13/11/2016 09:40 GMT+7

Khủng bố Abu Sayyaf kiếm tiền triệu từ con tin

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Abu Sayyaf Group (ASG) là một trong những nhóm thánh chiến nhỏ nhưng nguy hiểm nhất ở miền nam Philippines với hàng loạt vụ cướp, bắt cóc tống tiền, tấn công thường dân. 

Các thành viên Abu Sayyaf trong một lần lộ diện - Ảnh: AFP

Abu Sayyaf Group (ASG) là một trong những nhóm thánh chiến nhỏ nhưng nguy hiểm nhất ở miền nam Philippines với hàng loạt vụ cướp, bắt cóc tống tiền, tấn công thường dân và quân đội buộc chính quyền ba nước Philippines, Malaysia và Indonesia phải tăng cường phối hợp tuần tra.

Theo trang Australian National Security, nhóm Abu Sayyaf còn được biết đến dưới nhiều cái tên như Al-Harakat Al-Aslamiya, Mujahideen Commando Freedom Fighters; được liệt vào danh sách tổ chức khủng bố của chính phủ Úc từ năm 2002 cũng như nhiều nước khác như Mỹ, Canada, New Zealand, Anh. Nhóm này được mô tả có “liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp trong việc lên kế hoạch, chuẩn bị, hỗ trợ hoặc nuôi dưỡng các hành động khủng bố” .

ASG khởi nguồn từ phong trào ly khai ở miền nam Philippines, nơi tập trung phần lớn người Hồi giáo. Sau khi tách khỏi Mặt trận giải phóng quốc gia Moro năm 1991, ASG nằm dưới sự lãnh đạo của Abdurajak Abubakar Janjalani, một kẻ thuyết giáo Hồi giáo luôn khoe rằng hắn đã gặp và được Osama Bin Laden truyền cảm hứng, và tiếp tục phân mảnh sau khi Janjalani bị giết chết năm 2001.

ASG hiện có hơn 400 thành viên và từ năm 2014, nhiều nhóm con của ASG đã lần lượt tuyên bố ủng hộ Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Hầu hết thành viên của nhóm là các thanh niên từ các vùng nghèo nàn ở tây Mindanao và quần đảo Sulu.

Kiếm tiền từ bắt cóc

Một trong những vụ khủng bố nghiêm trọng nhất của ASG là đánh bom một chiếc phà ở Vịnh Manila năm 2004 giết chết 116 người.

Với "thanh danh" đẫm máu, chúng thực hiện hàng loạt vụ bắt cóc không chỉ người Philippines mà còn nhiều công dân nước ngoài các quốc tịch Canada, Na Uy, Đức, Indonesia, Mỹ... và sẵn sàng giết những con tin nếu không nhận được tiền.

Chẳng hạn hai người Canada Robert Hall và John Ridsdel bị chúng sát hại dã man hồi tháng 6-2016 sau khi chính quyền Ottawa từ chối trả tiền chuộc.

Chúng thậm chí táo tợn thực hiện hàng loạt vụ giết hại dân thường như sát hại 6 công nhân nhà máy cao su ở Basilan năm 2012, chiếm đồn cảnh sát cũng ở Basilan năm 2015 hay giết 7 binh sĩ trong vụ đụng độ ở Jolo năm 2012...

Từ tháng 3-2016, chúng đẩy mạnh các hoạt động cướp biển, bắt ba tàu Indonesia, một tàu Philippines và giữ khoảng hàng chục con tin, gồm các du khách nước ngoài.

Với phần lớn con tin được cứu bằng tiền chuộc, chúng đã kiếm được hàng triệu USD trong vài tháng qua, gồm 3 triệu USD cho bốn con tin Malaysia và 1 triệu USD cho 10 con tin Indonesia, và ra giá đến gần 5 triệu USD cho nhóm 7 thuyền viên Indonesia bị bắt hồi tháng 6-2016.

Nạn nhân mới nhất của ASG là con tin người Đức tên Juegen Kantner, 70 tuổi, thay cho một người Na Uy vừa được thả sau khi nộp tiền chuộc.

Con tin Na Uy Kjartan Sekkingstad được phóng thích hồi tháng 9-2016 - Ảnh: AFP
Con tin Na Uy Kjartan Sekkingstad (đeo khăn choàng) được phóng thích sau khi nộp tiền chuộc hồi tháng 9-2016 - Ảnh: AFP

Tuy nhiên theo chính phủ Úc, dù động cơ trong các vụ tấn công thời gian gần đây của ASG là tiền, đằng sau các hành động của chúng vẫn là các lý tưởng tôn giáo kết hợp với mục đích tuyên truyền.

“ASG vẫn bị ảnh hưởng bởi mục tiêu nền tảng là xây dựng một nhà nước Hồi giáo độc lập ở Mindanao, bao gồm Sulu. Lãnh đạo ASG ở Basilan, Isnilon Hapilon đã thề trung thành với tổ chức IS và tự nhận mình là 'thủ hiến IS' của Philippines. Các công dân phương Tây nằm trong số các mục tiêu khủng bố của chúng” - trang Australian National Security viết.

Theo chính phủ Philippines, việc nhóm này tuyên bố ủng hộ IS cũng có thể nhằm thu hút nguồn tài trợ tài chính từ nhóm khủng bố khét tiếng ở trung đông. Điều này không phải là vô lý bởi trước đó, chúng đã từng nhận tiền từ các nhóm khủng bố khác như Al Qaeda, Jemaah Islamiyah và vẫn đang được ủng hộ bởi nhiều nhà tài trợ nước ngoài.

Có ngăn được ASG?

Đáng lo ngại là các hoạt động cướp biển của ASG diễn ra tại khu vực nhộn nhịp nằm giữa ba nước Philippines, Indonesia và Malaysia.

Trong năm 2015, hơn 100.000 tàu thuyền đi qua vùng biển Sulu mang theo 55 triệu tấn hàng hóa và 18 triệu hành khách. Căng thẳng đã từng khiến chính quyền Indonesia cấm tàu thuyền đến Philippines làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nhập khẩu than của Manila vốn thụ thuộc 70% vào nước láng giềng.

“Việc tạm ngừng xuất khẩu than sẽ kéo dài cho đến khi có được sự đảm bảo an ninh từ chính quyền Philippines” - ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi từng tuyên bố hồi tháng 6-2016. Tuy nhiên mọi nỗ lực của Manila trong nhiều tháng qua đều không thể kiểm soát được ASG, thậm chí còn bị phản công.

Vùng biển Basilan của Philippines nơi Abu Sayyaf được cho là thường đột kích tấn công tàu thuyền đi qua - Ảnh: Google Map

 

Vụ việc khiến ba nước láng giềng lần đầu tiên sau nhiều năm phải tính đến việc tuần tra chung và mới đây đã đi đến thống nhất.

Tại cuộc gặp với nhà lãnh đạo Malaysia hôm 10-11, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết Manila sẽ cho phép tàu Malaysia vào hải phận của mình nếu họ đang truy bắt bọn khủng bố.

Trước đó ông Duterte cũng cho phép Indonesia làm điều tương tự với hy vọng sẽ giúp tăng cường an ninh cho vùng biển “nằm ngoài vòng pháp luật” Sulu.

Bộ trưởng quốc phòng ba nước dự kiến gặp nhau vào cuối tháng này để tiếp tục thảo luận Quy trình thao tác chuẩn (SOP) trong việc ứng phó với phiến quân Hồi giáo ở khu vực Sulu.

Tuy nhiên theo nhiều ý kiến, dù có triển khai được SOP và bắt đầu tuần tra chung, vẫn còn nhiều câu hỏi phải giải quyết.

Chẳng hạn, liệu cả ba nước có thể xây dựng năng lực hàng hải và ra-đa đủ mạnh để chống cướp biển thành công như mô hình ở eo biển Malacca mà Singapore và Malaysia đã làm? Liệu các nước có thể gạt qua được các lo ngại về chủ quyền trong bối cảnh vẫn còn những lục đục về vấn đề biên giới?...

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên