04/10/2016 11:29 GMT+7

Kỳ cuối: “Đất võ trời văn” ở Đắk Nông

MINH TỰ - TẤN VŨ
MINH TỰ - TẤN VŨ

TTO - Đến Đắk Nông nhớ xem võ Bình Định - đồng nghiệp báo Đắk Lắk giới thiệu với chúng tôi một thứ “đặc sản” rất lạ của vùng đất cực nam Tây nguyên này.

*** Error ***
Đôi bạn văn võ Trần Ngọc Cư (phải) và Phạm Văn Luận (bên trái) - Ảnh: MINH TỰ

Vài năm gần đây, võ thuật Đắk Nông đạt thành tích ấn tượng lắm, thậm chí còn dẫn đầu toàn đoàn vòng chung kết võ cổ truyền Let’s Viet lần 3 tháng 12-2015 tổ chức ngay tại đất võ Bình Định. Làm nên thành tích này chính là cộng đồng người Quảng Ngãi và Bình Định lên sinh cơ lập nghiệp ở đây.

Thầy Quảng Ngãi dạy võ Bình Định

Chúng tôi về thị trấn Kiến Đức (huyện Đắk R’Lấp, Đắk Nông) tìm lò võ của võ sư Phạm Văn Luận theo lời giới thiệu của Trung tâm TDTT tỉnh Đắk Nông. Ngôi nhà của võ sư Luận nằm bên quốc lộ 14, treo đầy khí giới của môn võ cổ truyền và những hình ảnh của võ sư thời trai trẻ rất phong độ. Lão võ sư đang ngồi uống trà đàm đạo với người bạn thân của mình là thầy giáo dạy văn Trần Ngọc Cư.

Người xưa nói quân tử phải biết phòng thân. Nam nhi phải có trong mình vài miếng võ để tự vệ và để tự tin. Nhưng cách tự vệ cao nhất vẫn là biết sống đàng hoàng. Sống tử tế, cao thượng là tự mình bảo vệ mình

Thầy Trần Ngọc Cư

Võ sư Phạm Văn Luận người xã Nghĩa Điền (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) nằm giáp ranh phía tây nam thành phố Quảng Ngãi. Thời trai trẻ, ông Luận đã là một võ sĩ có tiếng ở quê nhà. Trước khi vô Đắk Nông lập nghiệp, võ sư Luận là huấn luyện viên võ thuật của Trung tâm TDTT Quảng Ngãi.

Ông đến với võ thuật năm 13 tuổi chỉ vì đam mê môn võ cổ truyền Bình Định, ban đầu học với võ sư Lâm Võ ở tại Quảng Ngãi, sau tìm vào học tiếp với võ sư Nguyễn Thái Sơn tại Bình Định. Võ sư Luận là lớp người Quảng Ngãi đến vùng nam Tây nguyên này năm 1994, khi đó Đắk Nông vẫn còn là một huyện của tỉnh Đắk Lắk và thị trấn Kiến Đức còn là xã của huyện Đắk R’Lấp.

Vừa đặt chân đến Kiến Đức, võ sư Luận đã nghĩ đến việc thành lập một lò võ, đó là cách để làm quen với người địa phương, nhưng quan trọng hơn là để phát triển võ cổ truyền - một nhiệm vụ mà mỗi võ sư đều luôn mang trong mình. “Lò của tôi dạy võ cổ truyền chánh tông Bình Định, sau này có kết hợp thêm môn boxing” - võ sư Luận cho biết.

Chỉ một thời gian sau, lò võ của ông đã cung cấp cho tỉnh Đắk Nông những vận động viên đẳng cấp quốc gia như Nguyễn Đức Lâm - vô địch boxing toàn quốc suốt ba năm liền 2008-2010, giờ là huấn luyện viên võ thuật của tỉnh.

Thăm lò võ

5g chiều, trời trở mưa nhưng lò võ của thầy Luận vẫn nóng lên bởi tiếng thở của võ sinh, tiếng va chạm của đao kiếm và những cú đấm bốc thình thịch. Vì yêu mến sư phụ của con nên một vị phụ huynh đã xây dựng thêm một mái nhà rộng để thầy làm võ đường. Lò võ này đều đặn có khoảng 50 võ sinh, chủ yếu là thiếu niên, nhi đồng, và phần lớn là con cháu người Quảng Ngãi, Bình Định đang sinh sống tại đây.

Thời cao điểm năm 1998 lò võ của thầy Luận có đến gần 1.000 võ sinh, nhiều đệ tử của thầy giờ đã có vợ có chồng, đi lập nghiệp ở khắp nơi. Thầy đã truyền hết nghề cho ba môn đệ “ruột” đã thành huấn luyện viên là Đặng Văn Dương, Nguyễn Đức Lâm (người Quảng Ngãi) và Trần Ngọc Hà (người Bình Định) và giúp họ mở ra ba lò võ mới.

Giờ tuổi đã xấp xỉ 70, võ sư Luận lui về với lò võ nhỏ này và vui chơi với đàn võ sinh nhí ríu rít quanh thầy như ông nội. Nữ võ sĩ Lâm Thị Phương, 18 tuổi, có khuôn mặt giống như nữ hiệp khách, múa côn vun vút và đi quyền đẹp như vũ công. Nhà ở tận thôn 7, xã Kiến Thành (huyện Đắk R’Lấp), Phương vẫn đều đặn đạp xe đến tập võ với thầy.

Cô gái này chỉ mới mang đai đen (huyền đai) nhưng đã đoạt huy chương vàng võ cổ truyền mở rộng tỉnh Bình Định 2016. “Ban đầu thấy võ thuật hay hay nên đến xin thầy cho tập thử rồi mê luôn, mẹ cấm vẫn đi. Chính thầy là người đã truyền đam mê võ thuật cho em. Giờ em sẽ quyết tâm theo học thầy cho đến khi trở thành huấn luyện viên” - Phương nói.

*** Error ***

Võ sư Phạm văn Luận hướng dẫn võ sinh một miếng võ Bình Định - Ảnh: MINH TỰ

“Đất võ trời văn” trên cao nguyên

Trong khi võ sư Luận dạy võ cho học trò thì thầy giáo Trần Ngọc Cư lặng lẽ ngồi uống trà, ngắm nhìn bầy võ sinh khua đao múa kiếm, thỉnh thoảng lại nở nụ cười bí ẩn. Sau một hồi hướng dẫn cho võ sinh, lão võ sư quay trở lại bàn trà cùng nâng chén với lão văn sư - người bạn tâm giao cùng tuổi Mậu Tý 1948.

Họ nói với nhau điều gì đó rồi lại gật gật đầu đắc ý. Ngay buổi trưa bước chân vào nhà của lão võ sư, chúng tôi đã bắt gặp hai ông lão ngồi với nhau một cách rất tâm đầu ý hợp bên bàn trà. Câu đầu tiên mà võ sư Luận giới thiệu là: “Tôi dạy võ còn ông này dạy văn!”.

Năm 1992, thầy giáo Trần Ngọc Cư chia tay quê nhà xã Ân Phong, huyện Hoài Ân, Bình Định, dắt díu vợ con lên Tây nguyên lập nghiệp, làm thầy giáo dạy văn Trường THPT Phạm Văn Đồng ở thị trấn Kiến Đức. Một buổi đến lớp, một buổi lên rẫy, với một chân bị thương tật, cuộc sống buổi đầu của thầy giáo Cư ở nơi cao nguyên này rất khổ nhọc.

“Tui nhờ làm thơ mà quên hết khổ cực. Một ngày kiếm cơm vất vả lắm, nhưng cuối ngày nâng vài chén rượu, đọc vài bài thơ là quên hết nhọc nhằn” - thầy Cư cười hào sảng và tâm tình bằng cái giọng rất mạnh mẽ của vùng sơn cước Bình Định. Rồi thầy cất giọng ngâm thơ giọng Bình Định pha giọng Bắc, vừa ngâm theo giọng “ngâm sa mạc” mang âm hưởng ca trù.

Giờ thầy Cư là trưởng ban liên lạc Hội đồng hương Bình Định tại Đắk R’Lấp và phó chi hội văn học nghệ thuật Đắk Nông tại Đắk R’Lấp. Hỏi thầy văn thơ in đến sáu tập nhưng có biết võ không, thầy cười: “Người Bình Định ai mà chẳng có võ”.

Rồi thầy tâm tình: “Người xưa nói quân tử phải biết phòng thân. Nam nhi phải có trong mình vài miếng võ để tự vệ và để tự tin. Nhưng cách tự vệ cao nhất vẫn là biết sống đàng hoàng. Sống tử tế, cao thượng là tự mình bảo vệ mình”.

Trong số các võ sinh trưởng thành của thầy Luận, có huấn luyện viên Trần Ngọc Hà - con trai của thầy Cư. “Tôi dạy võ còn ổng dạy văn. Học trò của tôi phải học đủ cả hai thứ đó!” - võ sư Luận nói.

Tây nguyên có 47 dân tộc

Trong tám năm từ 1976-1984, chương trình kinh tế mới đã đưa đến Tây nguyên hơn 400.000 nhân khẩu với hơn 197.000 người trong độ tuổi lao động (theo Cục Điều động lao động và dân cư - Bộ LĐ-TB&XH).

Theo Tổng cục Thống kê, năm 1976 dân số Tây nguyên hơn 1,2 triệu người, gồm 18 dân tộc; đến năm 1993 đã tăng lên hơn 2,3 triệu người, 35 dân tộc. Đến năm 2015 dân số Tây nguyên ước khoảng 5,5 triệu với 47 dân tộc. Kết quả này một phần do gia tăng dân số tự nhiên, nhưng phần lớn là di dân đến Tây nguyên theo hai luồng: di dân kế hoạch (kinh tế mới) và di dân tự do.

Tây nguyên có 2 triệu hecta đất bazan, chiếm đến 60% đất bazan cả nước, rất phù hợp với cây công nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu, dâu tằm, trà... Hiện Tây nguyên là vùng trồng cà phê lớn nhất nước với hơn 290.000ha cà phê (chiếm 4/5 diện tích cả nước); là vùng trồng cao su lớn thứ hai (sau Đông Nam bộ); là vùng trồng dâu, nuôi tằm tập trung lớn nhất nước (theo Bộ KH-ĐT).

MINH TỰ - TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên