Từ một vở dựng cho sinh viên, Quẫn đã đàng hoàng xuất hiện tại Nhà hát lớn, Nhà hát Tuổi Trẻ, đoạt giải tại Liên hoan sân khấu thủ đô năm 2016, thúc đẩy Trần Lực thành lập đoàn kịch tư nhân Luc Team và giờ là diễn bán vé thu tiền.
Sự xuất hiện của Quẫn, nối tiếp nhạc kịch của Nguyễn Phi Phi Anh như những viên đá ném xuống mặt hồ sân khấu phẳng lặng của phía Bắc, đã tạo được những gợn sóng lăn tăn.
Phi Phi Anh đã tạm rời dự án nhạc kịch, còn Trần Lực đang muốn những vòng tròn gợn sóng ấy lan ra mãi
Trần Lực đã làm lại vở kịch Quẫn (1960) của tác giả Lộng Chương theo hướng vẫn giữ nguyên tinh thần của vở kịch, nhưng với ngôn ngữ ước lệ, biểu hiện và tinh thần trẻ trung, hiện đại, phá cách.
Những suất diễn cuối tháng 4 của Quẫn đầy ắp khán giả với đủ cung bậc của nụ cười: cười khoái trá, cười phá lên, cười ra nước mắt…
Tuổi Trẻ Online đã trò chuyện với Trần Lực nhân dịp anh đưa Quẫn trở lại sân khấu chinh phục khán giả.
Trần Lực giới thiệu "Quẫn" tại Nhà hát lớn (Hà Nội) - Ảnh: NVCC
* Quẫn đã trở lại sân khấu lần hai, tình hình suất diễn có tốt không anh?
- Vì chưa có sân khấu riêng nên chúng tôi bị lệ thuộc địa điểm của đơn vị khác. Sân khấu ở L’Espace tháng 5 chỉ có một buổi, hai buổi ở Nhà hát Chèo Kim Mã. Tháng 6 sẽ diễn dày hơn. Nhưng không sao, chúng tôi đang kéo khán giả đến với sản phẩm của mình.
* Nghe nói vở Cơn ghen của Lọ Lem không gây được hiệu ứng như Quẫn?
- Đó là vở đầu tiên khi chúng tôi ra mắt Luc Team, lúc đó đã ai biết Luc Team là gì đâu. Dù là đoàn kịch mới, nhưng nguyên tắc của tôi sản phẩm phải tròn trịa, đạt tiêu chuẩn mới ra.
Trông thế thôi, chúng tôi phải tập hằng ngày. Trước mỗi buổi diễn đều phải tập hình thể, tập tiếng, chạy vở cho nhuyễn mới thôi.
Theo phương pháp này, diễn viên khi diễn phải nói giọng thật, không qua mic. Nếu không tập thường xuyên, nói được ba câu là đứt hơi.
Đội giậm chân nếu không tập cũng sẽ trật nhịp ngay. Nhà hát khác tập một tháng xong một vở, còn mình bốn tháng mới tập xong một vở.
Trần Lực hướng dẫn diễn viên vở "Cơn ghen của Lọ Lem" - Ảnh: NVCC
* Với suất diễn vẫn còn ít, anh nuôi sống đoàn kịch thế nào?
- Vẫn phải đảm bảo nuôi sống các em. Hiện giờ các bạn ấy cũng như các diễn viên nhà hát khác thôi, tập hay diễn đều có bồi dưỡng.
Nguồn thu chính của chúng tôi sẽ phải từ bán vé. Để có được điều đó sẽ phải mất thời gian. Trong giai đoạn này, diễn viên vẫn còn trẻ, chưa hoàn thiện, vẫn đang trong giai đoạn phải đào tạo.
Với sự hứng khởi, đam mê phương pháp ước lệ biểu hiện, chúng tôi biết mình cứ lao vào tập luyện đã. Có vở thuyết phục khán giả, tiền tức khắc nó về.
Có một điều may mắn là các em đều rất đam mê. Nhiều em có lời mời bên ngoài nhưng nếu đang trong giai đoạn đào tạo, các em sẵn sàng hi sinh.
Tôi vẫn nói với các em để trở thành diễn viên chuyên nghiệp, phải trang bị cho mình đầy đủ đã. Hãy nhìn Lê Khanh, Chí Trung, Trung Anh, đến giờ họ vẫn đóng kịch và gặt hái thành công.
Có được như vậy vì ngày xưa họ học hành kỹ càng. Còn nếu các em học chưa tới đã vội chạy sô ngay thì chỉ một thời gian là hết vốn.
Trần Lực cho biết anh và học trò đang say sưa với phương pháp ước lệ - biểu hiện - Ảnh: NVCC
* Anh từng mở công ty sản xuất phim, nhưng giờ các đơn vị sản xuất phim tư nhân ở miền Bắc đóng cửa rất nhiều rồi. Chuyển sang làm đoàn kịch tư nhân trong bối cảnh sân khấu "chết lâm sàng", có người bảo anh "quẫn"…
- Sân khấu chẳng chết đâu, tôi cũng chẳng mạo hiểm gì cả. Cuộc sống là thế, sân khấu ngày xưa là hoàng kim, sau đó khán giả đổ xô sang truyền hình, giờ truyền hình đang chết dở vì khán giả lại đổ xô sang Internet.
Làm thế nào để khán giả đến rạp, chỉ có mỗi cách là sân khấu phải cạnh tranh với âm nhạc, điện ảnh, truyền hình thôi.
Sản phẩm của mình có đủ hấp dẫn, có giải trí, có cao siêu, có khả năng gây bất ngờ cho khán giả không? Hãy làm như thế đi, khán giả sẽ đến ngay.
Chúng tôi xác định là đoàn kịch đương đại không giống ai cả. Đến với sân khấu của chúng tôi khán giả sẽ lạc vào một thế giới đầy ắp sự hồn nhiên, ngây thơ và vô cùng hấp dẫn. Nói tôi liều là rất đúng nhưng tôi liều là có cơ sở.
Đạo diễn Trần Lực
* Làm phim và làm sân khấu, công việc nào khiến anh thấy là mình nhất?
- Tôi lúc nào cũng là tôi, không lo không nghĩ gì cả, liều gì đâu. Tôi nghĩ nghệ thuật phải là cuộc chơi và tôi đang chơi với sân khấu, mà tốn kém mới là chơi chứ. Cứ chơi hết mình đi, sợ tốn kém thì còn nói gì.
Dù làm phim hay làm kịch thì nguyên tắc của tôi là đã làm việc phải vui như tết, do đó tôi thích làm hài.
Làm để vui sống, trẻ trung ra, chứ đâu phải kiếm thật nhiều tiền để chết. Và đã chơi là phải chấp nhận, kể cả thua lỗ. Tất nhiên, mình phải cố vượt qua để tồn tại và giàu với cái nghề này. Ít nhất bây giờ lo đủ sống cái đã.
Tôi vẫn nói với các diễn viên của mình, tạm thời ta không giàu, nhưng chưa chết đói được. Phải từ từ, hết sức từ từ, không nóng vội được.
Kể cả Trần Lực cũng thế, chỉ có thể biết tập và bỏ tiền nuôi quân, thế thôi! Chúng tôi phải hi vọng, khi mọi người thấy hấp dẫn với phương pháp này, lúc bấy giờ mới sống khỏe được.
Đạo diễn Trần Lực - Ảnh: NVCC
* Nguồn kịch bản của anh hiện trông vào đâu?
- Hiện chúng tôi đã có khoảng bốn vở Việt Nam, người viết là biên kịch Đỗ Trí Hùng, bạn tôi sẽ viết theo phong cách tôi muốn. Ngoài ra tôi sẽ khai thác nguồn kịch cổ điển, hiện tôi đang liên hệ mua bản quyền kịch Molière, Shakespeare.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Quẫn là vở hài kịch châm biếm giễu cợt gia đình tư sản Đại Cát. Đối mặt với chính sách công tư hợp doanh của nhà nước, vợ chồng Đại Cát đã tìm mọi cách giấu giếm, tẩu tán tài sản. Nhưng con gái của Đại Cát vốn là một thanh niên tiến bộ đã lấy thùng vàng của bố nộp cho Công đoàn xí nghiệp.
Dùng phương pháp ước lệ - biểu hiện, Trần Lực đã tối giản hóa sân khấu, xóa nhòa không gian, thời gian. Thay vì dựng sân khấu truyền thống có phông màn, đồ đạc, sân khấu tối giản của Trần Lực chỉ có phông đen và chơi ánh sáng.
Diễn viên sẽ lược hết những động tác, sinh hoạt đời thường, chỉ tập trung vào tả ý, thể hiện tâm trạng của nhân vật. Họ áp dụng lối diễn ước lệ của sân khấu truyền thống, với những màn diễn đầy ắp sự ngây thơ, hồn nhiên, để từ đó bật lên tiếng cười.
Diễn viên vở Quẫn vẫn mặc áo dài, khăn đóng, nhưng có thể nhuộm tóc highlight, đi giầy bata. Có thể lúc này họ í ớ Chèo, Tuồng, nhưng ở một lúc khác đã hát ca khúc ngớ ngẩn nhất thế giới Pen Pineapple Apple Pen.
Hình ảnh vở "Quẫn"
Sân khấu tối giản của "Quẫn" - Ảnh: NVCC
Hình ảnh vở "Cơn ghen của Lọ Lem"
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận