16/09/2017 07:10 GMT+7

Thu phí âm nhạc tivi ở khách sạn: dân phản đối, nhạc sĩ ủng hộ

QUỐC THANH - LÊ VÂN
QUỐC THANH - LÊ VÂN

TTO - "Cần lắp trước mỗi tivi trong khách sạn một cái đồng hồ đếm số bài hát, sau đó mỗi tháng đến đếm xem có bao nhiêu bài hát đã được mở rồi thu tiền" - một bạn đọc đã mỉa mai như vậy!

Thu phí âm nhạc tivi ở khách sạn: dân phản đối, nhạc sĩ ủng hộ - Ảnh 1.

Hàng trăm khách sạn ở Đà Nẵng nhận được công văn yêu cầu nộp tiền tác quyền âm nhạc - Ảnh: Trường Trung

Trong 3 ngày, Tuổi Trẻ Online đã nhận được 512 ý kiến của bạn đọc trước thông tin "thu phí nghe nhạc". 

Trong đó chỉ có một ý kiến đồng ý với Trung tâm Bảo vệ tác quyền âm nhạc Việt Nam (VCPMC) muốn thu tiền tác quyền âm nhạc tại các khách sạn có ti vi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên.

Lại cũng là cái kiểu không sử dụng (không sử dụng đường giống như trong các dự án BOT và không xem, nghe những bài hát trong khách sạn) nhưng phải trả tiền sử dụng. Điều này có xảy ra hay không là do Cục Bản quyền tác giả quyết định

Khanh Nhu

Mời bạn đọc nghe ý kiến của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên

Khảo sát 200 ý kiến trong tổng số phản hồi của bạn đọc thì có trên 90 ý kiến nói việc thu phí là quá vô lý. Khoảng 60 ý kiến cho rằng đây là một hình thức "BOT" như trạm thu phí trong lĩnh vực âm nhạc. 

"Oan cho cái tivi quá, nhiều khi nó không phát cái gì cả, nhưng cũng bắt nó trả tiền "tác quyền âm nhạc". BOT nhạc đây rồi" - bạn đọc Hanh Nguyễn viết.

Gần 20 bạn đọc không hài lòng vì điều đó có nghĩa là người nghe và không nghe nhạc trên ti vi ở khách sạn cũng đều bị thu.

Một số ý kiến khác cho rằng việc thu phí tại các khách sạn sẽ làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh vốn đã khó khăn của doanh nghiệp. Vì dù chỉ thu 25.000 đồng/ti vi nhưng với những doanh nghiệp có từ 20 -30 ti vi trở lên thì đây là một số tiền không nhỏ.

"Thu phí bản quyền âm nhạc tivi ở khách sạn là thu phí hai lần" - bạn đọc PTA viết. 

Nhìn chung, bạn đọc đều biết trả tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc là đúng luật, đúng quan hệ thị trường nhưng họ yêu cầu giống như bạn đọc hoanglink: "Đối với những vấn đề nhạy cảm thế này, các ông phải thu tiền thế nào cho người ta tâm phục khẩu phục".

Để người trả tiền tâm phục, khẩu phục, ông Du Phong ở Vũng Tàu đưa ra giải pháp: VCPMC chỉ được quyền thu tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc khi thỏa mãn cùng lúc hai điều kiện. 

Theo đó, tác giả (hoặc chủ sở hữu quyền tác giả) có hợp đồng ủy thác nhờ VCPMC thu tiền; Đơn vị sử dụng tác phẩm có ký hợp đồng sử dụng tác phẩm trực tiếp với VCPMC.

Cần thỏa thuận bằng hợp đồng

Ông Đỗ Khắc Chiến (ảnh do nhân vật cung cấp).

Ông Đỗ Khắc Chiến (ảnh do nhân vật cung cấp).

Từ Hà Nội, trao đổi qua điện thoại với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Khắc Chiến (chuyên gia sở hữu trí tuệ, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam -VIAC) nhấn mạnh về nguyên tắc, chỉ có một cách giải quyết chuẩn xác vụ tranh chấp, đó là thực hiện đúng các thủ tục do pháp luật quy định.

Trên hết, các bên liên quan và cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần làm rõ và khẳng định cơ sở pháp luật của việc thu tiền là quy định cụ thể nào trong Luật Sở hữu trí tuệ (hiện đang có hai ý kiến trái ngược nhau, VCPMC khẳng định áp dụng điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, trong khi cơ quan quản lý nhà nước khẳng định áp dụng điều 33 của luật này), vì đó là căn cứ để xác định các thủ tục và công việc tiếp theo.

Trong mọi trường hợp, các bên liên quan cần chủ động tìm cách xử lý vụ việc bằng công cụ pháp luật với tinh thần thiện chí, cơ quan quản lý nhà nước nên hướng dẫn về nội dung và thủ tục không nên can thiệp bằng biện pháp hành chính.

Kết quả mà các bên cần đạt được là một hợp đồng về sử dụng quyền tác giả, theo hình thức và nội dung cơ bản được quy định tại Điều 48 Luật Sở hữu trí tuệ, bao gồm thỏa thuận về khoản tiền mà bên sử dụng tác phẩm phải trả cho chủ sở hữu quyền tác giả.


QUỐC THANH - LÊ VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên