14/06/2015 08:16 GMT+7

Làm luật phải phù hợp thực tế

 VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TT - Những ngày qua, thông tin về nguy cơ hàng ngàn người hành nghề kế toán có thể mất việc khi Luật kế toán (sửa đổi) thực thi đã nhận được sự quan tâm lớn của dư luận, với rất nhiều người phản đối.

Họ phản đối vì như đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) cảnh báo: “Nếu dự luật này có hiệu lực, hàng ngàn người hành nghề kế toán sẽ mất việc do luật quy định phải có bằng đại học mới được hành nghề”.

Tính đến lúc Luật kế toán (sửa đổi) có hiệu lực chỉ còn một năm nữa (tháng 7-2016), những người hành nghề kế toán và cả xã hội nói chung không thể kịp trở tay để bổ sung bằng cấp trong thời gian ngắn như vậy. Đại biểu Tùng nói đó là điều vô lý, thực tế đang có rất nhiều người hành nghề kế toán chỉ với bằng trung cấp, bao năm qua họ vẫn là lực lượng nòng cốt cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Hành nghề kế toán chủ yếu cần kỹ năng chứ không hẳn bằng cấp” - đại biểu Tùng nói.

Chưa hết, theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), quy định mới của dự thảo đã đẩy lùi cải cách hành chính, đẻ ra nhiều giấy phép con khi giao hết quyền cấp thẻ hành nghề cho Bộ Tài chính thay vì các sở tài chính. “Cứ thế này thì mỗi năm lại lũ lượt kéo về Hà Nội học chứng chỉ hành nghề” - ông Thuyền nói. Lạ lùng hơn, theo đại biểu Thuyền, dự luật còn bắt tất cả người hành nghề kế toán phải vào hội nghề nghiệp kế toán, trong khi việc tham gia một hội nghề nghiệp bao giờ cũng phải trên cơ sở tự nguyện...

Đó chỉ là một vài trong số nhiều điểm vô lý được các đại biểu nêu ra trong buổi thảo luận ở hội trường Quốc hội về dự thảo Luật kế toán (sửa đổi).

Hôm qua (13-6), trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nói ban soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến của đại biểu và cử tri, sẽ có những giải thích cặn kẽ hơn trong luật. Nhưng Bộ Tài chính vẫn giữ quan điểm phải yêu cầu cao hơn với người hành nghề kế toán, cũng như việc phải gia nhập hội nghề nghiệp... Như vậy quan điểm giữa một bên là số đông cử tri hành nghề kế toán và một số đại biểu với một bên là Bộ Tài chính, ban soạn thảo vẫn trái ngược nhau. Chắc chắn tranh luận sẽ còn tiếp tục diễn ra khi kỳ họp tới Quốc hội tiếp tục lấy ý kiến về dự luật này.

______________

* Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận):

Các bộ trưởng không tránh né

Điều tôi đánh giá được nhất trong lần chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp này là các đại biểu đưa được đa dạng nguyện vọng, tâm tư của cử tri. Các thành viên Chính phủ, cho dù mức độ trả lời còn khác nhau, nhưng cơ bản là không tránh né, không đi lòng vòng, dám đối diện trước câu hỏi của đại biểu.

Tất nhiên là chỉ cơ bản hài lòng vì phần chất vấn cũng có hạn chế về thời gian nên nhiều câu hỏi bộ trưởng phải gác lại, chưa trả lời thấu đáo, sâu sắc. Tôi tán đồng với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về nhận xét phần trả lời của các thành viên Chính phủ là cơ bản đã đi vào trọng tâm câu hỏi. Còn có những câu hỏi chưa trả lời thì các bộ trưởng đều hứa sẽ tiếp thu. Hi vọng các bộ trưởng sẽ nhớ lời hứa.

Về câu hỏi của tôi gửi đến bộ trưởng Bộ GD-ĐT liên quan tới kỳ thi quốc gia hai trong một, bao gồm vấn đề của đề thi và tổ chức thi. Tôi ghi nhận bộ trưởng đã tiếp thu ý kiến, câu hỏi của tôi. Bộ trưởng cũng trả lời với tôi là “bộ biết rồi”, đồng thời cho biết không phải chỉ mỗi mình tôi nêu ý kiến tại Quốc hội mà các trường đại học, các giáo viên, học sinh cũng có thông tin. Tôi vẫn tin tưởng và chờ xem bộ sẽ tổ chức kỳ thi này như thế nào, tốt như thế nào để giải tỏa thắc mắc của đại biểu cũng như cử tri khác.

* Đại biểu Nguyễn Văn Minh (TP.HCM):

Bộ trưởng GD-ĐT còn “vo tròn”

Trong bốn bộ trưởng trả lời, tôi đánh giá cao và có sự chia sẻ với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát. Trong trả lời chất vấn, bộ trưởng đã nhìn nhận thẳng vấn đề, vừa chịu trách nhiệm cá nhân và vừa có yêu cầu các bộ khác chia sẻ. Tôi cũng cho rằng nếu chỉ một mình Bộ NN&PTNT thì không giải quyết được tốt các vấn đề liên quan đến nông nghiệp được.

Riêng với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, tôi chưa hài lòng về phần trả lời của bộ trưởng đối với câu hỏi của tôi. Câu hỏi liên quan đến thông tư 30 làm thay đổi cách đánh giá học sinh cấp I. Bộ trưởng cho rằng sau khi thông tư này có hiệu lực thì đạt được nhiều thành quả. Nhưng tôi vẫn nghe rất nhiều cử tri, đặc biệt là cử tri giáo viên tiểu học, than phiền về quy chế mới. Áp dụng quá nhanh, nhất là không mang lại kết quả như kỳ vọng của giáo viên, phụ huynh và học sinh. Tôi thấy bộ trưởng trả lời rất vo tròn và thậm chí đánh giá đây là thắng lợi của ngành giáo dục. 

Tôi cũng không hài lòng khi bộ trưởng nói sinh viên ra trường không có việc làm là do tinh giản biên chế. Nói như vậy không được, đâu phải sinh viên nào ra trường cũng vào cơ quan nhà nước. Câu chuyện mà bộ trưởng không nhìn nhận là ngành giáo dục đã đào tạo ngành nghề không phù hợp, hướng nghiệp chưa tốt cho học sinh.

* Bà Nguyễn Thị Hoài Thu (cử tri TP.HCM):

Chất vấn còn cập rập

Trong phần trả lời của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tôi thấy chưa hài lòng, như vụ Hà Nội chặt cây. Phó thủ tướng nói việc chặt cây là sai rồi, nhưng cây cũng đã ngã rồi, không thể nào dựng dậy được nữa, những người có trách nhiệm phải rút ra kinh nghiệm xương máu. Ai ra chủ trương, ai duyệt chủ trương chặt cây? Sao Chính phủ không kiểm tra?

Về chống tham nhũng, Phó thủ tướng nói phấn khởi vì tỉ lệ thu hồi cao hơn năm trước. Nhưng tỉ lệ thu hồi mới được 22%, còn 78% kia thì sao? Phải thu hồi hết chứ, không thể phấn khởi với tỉ lệ thu hồi như vậy.

Tôi cho rằng Quốc hội chỉ dành hai ngày rưỡi chất vấn nên vẫn còn cập rập, có đại biểu chưa hỏi hết thì chuông reo. Theo tôi, Quốc hội nên dành ba ngày để chất vấn, như vậy đại biểu mới hỏi được nhiều, nhiều vấn đề mới được giải quyết rốt ráo. 

VIỄN SỰ - HOÀNG ĐIỆP ghi

Sẽ có “nhạc trưởng” trong biên soạn sách giáo khoa

Sáng 13-6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo Phạm Vũ Luận tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) và đại biểu Vi Thị Hương (Điện Biên) cùng nêu vấn đề: “Trong giáo dục, phải chăng chúng ta đã quan tâm quản lý chặt ở đầu vào và chưa chú ý đúng mức đầu ra?”.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói: “Ở VN đặc biệt hơn các nước. Ở các nước cứ vào, ra được thì ra, không ra được thì thôi. Mình không thể làm thế được bởi vì con em của mình, bà con, bố mẹ các cháu vay nợ, bán trâu bán bò để nuôi con ăn học, mình không thể nói câu ra được thì ra. Mình phải quản lý các cháu trong quá trình học tập để có giải pháp hỗ trợ các cháu, nhưng chú trọng quản lý theo đầu ra, theo chất lượng”.

Về việc biên soạn chương trình và sách giáo khoa, ông Phạm Vũ Luận cho biết ở các nước có nền giáo dục phát triển, có những cán bộ chuyên nghiệp làm việc này. Còn ở VN từ trước đến nay đều huy động đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ khoa học có kinh nghiệm. Đến nay Bộ Giáo dục - đào tạo đã huy động khoảng 200 thầy cô giáo, cán bộ khoa học của các lĩnh vực trong và ngoài giáo dục tham gia đội biên soạn.

Trước đề nghị của đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cần phải có một nhạc trưởng trong quá trình triển khai biên soạn chương trình, sách giáo khoa, Bộ trưởng Luận trả lời: “Chúng tôi đã bàn bạc và thống nhất là sẽ có tổng chủ biên toàn bộ chương trình, đồng thời sẽ có các chủ biên của từng môn và từng cấp học”. 

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên