04/11/2016 10:02 GMT+7

​Kỳ vọng từ cánh đồng

Nông dân VÕ QUAN HUY - VÂN TRƯỜNG ghi
Nông dân VÕ QUAN HUY - VÂN TRƯỜNG ghi

TTO - Kỳ họp này Quốc hội bàn nhiều nội dung sát sườn với cuộc sống, nhưng nông dân như tôi khoái nhất chuyện hai bộ trưởng Bộ NN&PTNT và Bộ TN-MT phát biểu đề nghị sửa Luật đất đai, bỏ quy định hạn điền.

Hơn chục năm qua, tôi là một trong những người miệt mài đề xuất bỏ quy định này. 

Ai cũng nhìn thấy đó là nút thắt rất lớn, cản trở sự phát triển của ngành nông nghiệp, làm cho nông dân không giàu lên được. Tôi biết chắc chắn rất nhiều nông dân tâm huyết với nghề nông như tôi cũng sướng trong bụng.

Tôi đang nắm trong tay hàng trăm hecta đất ở các tỉnh Long An, Tây Ninh, Sóc Trăng, Lâm Đồng... Phần lớn trong số đó là đất tự tay tôi khai hoang suốt 40 năm qua.

Có điều cá nhân tôi chỉ được đứng tên “sổ đỏ” hơn chục hecta, còn lại nhờ người thân đứng tên giùm bởi quy định hiện hành chỉ cho phép sở hữu 3ha (còn đất trồng cây lâu năm thì không quá 10ha).

Biết làm vậy là sai luật nhưng chẳng còn cách nào khác. Vừa rồi báo Tuổi Trẻ có viết một loạt bài nói về những “điền chủ” ở miền Tây. Tôi thấy họ cũng đam mê trồng trọt, chăn nuôi như tôi và cũng nhờ người thân đứng tên chủ quyền để lách luật.

Chính quyền biết hết, nhưng âm thầm thừa nhận mà không làm khó dễ.

Trước kỳ họp Quốc hội, tôi có dịp gặp Bộ trưởng Trần Hồng Hà ở Long An và cũng nhắc ông vụ hạn điền. Bộ trưởng bảo tôi cứ yên tâm, ông sẽ sớm kiến nghị với Quốc hội. Và ông đã thực hiện lời hứa này.

Tôi mong Quốc hội thừa nhận công sức của những người đi khai hoang, trực tiếp sản xuất từ 20 năm trở lên và cấp sổ đỏ cho họ. VN đã tham gia nhiều hiệp định thương mại, nếu tiếp tục để nông dân sản xuất manh mún hoài thì không thể tránh được nguy cơ “chết trên sân nhà”.

Khi được sở hữu đất đai hợp pháp, chắc chắn tôi và những người khác sẽ mạnh dạn đầu tư những trang trại hiện đại, sản xuất ra những loại nông sản chất lượng cao, giá thành thấp để cạnh tranh.

Là nông dân, tôi cũng mong Quốc hội và Chính phủ quan tâm tháo gỡ thêm nhiều nút thắt khác để giúp khoảng 60 triệu nông dân VN được đổi đời. Nút thắt lớn nhất là đưa chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân (tam nông) vào cuộc sống.

Hiện nay các chủ trương cho nông dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông sản vay vốn ưu đãi gần như không thực hiện được bởi vướng quy định riêng của ngân hàng.

Nhiều lần nói chuyện với lãnh đạo tỉnh và ngân hàng, tôi nói thẳng ngân hàng chẳng khác gì tiệm cầm đồ. Bằng chứng là nông dân vì không có tiền đầu tư sản xuất thì họ mới xin vay ngân hàng.

Muốn vay được phải có tài sản thế chấp (thường là sổ đỏ) và chỉ vay được một phần trị giá tài sản họ có. Những người ít đất hoặc không có sổ đỏ thì không thể đến ngân hàng hỏi vay. Tiệm cầm đồ cũng vậy, có tài sản cầm cố thì được vay tiền.

Ngân hàng khác tiệm cầm đồ ở chỗ lãi suất thấp hơn, nhưng đổi lại hồ sơ thủ tục phức tạp hơn nhiều.

Vay ngân hàng không đủ (hoặc không được), phần lớn nông dân phải bấm bụng vay “nóng” bên ngoài để đầu tư sản xuất.

Lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp vốn đã ít, lại phải nuôi lãi suất nên cuối cùng nông dân chẳng còn gì, thậm chí nợ chồng nợ. Ai cũng biết ở nông thôn hiện nay có trên 90% sổ đỏ của nông dân nằm ở ngân hàng hoặc tiệm cầm đồ.

Các doanh nghiệp kinh doanh lương thực, nông sản vốn đã được hưởng rất nhiều ưu đãi như: các loại thuế, vay vốn, lãi suất vay mua tạm trữ, công nghệ... nhưng khi liên kết với nông dân họ chỉ nghĩ đến lợi ích của họ mà thôi.

Nhà nước nên có chế tài quy định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên khi hai bên hợp tác, liên kết với nhau.

Tôi rất kỳ vọng những chính sách mới rồi đây sẽ sớm thay đổi toàn diện “tam nông” bởi khi nhìn những việc mà Quốc hội và Chính phủ mới đã và đang làm, tôi thật sự có niềm tin. Và đó là những kỳ vọng từ cánh đồng.

Nông dân VÕ QUAN HUY - VÂN TRƯỜNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên