnh cao của bóng đá nước này, thậm chí không được dự World Cup.
Nói như tác giả Gregory Pierrot trong một bài viết trên Africa Is A Country (tạm dịch: châu Phi là một quốc gia), thì: "Pháp đã đen từ hàng thế kỷ. Nếu có một điểm để chỉ ra ở đội hình hiện nay, có lẽ là Pháp không nên được phép phân biệt hoặc tách khỏi châu Phi một cách tình cờ như vậy, bởi vì Pháp nợ châu Phi mọi thứ... Pháp nợ châu Phi chính linh hồn của nó".
Đảng Mặt trận Dân tộc và 20 năm ùa về
"Làm ơn đi, đừng có lôi chính trị vào bóng đá để tán dóc". Nhiều người sẽ nói vậy nếu họ đủ kiên nhẫn đọc tới những dòng này. Cả Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) cũng muốn tách bóng đá khỏi chính trị, hoặc đơn giản họ chỉ thể hiện điều đó ở bề nổi.
Nhưng không đùa được đâu, thực tế thì không ai tán dóc với chính trị. Cũng chẳng ai lôi chính trị vào bóng đá để tán dóc. Bóng đá, là chính trị đấy.
Mesut Ozil có xứng đáng lãnh đủ mọi chỉ trích cho thành tích tệ hại của đội tuyển Đức năm nay không?
Giới chuyên môn - những người phân tích dựa trên con số, thống kê, nói "không'. Người hâm mộ bình thường nói "có", khi họ đơn giản xem bóng đá bằng cảm nhận và thấy tiền vệ này khá "lười". Cổ động viên mang máu chính trị khẳng định "CÓ".
Ozil, trước đó đã cùng Ilkay Gundogan chụp hình với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Hai tiền vệ người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ làm chuyện như vậy, giữa lúc Berlin và Ankara lắm mâu thuẫn, thì đáng chăng?
Mesut Ozil (giữa) và Ilkay Gundogan là những người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Tiền vệ này bị chỉ trích dữ dội vì tấm ảnh chụp cùng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan - Ảnh: AFP
Mới đây, Domagoj Vida, hậu vệ Croatia từng đá cho Dinamo Kiev của Ukraine, tiếp tục là tâm điểm trong các màn la ó của cổ động viên Nga. Anh này công khai ủng hộ Ukraine, trong khi Kiev và Matxcơva căng thẳng từ năm 2014 thế nào ai cũng rõ.
Chính trị đâu chỉ làm khổ cho cầu thủ, những người hẳn nhiên không phải chính trị gia. Chính trị cũng khiến chính trị gia đau đầu. Trong bóng đá, thông qua bóng đá, họ nhìn thấy cơ hội và thách thức.
Nếu đội tuyển Pháp vô địch World Cup 2018 năm nay, đó là một chiến thắng cho Emmanuel Macron.
Vị Tổng thống trẻ tuổi của nước Pháp là hiện thân cho sự đổi mới từ cuộc bầu cử năm 2017, khi đánh bại cả những chính đảng truyền thống của Pháp, trong khi được mô tả như một "Barack Obama của Pháp" với khuynh hướng ôn hòa và không ngại cải cách.
Ngày 10-7, khi ngồi trên khán đài theo dõi trận Pháp - Bỉ, ông Macron đã ăn mừng và dự kiến sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào chủ nhật 15-7, khi trận chung kết diễn ra.
Với ông Macron, chiến thắng của một đội tuyển Pháp đa sắc màu chính là biểu tượng của một nước Pháp đoàn kết, không kỳ thị sắc tộc.
Nó cũng là thông điệp chuyển tới những người còn ủng hộ bà Marine Le Pen, lãnh đạo cạnh tranh vị trí tổng thống Pháp trong mùa bầu cử vừa qua. Bà Le Pen là thủ lĩnh đảng Mặt trận Dân tộc (FN), một phe cực hữu bài Liên minh châu Âu (EU), mạnh tay với người nhập cư.
Nói đến đây, những người lớn tuổi bỗng sẽ thấy ký ức ùa về của 20 năm trước.
Cái tên Marine Le Pen nghe... quen quen. Thực tế vào năm 2002, cha của bà Marine, ông Jean-Marie Le Pen, cũng đã vào "chung kết" như con gái mình sau này.
Bà Marine Le Pen cũng vào "chung kết" cuộc bầu cử Pháp năm 2017 - Ảnh: REUTERS
Ông Jean-Marie Le Pen năm 2002 - Ảnh: AFP
Trước đó 4 năm, khi tuyển Pháp lần đầu vô địch World Cup 1998 và lại trên sân nhà, tổng thống khi ấy Jacquet Chirac khẳng định "đây là nước Pháp chiến thắng, và một lần nữa, đoàn kết trong thắng lợi". Còn tờ báo Le Monde gọi đội tuyển là "một biểu tượng của sự đa dạng và của tình đoàn kết của quốc gia".
Rốt cục, ông Jean-Marie Le Pen cũng chỉ về nhì sau ông Chirac. Nhưng việc một người từng khẳng định "đội tuyển Pháp có quá nhiều cầu thủ da màu" có thể, thậm chí, về nhì, cũng là một cách mà "các giá trị của chúng tôi nắm giữ trong năm 1998 đã bị thổi bay", như cách nói của Bernard Lama, thủ môn dự bị da màu của đội Pháp tại France 1998 với tờ France-Soir.
Còn thẳng thắn như nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc Mouloud Aounit thì: "Chính trị gia nghĩ họ có thể giải quyết mọi vấn đề thông qua bóng đá. Nhưng thực tế, hiệu ứng cũng ngắn ngủi như pháo hoa vậy".
Câu chuyện chính vì vậy cũng không hẳn chỉ là Pháp - châu Phi. Xét về mặt chính trị, đó là một "Emmanuel Petit" và một "Zinedine Zidane", tức một cầu thủ tóc vàng mắt xanh điển hình người Pháp với những người nhập cư.
Thành - bại của một tập thể đa sắc màu của tuyển Pháp không chỉ có giá trị bóng đá, nó còn là một nỗi ám ảnh 20 năm, và cả thế kỷ nay.
Những siêu sao trong lịch sử bóng đá cấp độ quốc gia Pháp là những người không quá "Pháp". Đó là Raymond Kopa, con trai của những người nhập cư Ba Lan. Đó là Just Fontaine, sinh ra ở Morocco. Đó là Michel Platini, một trong những cầu thủ vĩ đại nhất bóng đá Pháp, đến từ một gia đình người Ý.
Sau 20 năm, nhà Le Pen và đảng FN hồi sinh trong lòng nước Pháp. Thắng - bại của World Cup là liều thuốc chữa trị những vết đau của một đất nước hướng về sự hòa hợp. Nhưng cũng như Aounit nói, hãy chỉ xem đó là liều thuốc tức thời, để còn giải quyết vấn đề từ căn nguyên...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận