09/10/2017 13:38 GMT+7

Không thể tay này cầm triện, tay kia cầm tiền

LÊ KIÊN - VŨ VIẾT TUÂN thực hiện
LÊ KIÊN - VŨ VIẾT TUÂN thực hiện

TTO - TS ĐẶNG ĐỨC ĐẠM, nguyên phó trưởng Ban nghiên cứu của Thủ tướng, trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ về công cuộc cải cách bộ máy hành chính, tinh giản biên chế, cấu trúc lại khu vực đơn vị sự nghiệp công lập.

Không thể tay này cầm triện, tay kia cầm tiền - Ảnh 1.

Bệnh viện Giao thông vận tải là bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam tiến hành cổ phần hóa năm 2015 - Ảnh: CÔNG ĐẠT

Ông cho rằng nếu cải cách quyết liệt thì hoàn toàn có thể cắt giảm 30% số công chức đang "dư thừa" trong bộ máy.

TS Đạm nói:

- Hiện nay trong bộ máy nhà nước có những lĩnh vực xảy ra tình trạng "đá lộn sân". Rất nhiều nhiệm vụ, công việc có thể để cho doanh nghiệp, cho xã hội làm thì Nhà nước vẫn ôm đồm. 

Ví dụ trong lĩnh vực đất đai là rõ nhất. Đa số các quốc gia khác, để quản lý lượng tài sản khổng lồ là đất đai thì người ta cần các doanh nghiệp có năng lực, giao cho doanh nghiệp quản lý dựa trên nền tảng pháp luật, có kiểm soát, có giải trình. 

Trong khi ở ta, đất đai lại giao cho các cấp chính quyền quản lý, tức là giao cho mấy ông cán bộ hành chính. Khối tài sản khổng lồ, có khả năng sinh lời cao, vận hành trong cơ chế thị trường, mà để cho cơ quan hành chính quản lý thì làm sao có hiệu quả tốt. 

Vậy nên hệ lụy của nó là khiếu kiện, tranh chấp, tham nhũng, quy hoạch treo, bỏ hoang ngay giữa các đô thị lớn...

Ở phần lớn các nước, các cơ quan nhà nước thì chỉ có ngân sách và làm việc hành chính, họ không tham gia "ôm" các lĩnh vực kinh tế. Còn ở ta, đó là hình ảnh một ông quan tay này cầm triện và tay kia thì cầm túi tiền. Trong khi nguyên tắc là ông đã cầm triện thì không được cầm tiền, phải tách bạch ra.

Người quản lý hành chính thì ở trong bộ máy nhà nước, hoạt động hành chính đơn thuần, còn nếu muốn làm quản lý tài sản thì phải chuyển sang khu vực doanh nghiệp

Phải đổi mới mạnh mẽ đơn vị sự nghiệp công

* Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 6, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có nêu con số rất đáng suy nghĩ, đó là cả nước có tới gần 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập, với hơn 2,4 triệu biên chế. Có thể hiểu nôm na đây là mô hình nửa nhà nước nửa thị trường? Ông bình luận gì về thực trạng này?

- Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành chủ động trình các đề án sắp xếp lại dựa trên đặc thù lĩnh vực quản lý. Đây là một hướng đi đúng. Tôi lấy ví dụ trong y tế sau khi sắp xếp lại, các bệnh viện ngày càng được tự chủ cao hơn, cùng với các quy định về cơ chế giá dịch vụ, các khoản phí, chi bảo hiểm y tế...

Đến nay lĩnh vực y tế đang được xã hội hóa mạnh mẽ. Bài học rút ra là không được lẫn lộn giữa mục tiêu và công cụ. Mục tiêu ở đây phải là tính tự chủ của các bệnh viện, trường học và các đơn vị sự nghiệp công. Còn công cụ là tài chính, ngân sách. 

Trước đây nghị định 43 đặt ngân sách như mục tiêu và phân biệt thành ba loại: tự chủ hoàn toàn, tự chủ một phần, được bao cấp toàn bộ, nên rất khó giải quyết được vấn đề.

Tới đây, phải đổi mới mạnh mẽ theo hướng không cấp ngân sách kiểu một cục cho đơn vị sự nghiệp công mà phải chuyển sang cơ chế dịch vụ, dựa trên tính cần thiết và hiệu quả của việc thực hiện dịch vụ đó. 

Đồng thời, phải đổi mới việc cấp ngân sách hoặc chính sách hướng tới các đối tượng được thụ hưởng trực tiếp, thay vì cơ chế chi cho các đơn vị sự nghiệp công lập. 

Ví dụ như trước đây trong y tế, Nhà nước dùng ngân sách cấp cho các bệnh viện thì bây giờ mua bảo hiểm y tế cho người nghèo, cho các đối tượng chính sách... 

Hiện nay hầu hết các bệnh viện không nhận kinh phí thường xuyên nữa mà tự chủ thông qua thu từ bệnh nhân, từ bảo hiểm y tế, thế là họ phải cạnh tranh phục vụ người bệnh tốt hơn, y đức cũng được cải thiện, bởi người bệnh là khách hàng.

* Ngay cơ cấu tổ chức bộ máy, trong một đơn vị sự nghiệp công lập có mấy "suất" lãnh đạo là công chức, người lao động thì một bộ phận là viên chức, một bộ phận hợp đồng lao động và một bộ phận hợp đồng công việc, rất phức tạp. Nên chăng xã hội hóa triệt để?

- Vấn đề phức tạp này là do cách quy định của luật. Có ý kiến đề nghị là tách bạch Luật công chức, viên chức và Luật về cán bộ, chứ không thể quy định Luật cán bộ, công chức. Thế nên những vấn đề bạn đặt ra thì chúng ta hi vọng Hội nghị Trung ương 6 lần này sẽ đưa ra định hướng để cải cách hệ thống hành chính cho phù hợp. 

Khi tách bạch rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống thì chúng ta thiết kế bộ máy, đổi mới cách thức tổ chức khu vực sự nghiệp công lập cũng tốt hơn.

Tôi ủng hộ cần xã hội hóa mạnh mẽ, nhiều lĩnh vực hiện nay thị trường và xã hội đảm nhiệm tốt rồi. Nhưng nếu nói rằng xã hội hóa triệt để thì cũng còn nhiều khó khăn. 

Dịch vụ công khác với hàng hóa thông thường hoàn toàn theo thị trường. Như vừa qua có tranh luận rất nhiều về mức giá dịch vụ y tế và tôi cho rằng mức giá định ra hiện nay hơi cao, khi áp dụng vào thì sợ rằng quá mức chịu đựng của người bệnh và bảo hiểm, và thực tế bảo hiểm hiện nay đang bội chi rồi.

Những dịch vụ công thiết yếu như thế này thì Nhà nước phải kiểm soát giá cả, nó khác với các dịch vụ khác hoàn toàn do thị trường quyết định. Dịch vụ công gắn với phát triển xã hội và ở đó có vai trò của Nhà nước, đặc biệt là trong những lĩnh vực chưa có được cạnh tranh bình đẳng trên thị trường. 

Ví dụ khi đi chữa bệnh không ai có thể nói rằng anh tính đắt quá thì tôi không chữa bệnh nữa, bởi lúc đó sức khỏe của họ là trên hết. 

Lo học hành cho con cái cũng vậy, đôi khi cơ sở giáo dục họ tăng học phí lên thì phụ huynh cũng cố mà chịu, chứ không thể cho con nghỉ học. Vì vậy ở các lĩnh vực đó Nhà nước phải có chính sách kiểm soát.

Không thể tay này cầm triện, tay kia cầm tiền - Ảnh 3.

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về mặt chủ trương sáp nhập Trường ĐH An Giang vào ĐH Quốc gia TP.HCM - Ảnh: VĨNH THÀNH

Nếu quyết tâm cao sẽ thành công

* Đối với vấn đề tinh giản bộ máy, được biết Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành xây dựng các đề án về vị trí việc làm, nhưng cho đến nay vẫn chưa thành công, theo ông do đâu?

- Tôi nhớ là ở một cuộc sơ kết vấn đề này, người chủ trì cho biết là sau một thời gian giao các cơ quan, đơn vị làm đề án vị trí việc làm thì thấy các nơi đều đề nghị tăng biên chế chứ không giảm. 

Tại sao lại như vậy? Tôi tìm hiểu thì thấy rằng các đề án vị trí việc làm đều giao cho chính cơ quan, đơn vị ấy làm, thế là họ cứ kê thật nhiều việc, ai dại gì mà thống kê cho mình giảm việc giảm người đi. 

Muốn thành công thì như tôi đã nói lúc đầu, thiết kế bộ máy phải dựa vào chức năng nhiệm vụ, sau đó mới tính con người, mà phải làm từ trên xuống, phải thiết kế lại.

* Thế nên mới có tình trạng mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi còn ở cương vị phó thủ tướng đã từng dẫn lại nhận định "30% công chức sáng cắp ô đi tối cắp ô về..."?

- Tỉ lệ mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra khi ông còn làm phó thủ tướng tôi cho là chính xác. Vấn đề là với các quy định về đánh giá cán bộ, công chức, cơ chế thi đua, tiền lương hiện nay thì rất khó chỉ mặt 30% công chức không làm được việc.

* Sau nhiều lần tinh giản bộ máy không thành công, theo ông thì các vấn đề được Hội nghị Trung ương 6 đặt ra và quyết định chỉ thành công khi đạt được yếu tố nào?

- Tôi có đọc một số bài trả lời phỏng vấn và bài viết trên báo Tuổi Trẻ, trong đó các ý kiến cho rằng cải cách lần này là không có đường lùi nữa, rồi Đảng phải tiên phong trong tinh giản bộ máy..., và tôi nghĩ trong điều kiện như vậy mà đặt quyết tâm chính trị cao thì sẽ thành công. 

Nếu quyết tâm không đủ lớn thì không vượt qua được những lực cản.

Không thể tay này cầm triện, tay kia cầm tiền - Ảnh 4.

Đồ họa: NHƯ KHANH

Bộ máy xã, thôn nên theo hình thức tự quản cộng đồng

* Tổng bí thư có đề cập đến tình trạng số lượng cán bộ bán chuyên trách ở cấp xã ngày càng nhiều. Với hơn 11.000 đơn vị hành chính cấp xã, nếu mỗi đơn vị có 4-5 người hưởng phụ cấp bán chuyên trách, cộng với các chức danh hưởng phụ cấp khác như trưởng thôn, bí thư chi bộ thì con số hưởng phụ cấp từ ngân sách rất lớn. Theo ông, nên giải quyết thế nào?

- Mô hình cơ quan hành chính ở VN là hành chính hóa đến cấp cơ sở cho nên kéo theo số lượng cán bộ nhiều và đặc biệt là số hưởng phụ cấp hiện nay rất nhiều ở các địa phương. Còn ở các nước thì từ cấp xã trở xuống là quản lý theo hình thức tự quản cộng đồng.

Những cư dân trên địa bàn đó họ sẽ dựa vào tính chất, mức độ, khối lượng các công việc chung để bầu ra người quản lý, thuê người làm việc và giám sát.

Chủ trương giảm cán bộ không chuyên trách ở cấp xã của chúng ta thì rõ rồi và sẽ được ủng hộ, nhưng giảm bằng cách nào thì tôi chưa rõ và chúng ta chờ quyết sách của trung ương. Tôi cho rằng tự quản sẽ tốt hơn, trước hết giao quyềntự quản với thôn, xóm.

LÊ KIÊN - VŨ VIẾT TUÂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên