21/06/2019 08:25 GMT+7

Khủng hoảng ở Hong Kong: Không chỉ do luật dẫn độ

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TTO - Hai chủ nhật liên tiếp (9-6 và 16-6), những cuộc biểu tình khổng lồ đã nổ ra ở Hong Kong. Có phải luật dẫn độ là lý do duy nhất dẫn đến sự phản đối quyết liệt của người dân đặc khu này?

Khủng hoảng ở Hong Kong: Không chỉ do luật dẫn độ - Ảnh 1.

Lễ trao trả Hong Kong 1997, tranh tam liên họa ở Bảo tàng Quốc gia Bắc Kinh, Trung Quốc - Ảnh: medium.com

Có phải sự phản đối càng tăng do thái độ của bà đặc khu trưởng Carrie Lâm? Và còn những gì sâu xa nữa?

Sáng sớm thứ hai 17-6, tờ Bưu Điện Hoa Nam (SCMP) giựt tựa: "Gần 2 triệu người xuống đường đòi được xin lỗi công khai từ nhà lãnh đạo Hong Kong Carrie Lâm (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) khi việc đình chỉ dự luật dẫn độ gây tranh cãi đã không thể xoa dịu người biểu tình". 

Một bài ý kiến được báo này đăng lên chiều chủ nhật 16-6 chạy tít: "Sự kiêu ngạo của bà Carrie Lâm và sự kém hiệu quả của các cố vấn đã đưa bà đến một vực thẳm chính trị".

Nhu cầu hay mối đe dọa

Theo tường thuật của SCMP, biểu tình bắt đầu lúc 2h30 chiều. Cảnh sát chỉ "nhẹ nhàng" hiện diện, không ra tay trấn áp những người biểu tình bị cho là "manh động" như hôm trước. 

Đến 8h30 tối, Sở Thông tin thành phố loan báo dự luật được hoãn thông qua và bà Lâm xin lỗi các cư dân Hong Kong: "Chính quyền thừa nhận những thiếu sót đã dẫn đến tranh cãi và tranh chấp đáng kể trong xã hội, gây ra sự thất vọng và đau buồn trong nhân dân. Trưởng đặc khu hành chánh xin lỗi người dân Hong Kong và cam kết sẽ có thái độ khiêm tốn, chân thành nhất để chấp nhận những chỉ trích và cải thiện trong việc phục vụ công chúng".

Dự luật khiến dân Hong Kong nổi giận và đang đòi bà Lâm từ chức tên đầy đủ là Luật sửa đổi năm 2019 chống lại những kẻ phạm tội bỏ trốn và hỗ trợ pháp lý hỗ tương trong lĩnh vực hình sự. 

Dự luật này được chính quyền đưa ra nhằm thay thế pháp lệnh về tội phạm đào tẩu hiện hành, được thông qua ngay trước khi Hong Kong được trả lại Trung Quốc vào năm 1997. Pháp lệnh này quy định rõ sẽ không áp dụng cho việc dẫn độ và tương trợ tư pháp với "chính quyền nhân dân trung ương hay chính quyền của bất kỳ địa phương nào của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa".

Có một thực tế là các tội phạm "thoát thân" không bị dẫn độ nhờ khe hở pháp lý này. Chính quyền Hong Kong nay muốn sửa luật cho phép dẫn độ trong từng trường hợp cụ thể với các nước chưa ký thỏa thuận tương trợ pháp lý với vùng lãnh thổ đặc biệt này, bao gồm cả đại lục. 

Vụ án thanh niên người Hong Kong Chan Tong-kai (Trần Đồng Giai) năm ngoái giết bạn gái Poon Hiu-wing (Phan Hiểu Dĩnh) đang mang bầu ở Đài Loan rồi bỏ trốn về lại Hong Kong, nhà chức trách không cách chi đáp ứng yêu cầu dẫn độ của Đài Loan, trong khi luật pháp Hong Kong lại không thể xử hành vi phạm tội ở Đài Loan là thí dụ bức bách nhất được viện dẫn để lý giải nhu cầu của dự luật dẫn độ mới. 

Dự luật vừa được đưa ra tháng 4 vừa qua.

Hãng tin điện tử Quartz bình luận: "Người ta sợ rằng dự luật sẽ khiến Hong Kong "mở toang" theo luật pháp đại lục và người dân từ Hong Kong có thể trở thành đối tượng của một hệ thống tư pháp khác với hiện nay. 

Thuộc địa cũ này của Anh, trở lại chủ quyền Trung Quốc vào năm 1997 theo mô hình "một quốc gia, hai chế độ", vốn quy định cho phép Hong Kong duy trì hệ thống kinh tế, tư pháp riêng và bảo vệ mạnh mẽ tự do dân sự trong vòng 50 năm. 

Toàn quyền cuối cùng của thuộc địa Hong Kong Chris Patten cảnh báo luật dẫn độ sẽ là điều tồi tệ nhất xảy ra với thành phố này kể từ khi bàn giao vào năm 1997".

Theo Quartz, Liên minh châu Âu, Anh và Canada đã lên tiếng bày tỏ quan ngại. Hoa Kỳ thì cảnh báo luật dẫn độ, nếu được thông qua, có thể gây nguy hiểm cho quy chế đặc biệt dành cho Hong Kong đã được thiết lập từ lâu. 

Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cảnh báo: "Hoa Kỳ chia sẻ quan ngại của nhiều người dân Hong Kong rằng việc thiếu các thủ tục tố tụng có tính phòng ngừa trong những sửa đổi được đề xuất có thể làm suy yếu quyền tự trị của Hong Kong và tác động tiêu cực đến các biện pháp bảo vệ nhân quyền, tự do cơ bản và các giá trị dân chủ của lãnh thổ này".

Tất nhiên, Trung Quốc kịch liệt phản đối, cho rằng những tuyên bố như vậy là can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc cũng như quy các cuộc biểu tình là có bàn tay can thiệp từ bên ngoài.

"Chế độ Hong Kong" khác biệt thế nào?

Trong xã hội Hong Kong, Đoàn luật sư, Hiệp hội luật gia, một số thẩm phán, các nhóm trường học, Hội nhà báo, Phòng thương mại, Giáo phận Công giáo… đều phản đối dự luật này. Lý do tiềm ẩn dẫn đến việc 30% dân số Hong Kong xuống đường, cũng theo ABC News, là sự khác biệt giữa "hai chế độ" trong 50 năm cứ ngày càng thu hẹp.

Ngày 31-8-2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã quyết định thiết lập một khuôn khổ mới cho các cải cách bầu cử ở Hong Kong trên cơ sở giới hạn quyền bầu cử, ứng cử và đề cử. 

Điều này từng bị coi là vi phạm nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ", gây ra phản ứng và bất đồng ở Hong Kong. Một số nhóm và tổ chức đã yêu cầu chính quyền trung ương ở Bắc Kinh rút lại quyết định đó, đồng thời kiến nghị trao cho người dân Hong Kong quyền bầu cử phổ thông đầu phiếu, dẫn đến cuộc phản kháng của phong trào "Mang dù xuống phố" năm 2014.

Có thể hiểu tốt hơn lập trường của Chính phủ Trung Quốc về nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" bằng cách giở lại tàng thư các phát biểu của ông Đặng Tiểu Bình trên mạng China.org, cụ thể là bài viết "Một quốc gia, hai chế độ" đề ngày 22 và 23-6-1984. 

Trong đó ông Đặng khẳng định: "Chính phủ Trung Quốc kiên định về lập trường, nguyên tắc và chính sách của mình đối với Hong Kong. Chúng tôi đã tuyên bố nhiều lần rằng sau khi Trung Quốc nối lại việc thực thi chủ quyền đối với Hong Kong vào năm 1997, các hệ thống kinh tế và xã hội hiện tại của Hong Kong sẽ không thay đổi, hệ thống pháp lý của vùng lãnh thổ về cơ bản sẽ không thay đổi, lối sống và tình trạng của thành phố, một hải cảng tự do và một trung tâm thương mại - tài chính quốc tế, sẽ không thay đổi và thành phố có thể tiếp tục duy trì hoặc thiết lập quan hệ kinh tế với các quốc gia và khu vực khác".

Qua bài viết, ông Đặng vạch ra tương lai sau khi Hong Kong về lại với Trung Quốc: "Các chính sách của chúng tôi liên quan đến Hong Kong sẽ không thay đổi trong 50 năm và chúng tôi muốn nói rõ điều này. Chúng tôi theo đuổi chính sách "một quốc gia, hai chế độ". 

Cụ thể hơn, điều này có nghĩa là Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, ở đại lục, với một tỉ dân sẽ duy trì hệ thống xã hội chủ nghĩa, trong khi Hong Kong và Đài Loan tiếp tục dưới chế độ tư bản chủ nghĩa. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã nỗ lực để khắc phục sai lầm "tả khuynh" và xây dựng các chính sách trên mọi lĩnh vực xuất phát từ thực tế. 

Sau 5 năm rưỡi, tình hình đã được cải thiện. Chúng tôi đề xuất giải quyết các vấn đề Hong Kong và Đài Loan bằng cách cho phép hai hệ thống cùng tồn tại ở một quốc gia. Chúng tôi đã nhiều lần thảo luận về chính sách "một quốc gia, hai chế độ". 

Chính sách đã được Đại hội Nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội Trung Quốc) thông qua. Một số người lo lắng rằng nó có thể thay đổi. Tôi nói là sẽ không. Mấu chốt của vấn đề, yếu tố quyết định, là liệu chính sách này có đúng hay không. 

Nếu không, nó sẽ thay đổi; nếu ngược lại, sẽ không… Chính sách của chúng tôi đối với Hong Kong sẽ vẫn như vậy trong một thời gian dài sắp tới, nhưng điều này không ảnh hưởng đến chủ nghĩa xã hội ở đại lục".

Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu các thay đổi hiện tại, bao gồm những hạn chế với quy trình bầu cử hay dự luật dẫn độ vừa rồi, có phù hợp với những nguyên tắc ông Đặng từng nêu ra hay không? Một câu hỏi không kém phần quan trọng với chính quyền trung ương Trung Quốc là vấn đề Đài Loan, mà họ cũng đang hi vọng có thể trở về với đại lục trong hòa bình với một quy chế tương tự Hong Kong. 

Thật ra, chính ông Đặng cũng đã nhìn nhận vấn đề này từ năm 1984: "Trung Quốc không chỉ có mỗi vấn đề Hong Kong phải giải quyết, mà cả vấn đề Đài Loan nữa. Giải pháp cho những vấn đề này là gì?… 

Để chủ nghĩa xã hội nuốt chửng Đài Loan hay để "chủ nghĩa tam dân" được thuyết giảng ở Đài Loan nuốt chửng đại lục? 

Câu trả lời là cả hai đều không. Nếu vấn đề không thể được giải quyết bằng biện pháp hòa bình thì nó phải được giải quyết bằng vũ lực, điều không có lợi cho ai cả. Thống nhất đất mẹ là khát vọng của cả dân tộc. Nếu không thể hoàn thành trong 100 năm thì sẽ là 1.000 năm. Theo tôi thấy, giải pháp duy nhất nằm ở việc thực hành hai hệ thống trong một đất nước".

Có thể nay tư tưởng Đặng Tiểu Bình không còn có vai trò áp đảo ở Trung Quốc nữa. Song le, cũng như trong một cuộc đua xe Thể thức 1, tay đua xuất phát sau vốn đã chậm hơn rồi, càng không thể cứ ì ạch mãi, rồi bắt tay đua xếp ở hạng đầu giảm tốc. Vì nếu muốn bắt kịp sau 50 vòng đua thì phải đủ can đảm nhấn ga!

2 triệu người xuống đường hôm 17-6, gấp đôi so với 1 triệu người hôm 9-6 (số liệu của người tổ chức bầu cử, phía cảnh sát nói cuộc đầu có 250.000 người và cuộc sau 1 triệu), tương đương 30% dân số Hong Kong, quả là một "vực thẳm chính trị" đối với cá nhân bà Lâm!

Có vẻ như ở thời điểm này của cuộc phản kháng, theo SCMP - tờ báo 116 tuổi mà từ sau khi trở thành tài sản của tỉ phú Tập đoàn Alibaba Jack Ma được/bị xem là thân Trung Quốc, "câu chuyện" xuống đường phản ánh mâu thuẫn "cá nhân" giữa dân chúng với bà Lâm.

Bài báo nhấn mạnh: "Sự kiêu ngạo của bà Lâm là quá lớn, khiến bà trở nên điếc, mù và bướng bỉnh, đến nỗi bà đã qua mặt những người tiền nhiệm Đổng Kiến Hoa và Lương Chấn Anh trong việc tạo ra rạn nứt xã hội và đẩy sự giận dữ của công chúng lên đến mức không thể quay lại trong một thời gian kỷ lục".

Sau biểu tình, người dân Hong Kong ở lại dọn rác đến 2 giờ sáng Sau biểu tình, người dân Hong Kong ở lại dọn rác đến 2 giờ sáng

TTO - Những người biểu tình ở Hong Kong sau một ngày dài biểu tình trên quãng đường khoảng 3km đã cùng ở lại thu dọn, để đường phố sáng hôm sau không còn chút rác nào.


DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên