09/03/2015 08:02 GMT+7

Nhiều lao động "bye bye" các công ty sau nghỉ tết

QUỲNH KHÔI
QUỲNH KHÔI

TT - Tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết,  theo nhận xét của chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, gần như đã trở thành “căn bệnh” của ngành.

Công nhân may áo sơmi xuất khẩu tại Công ty CP may Bình Minh (TP.HCM) - Ảnh: T.V.N.

Dù đã hết “mùng” nhưng đến ngày 8-3 (18-1 âm lịch), nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may xuất khẩu vẫn để thông báo tuyển dụng lao động do nhân công chưa tập trung đủ số lượng so với trước khi nghỉ tết. 

Tình trạng thiếu hụt lao động sau dịp Tết Nguyên đán, theo nhận xét của ông Phạm Xuân Hồng - chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, gần như đã trở thành “căn bệnh” của ngành.

Tỉ lệ thiếu hụt lao động tại các doanh nghiệp hiện đang phổ biến ở mức 5-10%, cao hơn so với năm ngoái 3-4%, mức đủ để “gây mệt” cho các doanh nghiệp.

“Chính vì doanh nghiệp nào cũng thiếu nên ai ai cũng nóng lòng muốn tuyển được lao động ngay. Và dù có muốn nhưng cũng khó khi xu hướng người lao động thích làm việc tại quê nhà ngày càng nhiều” - ông Hồng chia sẻ.

Có một thực tế không thể phủ nhận, khi nhiều dự án của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ngày một tăng mạnh trong lĩnh vực dệt may, đặc biệt là khu vực miền Trung và miền Bắc, thì tình trạng người lao động “bye bye” các công ty trong Nam sau các kỳ nghỉ lễ cứ tăng dần đều.

“Tôi biết có nhiều công ty, nhà máy dành rất nhiều chính sách ưu đãi để giữ chân người lao động, với lương thưởng đầy đủ, hấp dẫn, nhưng rồi họ cũng muốn về quê làm việc cho gần người thân.

Điều này cho thấy sức ép về nhu cầu lao động, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước đối với doanh nghiệp FDI ở khâu tuyển dụng vất vả, gay go chẳng kém gì khi đàm phán giá với đối tác” - ông Hồng thở dài nói.

Sức ép trên là còn chưa tính đến những “chiêu” rao tuyển nhân công với giá cao hơn mặt bằng lao động chung từ 15-20%, nhưng chỉ tiếp nhận với số lượng cực ít của một số doanh nghiệp.

“Mục đích của họ là gây sốc, hoang mang cho đồng nghiệp, đã từng được áp dụng trong những năm gần đây mỗi khi tình hình lao động căng thẳng” - ông N.T., tổng giám đốc Công ty CP may M, thừa nhận.

Thế nên, dù muốn hay không, việc phải chuẩn bị và có giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu lao động này một cách hiệu quả, theo ông Hồng, cần được các doanh nghiệp chủ động để có giải pháp hiệu quả hơn.

Đặc biệt khi sắp tới hàng loạt hiệp định thương mại sắp có hiệu lực tại VN và lợi thế đang nghiêng về khối doanh nghiệp FDI ngày càng rõ.

Xem ra xu hướng “ly nông, không ly hương” được hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thâm dụng lao động nhiều như dệt may, da giày thấm nhuần.

Tuy nhiên, cơ sở và nền tảng tốt để thực hiện điều này, có vẻ như khối doanh nghiệp FDI lại “học” nhanh hơn và áp dụng hiệu quả hơn doanh nghiệp trong nước chăng?

QUỲNH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục