30/05/2018 16:56 GMT+7

Lẳng lơ như ‘Cơn ghen của Lọ Lem’

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Diễn viên ‘Cơn ghen của Lọ Lem’ lẳng lơ trong từng động tác cơ thể, từng cái liếc mắt, khiến khán giả cười bò, rồi sau đó quyến rũ họ.

Các nghệ sĩ học hát và nhảy cho Cơn ghen của Lọ Lem - Video: Luc Team

Cơn ghen của Lọ Lem của Trần Lực cải biên tác phẩm của Moliere - thiên tài kịch nghệ người Pháp của thế kỷ 17.

Vở diễn này có nội dung rất đơn giản: Chàng Lọ Lem muốn giữ vợ ở nhà để hầu hạ, phục vụ nhưng anh hoàn toàn bất lực trước thói trăng hoa, lẳng lơ của Ăng Giê Lích nên đành cầu viện một tiến sĩ "giấy" tư vấn hôn nhân cho mình.

Lẳng lơ như ‘Cơn ghen của Lọ Lem’ - Ảnh 2.

Vở "Cơn ghen của Lọ Lem" - Ảnh: LucTeam

Cơn ghen của Lọ Lem là một màn hài kịch về đời sống hôn nhân, cười nhạo vào sự giả dối, dởm đời của xã hội Pháp thế kỉ 17, nhưng vẫn có thể khớp vừa với xã hội Việt Nam đương đại.

Với phương pháp biểu hiện - ước lệ, Cơn ghen của Lọ Lem áp dụng tính ước lệ của sân khấu dân gian Việt Nam, tràn đầy sự hồn nhiên, ngây thơ; nhưng cũng đầy ắp tinh thần đương đại, dám phá cấu trúc, sẵn sàng vượt ra ngoài thể loại, pha trộn, tích hợp nhiều loại hình nghệ thuật vào trong kịch.

Sân khấu của Trần Lực luôn tối giản. Trên sân khấu của Cơn ghen của Lọ Lem chỉ có duy nhất một cái xe máy tí hon để Lọ Lem hành nghề xe ôm Uber, và một cánh cửa có thể đóng mở, tượng trưng cho tổ ấm của chàng.

Bằng động tác hình thể (cường điệu hóa), diễn viên khiến khán giả hiểu chỗ họ đang đứng là nhà, nhưng chỉ trong tích tắc đã là quán bia Tạ Hiện (Hà Nội).

Lẳng lơ như ‘Cơn ghen của Lọ Lem’ - Ảnh 3.

Chàng Lọ Lem làm nghề lái xe Uber - Ảnh: LucTeam.

Cơn ghen của Lọ Lem có tiết tấu nhanh đòi hỏi sự phối hợp cực kì chặt chẽ của dàn diễn viên. Bởi chỉ một chút lơ là, bị trật nhịp thì những "bỏ nhỏ" về động tác và lời thoại trước đó sẽ không thể tạo ra tiếng cười "ép phê" như mong muốn.

Diễn viên nói, hát, nhảy múa, làm đủ trò trên sân khấu quần quật hơn một tiếng đồng hồ. Họ thoại hoàn toàn bằng tiếng thật, chỉ dùng thiết bị tăng âm lúc hát.

Lẳng lơ như ‘Cơn ghen của Lọ Lem’ - Ảnh 4.

Trong cảnh này, khán giả sẽ hiểu Lọ Lem đang ở trong nhà, còn An Giê Lích ngồi trước hiên cửa nhà - Ảnh: LucTeam.

Theo đuổi phương pháp này, ngoài kĩ năng diễn kịch, diễn viên phải học hát, học nhảy, thậm chí làm xiếc... Đặc biệt họ phải giải phóng được cơ thể, để thoải mái tung hứng với bạn diễn, thể hiện bản thân mình trên một sân khống trống trơn, nơi tất cả ánh nhìn của khán giả đều dồn về họ.

Trong Cơn ghen của Lọ Lem, Nguyễn Anh Tú vào vai một Tiến sĩ, chuyên dùng xảo thuật ngôn từ để lòe bịp thiên hạ. Anh đi như đánh võng, nói như súng liên thanh, môi cuốn lô phát âm chảnh chọe kiểu quý tộc nửa mùa. Nhưng đến khi thương lượng để buộc Lọ Lem phải cho đi Uber miễn phí thì lộ ngay bản chất của kẻ hám lợi.

Đối lập với Nguyễn Anh Tú thư sinh là Trương Mạnh Đạt với hình thể cao lớn, thể hiện rất tốt một Lọ Lem hữu dũng vô mưu, gia trưởng, ích kỉ nhưng thực chất sợ vợ một phép.

Còn Ngọc Trâm rất hợp vai Ăng Giê Lích, vợ của Lọ Lem, một người phụ nữ không chấp nhận sự gia trưởng của chồng, thường xuyên bỏ nhà theo trai.

Ngọc Trâm thể hiện rất duyên tính cách đàn bà ngây thơ. Cô õng ẹo, lẳng lơ bên người tình. Với Lọ Lem, Ăng Giê Lích lúc mềm yếu, lúc đanh đá, ghê gớm vì nắm được "thóp" của Lọ Lem là rất yêu vợ.

Lẳng lơ như ‘Cơn ghen của Lọ Lem’ - Ảnh 5.

Cảnh "nóng" trong vở kịch - Ảnh: LucTeam

Theo phong cách ước lệ - biểu hiện, diễn viên của LucTeam sẽ không hóa thân trọn vẹn vào nhân vật như phương pháp hiện thực tâm lý phổ biến của nền kịch nói Việt Nam. Tức là ngoài việc họ là nhân vật, họ vẫn phải là chính mình, như muốn nói với khán giả "tôi đang diễn đây".

Dàn diễn viên Cơn ghen của Lọ Lem "lẳng" từ dáng đi đến ánh mắt. Họ không chỉ tán tỉnh nhau mà còn tán tỉnh khán giả. Sự lẳng lơ của của những nhân vật trong một vở kịch chủ đề tình yêu mang đến nguồn sống tươi trẻ cho vở kịch.

Đạo diễn cũng rất bạo dạn thêm những "cảnh nóng" trong vở kịch nhưng được dàn dựng rất hài hước, tinh tế, để cảnh nóng cũng trở thành một cảnh huống tạo tiếng cười.

Lẳng lơ như ‘Cơn ghen của Lọ Lem’ - Ảnh 6.

Chàng Lọ Lem và ông Tiến sĩ - Ảnh: LucTeam

Trần Lực rất biết cách phả hơi thở hiện đại vào cho vở kịch thông qua những ca khúc nhạc chế Vũ điệu hoang dã, Đường cong; đưa những cụm từ nói ra ai nấy hiểu ngay như "vỗ mông chào hỏi", vụ việc cô giáo gọi học viên là "con lợn", thói hám bằng cấp…

Hơn một tiếng đồng hồ, khán giả được trải nghiệm cuộc đời dở khóc dở cười của chàng Lọ Lem trong một vở kịch tràn ngập tính giải trí. Với phương pháp biểu hiện - ước lệ, Cơn ghen của Lọ Lem đã rút ngắn được khoảng cách giữa diễn viên với khán giả.

Đôi khi, khán giả và Lọ Lem có thể nhấm nháy cười với nhau, cùng cười về cái sự đời, cười về cái tình cảnh khốn nạn anh ta đang trải qua. Cơn ghen của Lọ Lem sẽ diễn hai buổi 14-6 và 28-6 tại Trung tâm Văn hóa Pháp.

Trong tháng 6, LucTeam sẽ tiếp tục diễn Quẫn trong các buổi 9, 16, 24-6 và 14, 21, 28-7.

Trần Lực: nghệ thuật là chơi hết mình, tốn kém mới là chơi chứ! Trần Lực: nghệ thuật là chơi hết mình, tốn kém mới là chơi chứ!

TTO - 'Tôi lúc nào cũng là tôi, không lo không nghĩ gì cả. Làm nghệ thuật là phải chơi hết mình, sợ tốn kém thì còn nói gì', đạo diễn Trần Lực chia sẻ với Tuổi Trẻ Online.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên