24/03/2019 14:58 GMT+7

Làm gì để bảo vệ trẻ khỏi tai nạn sông nước?

KHÔI NGUYÊN
KHÔI NGUYÊN

TTO - Hơn 2.000 trẻ em chết đuối mỗi năm. Đuối nước là “sát thủ thầm lặng” với trẻ mọi miền, người lớn đã làm gì để bảo vệ các em?

Làm gì để bảo vệ trẻ khỏi tai nạn sông nước? - Ảnh 1.

Trẻ em được chơi ở những nơi an toàn là trách nhiệm của người lớn - Ảnh: Mỹ Yến

Làm sao để ngăn ngừa những cái chết thương tâm do sông nước? Câu trả lời tưởng dễ mà rất khó.

Thông tin từ các vụ trẻ chết đuối có thể thấy không chỉ có trẻ chưa biết bơi gặp nạn. Trẻ biết bơi vẫn có thể tử vong do chơi đùa lâu bị kiệt sức, do trẻ thiếu kinh nghiệm ứng phó khi tiếp xúc vùng nước thay đổi nhiệt độ lạnh đột ngột, nước sâu, khu vực nguy hiểm bị sóng cuốn... 

Sau tai nạn, nhiều người thường trách trẻ đã tự ý rủ nhau đi tắm hoặc do... không may. Nhưng thực tế cho thấy việc trẻ rủ nhau bơi lội, chơi đùa dưới nước hoặc gần nơi có ao hồ diễn ra mọi nơi, một việc tiềm ẩn rủi ro nhưng chưa được sự quan tâm đúng mức của cộng đồng.

Nhiều nơi nước sâu, nguy hiểm chết người chưa được cảnh báo. Có thể điểm qua mấy vụ: tại An Giang vào tháng 1-2017, hai học sinh lớp 7 ở huyện Chợ Mới rủ nhau ra khu vực đang bơm cát thuộc công trình thi công đường tỉnh 944, cả hai bị trượt chân xuống nước, đều không biết bơi và tử vong.

Sau đó, nhà thầu mới tiến hành gắn biển cảnh báo nguy hiểm. Mùng 4 tết vừa rồi, 6 học sinh lớp 9 ở huyện Thăng Bình, Quảng Nam chụp ảnh ở bờ biển bị sóng lớn cuốn. Nơi này nhiều lần xảy ra tai nạn nhưng cứu hộ địa phương chỉ làm việc từ tháng 3 đến tháng 7. 

Sau đó, tại đây đã có biển báo "Khu vực nguy hiểm", "Cấm tắm biển" ở những khu vực thường xuyên có nước xoáy, đồng thời cử dân quân túc trực.

Mới nhất, 8 trẻ tử vong khi rủ nhau tắm sông Đà (Hòa Bình). Khúc sông nơi các em gặp nạn, phía dưới thường có những xoáy, hầu như năm nào cũng có người chết. Nơi này trước có biển báo cấm trẻ em tắm nhưng mùa lũ nước lên cuốn trôi mất biển báo...

Và người lớn vẫn thờ ơ

Trong nhiều vụ việc, nước cuốn trẻ đi rồi, chỉ còn nước mắt của những người ở lại, người lớn mới giật mình vì chúng ta không lường trước hiểm họa, thiếu những cảnh báo cần thiết để ngăn ngừa tai nạn. 

Tôi cho rằng nguyên nhân chính để xảy ra tình trạng chết đuối liên tiếp do sự bất cẩn của người lớn và sự thờ ơ, chưa nhìn nhận đúng nguy cơ, sự nguy hiểm từ phía cộng đồng. Chỉ khi nào tất cả mọi người nhận thức đúng mức rủi ro từ sông nước mới mong hạn chế chết đuối.

Tai nạn có thể xảy ra với bất cứ trẻ nào, bất cứ nơi nào. Nhìn thấy trẻ tụ tập tắm, chơi đùa gần nguồn nước nguy hiểm (không có người lớn giám sát), đâu phải ai cũng nghĩ đến nguy cơ cũng như trách nhiệm nhắc nhở để bảo vệ các em. Nhiều người vẫn thờ ơ cho rằng không phải việc của mình. Phòng hậu quả đuối nước là chuyện của cả cộng đồng.

Bên cạnh việc cho trẻ học bơi, cần nâng cao nhận thức về tai nạn sông nước cho trẻ và cho cả người lớn. Thay vì ngồi xót thương sau những vụ việc đáng tiếc, người lớn cần cùng nhau hành động thiết thực bằng tình thương, trách nhiệm lớn để cùng giảm những vụ trẻ chết đuối.

Dạy bơi: cần hiệu quả thực chất

Chuyện dạy bơi cho học sinh đã được đưa vào nhà trường từ gần 40 năm trước. Một chủ trương rất đúng đắn nhưng hiệu quả còn chưa thấy rõ.

Và việc triển khai dạy bơi, trên thực tế một mình Bộ GD-DT lại làm không nổi. Muốn dạy bơi phải có đủ hồ bơi tại trường, gần trường, việc tổ chức dạy bơi phải hợp lý, chú trọng hiệu quả thực chất.

Ngay cả tại những thành phố lớn, việc này cũng gặp nhiều khó khăn. Không ít học sinh học xong, gọi là hoàn thành nhưng... vẫn không bơi được.

Nhiều nơi ở nông thôn, vùng núi, sông nước có nhiều cách để biến một đoạn suối, một khúc sông thành nơi dạy bơi.

Cần nhân rộng những sáng kiến này. Việc dạy bơi học đường cần được triển khai hiệu quả thật sự mới mong giảm thiểu những vụ chết đuối thương tâm.

TẠ TƯ VŨ

Không chỉ là chuyện dạy bơi

Theo thống kê, trung bình mỗi năm cả nước có hơn 2.000 trẻ chết đuối. Những con số nhức nhối. Nhiều địa phương tiến hành phổ cập bơi cho học sinh từ bậc tiểu học.

Theo báo cáo mới đây của Bộ Lao động - thương binh và xã hội, trong 2 năm 2017 và 2018 đã có hơn 3,6 triệu trẻ em, thanh thiếu niên tham gia các lớp học bơi và đã có trên 2,1 triệu trẻ em biết bơi, gần 5 triệu trẻ em, thanh thiếu niên được học các kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước...

Còn nhớ, trong buổi lễ phát động trẻ em toàn quốc học bơi an toàn và phòng chống đuối nước tháng 5-2018 tại Ninh Bình, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Lê Khánh Hải cho biết đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong nhiều nhất cho trẻ em, vị thành niên tại Việt Nam. Nguyên nhân do trẻ không biết bơi hoặc thiếu các kỹ năng, kiến thức về phòng tránh tai nạn đuối nước.

Hai năm qua, số trẻ đuối nước đã giảm mạnh. Nhưng vẫn còn nỗi bàng hoàng, xót xa trước những vụ nhiều trẻ chết đuối cùng lúc. Điều này cho thấy việc phòng tai nạn đuối nước vẫn còn khó khăn.

Dạy bơi cho học sinh là một chuyện, cần dạy cho trẻ những kỹ năng xử lý tình huống cho chính bản thân và tập thể.

Những cảnh báo là rất cần thiết ở từng công trình. Và trách nhiệm từng địa phương trong câu chuyện này: cần có những cảnh báo, khuyến cáo cần thiết cũng như biện pháp cần thiết để phòng tai nạn.

NGUYỄN ĐƯỚC

KHÔI NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên